(GLO)- Mặc dù kinh phí thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) chưa được phân bổ nhưng ngành Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) vẫn chủ động hướng dẫn các chủ thể xây dựng, hoàn thiện thủ tục, hồ sơ để tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2021.
Ông Nguyễn Kim Anh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa-cho biết: Sau hơn 2 năm triển khai Chương trình OCOP, đến nay, huyện đã có 19 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó có 5 sản phẩm đạt 4 sao và 14 sản phẩm 3 sao. Các sản phẩm được nâng tầm cả chất lượng và mẫu mã, có tem truy xuất nguồn gốc nên người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn.
Cà phê Gia Phú sẽ nâng tầm và mở rộng thị trường hơn nữa khi được công nhận là sản phẩm OCOP. Ảnh: Quang Tấn |
Phát huy kết quả đạt được, ngay từ đầu năm 2021, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã tham mưu giúp UBND huyện có văn bản chỉ đạo UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có ý tưởng đăng ký tham gia Chương trình OCOP. Đồng thời, thành lập đoàn đi khảo sát thực tế, đánh giá tiềm năng, từ đó hướng dẫn các chủ thể hoàn thiện ý tưởng để tham gia chương trình. Hiện nay, trên cơ sở 28 ý tưởng của 17 chủ thể, đơn vị xác định được 13 ý tưởng có tiềm năng, phù hợp với các tiêu chí của Chương trình OCOP để tiếp tục hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ phát triển thành sản phẩm OCOP năm 2021.
Với mong muốn nâng tầm chất lượng cũng như mở rộng thị trường cho sản phẩm cà phê truyền thống của gia đình, ông Huỳnh Đức Xuyến (320 Nguyễn Huệ, thị trấn Đak Đoa) quyết định đăng ký tham gia Chương trình OCOP. “Tôi đăng ký 2 ý tưởng gồm sản phẩm cà phê Gia Phú và hạt mắc ca Gia Phú nhưng qua khảo sát, đánh giá của cơ quan chuyên môn thì chỉ có sản phẩm cà phê đủ điều kiện. Hiện cán bộ chuyên môn của Phòng Nông nghiệp và PTNT đang hướng dẫn tôi hoàn thiện mọi thủ tục, hồ sơ. Hy vọng, cà phê Gia Phú sẽ được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2021”-ông Xuyến cho biết.
Những năm qua, sản phẩm cam Năm Đô của ông Nguyễn Duy Đô (làng Kop, xã Kon Gang) được nhiều người biết đến nhờ chất lượng luôn được đảm bảo. Tuy nhiên, để nâng tầm sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ cho gần 5 ha cam của gia đình và khoảng 20 ha của các hộ dân liên kết sản xuất trong vùng, ông Đô quyết định đăng ký tham gia chương trình OCOP năm 2021. Ông cho hay: “Hồ sơ, thủ tục đăng ký tham gia khá phức tạp, nếu không có sự hỗ trợ, hướng dẫn tận tình của cán bộ chuyên môn thì tôi khó hoàn thành. Hiện nay, tôi đang tập trung hoàn thiện phương án kinh doanh; nâng cấp, cải tiến nhà xưởng, máy móc; xây dựng logo, bao bì, nhãn mác sản phẩm…”.
Sản phẩm cam Nam Đô của ông Nguyễn Duy Đô (làng Kop, xã Kon Gang) ngày càng được nhiều người biết đến nhờ chất lượng luôn đảm bảo. Ảnh: Quang Tấn |
Theo bà Huỳnh Thị Ánh Vi-cán bộ phụ trách Chương trình OCOP (Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa), quá trình thực hiện chương trình cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc. Hầu hết chủ thể tham gia OCOP tập trung vào hoạt động sản xuất, chưa có tầm nhìn chiến lược trong xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm; năng lực của một số chủ thể còn hạn chế, chưa tự hoàn thiện hồ sơ, thủ tục theo quy định. Đặc biệt, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên việc trao đổi, hướng dẫn, đôn đốc các chủ thể trong xây dựng, hoàn thiện hồ sơ và sản phẩm để tham gia đánh giá, xếp hạng OCOP cũng gặp trở ngại, dẫn đến tiến độ triển khai chậm hơn so với kế hoạch. Cùng với đó, kinh tế của các chủ thể gặp khó khăn, việc sản xuất kinh doanh tạm dừng vì dịch bệnh nên thiếu vốn đầu tư bổ sung, khắc phục một số hạng mục, nội dung để đảm bảo theo tiêu chí OCOP…
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Kim Anh đề nghị: “Tỉnh và Trung ương cần quan tâm phân bổ nguồn kinh phí để địa phương chủ động triển khai hỗ trợ các chủ thể từ đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực quản lý, marketing, kinh doanh, bán hàng đến nâng cấp, cải tiến sản phẩm, bao bì, nhãn mác, tem truy xuất QR Code cũng như nâng cấp nhà xưởng, xúc tiến thương mại…”.
QUANG TẤN