Kinh tế

Nông nghiệp

Đak Đoa: Hướng đến sản xuất cà phê bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cà phê là cây trồng chủ lực của huyện Đak Đoa. Để nâng cao hiệu quả sản xuất, hướng đến sự phát triển bền vững, địa phương này đang tập trung triển khai chương trình tái canh và liên kết trồng cà phê đạt tiêu chuẩn 4C.
Đẩy mạnh tái canh
Đak Đoa là một trong những huyện có diện tích cà phê lớn nhất tỉnh với gần 27.000 ha, sản lượng hàng năm đạt 70.000 tấn nhân. Hiện nay, trên địa bàn huyện có hàng ngàn héc ta cà phê già cỗi, năng suất thấp cần tái canh. Ông Phan Tấn Đình (thôn 3, xã Tân Bình) cho hay: “Gia đình tôi có 1,2 ha cà phê trồng từ năm 1995. Cách đây hơn 1 năm, thấy diện tích cà phê này già cỗi, cho năng suất thấp, gia đình đã phá 0,5 ha để tái canh bằng giống mới. Hiện số cà phê tái canh phát triển rất tốt, dự kiến vụ tới sẽ cho thu bói. Sau khi diện tích này cho thu hoạch ổn định, gia đình sẽ tiếp tục tái canh phần còn lại”.
 Người dân huyện Đak Đoa thu hoạch cà phê. Ảnh: L.N
Người dân huyện Đak Đoa thu hoạch cà phê. Ảnh: L.N
Theo tổng hợp của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa, từ năm 2016 đến nay, toàn huyện đã tái canh được 1.532 ha cà phê. Để giúp người dân tái canh, huyện đã hỗ trợ 701.000 cây giống cà phê lai đa dòng TR4, TR7, TR9, TRS1 với tổng kinh phí 1,36 tỷ đồng. Ông Lê Tấn Hùng-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho biết: Hàng năm, UBND huyện đều ban hành nhiều văn bản chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn tích cực hướng dẫn, hỗ trợ và đôn đốc người dân tái canh cây cà phê. Đến nay, qua đánh giá, diện tích cà phê tái canh cho năng suất tăng khoảng 30% so với trước. Ngoài ra, hàng năm, huyện mở các lớp tập huấn cho người dân về kỹ thuật chăm sóc và cải tạo vườn cà phê để nâng cao năng suất.
Liên kết sản xuất cà phê bền vững  
Ngoài việc đẩy mạnh tái canh, để nâng cao chất lượng loại cây trồng chủ lực của địa phương, huyện Đak Đoa còn phối hợp với Công ty TNHH Vĩnh Hiệp triển khai 2 dự án liên kết sản xuất cà phê bền vững theo tiêu chuẩn 4C gắn với tiêu thụ sản phẩm. Dự án được triển khai từ tháng 9-2019 đến tháng 12-2020 trên địa bàn 10 xã gồm: Đak Sơ Mei, A Dơk, Ia Pết, Ia Băng, Hà Bầu, Hnol, Đak Krong, Hneng, Kdang, Glar với 300 nông hộ tham gia, diện tích 370 ha. Tổng kinh phí thực hiện dự án là gần 8,7 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới gần 3 tỷ đồng, vốn Công ty TNHH Vĩnh Hiệp hỗ trợ 222 triệu đồng, nhân dân đóng góp hơn 5,4 tỷ đồng. Anh Dương Văn Thành-Chủ nhiệm dự án (Công ty TNHH Vĩnh Hiệp) cho biết: Công ty liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với người dân các xã trên địa bàn huyện Đak Đoa theo dự án nhằm giúp người trồng cà phê canh tác ổn định, nâng cao hiệu quả kinh tế. Toàn bộ sản lượng cà phê trong phạm vi dự án sẽ được Công ty thu mua bằng với giá thị trường cộng với giá thưởng bằng 100 đồng/kg cà phê nhân xô và hỗ trợ chi phí vận chuyển 50 đồng/kg cà phê nhân xô”.
Theo anh Thành, việc thực hiện theo bộ tiêu chuẩn 4C sẽ làm thay đổi tư duy của người dân từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sang liên kết sản xuất tập thể, tập trung. Người sản xuất chủ động tiếp cận được với các nhà cung cấp vật tư đầu vào uy tín, có giá cả ưu đãi; sử dụng hiệu quả hơn các công cụ, máy móc trong sản xuất; chủ động tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm, bán tập trung với số lượng lớn để giảm chi phí vận chuyển, tăng giá trị. Ngoài ra, người sản xuất có thể nâng cao chất lượng cà phê, chế biến sâu để tăng giá trị cho sản phẩm. Thông qua các tổ chức, người dân có điều kiện gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm sản xuất. Các vật tư đầu vào được kiểm soát về số lượng và cách sử dụng, tránh lãng phí và không gây áp lực lên môi trường. Các thực hành sản xuất phù hợp với tình hình hiện tại, thích ứng với biến đổi khí hậu. “Trước khi phối hợp với UBND huyện Đak Đoa thực hiện dự án này, phía Công ty cũng đã chủ động triển khai liên kết với khoảng 500 hộ dân địa phương từ năm 2013 đến nay để sản xuất cà phê đạt tiêu chuẩn 4C rất hiệu quả với diện tích hơn 600 ha”-anh Thành chia sẻ.
Trao đổi với P.V, ông Lê Tấn Hùng nhấn mạnh: Xây dựng thành công chuỗi liên kết sản xuất cà phê bền vững đạt chứng nhận 4C gắn với tiêu thụ sản phẩm giúp người dân sản xuất ổn định hơn. Việc nâng cao chất lượng cà phê là hướng đi đúng để tăng giá trị ngành hàng trong khi việc tăng sản lượng, mở rộng diện tích canh tác đã đạt đến ngưỡng. “Ngoài ra, kỹ thuật sản xuất cà phê của người dân cũng được cải tiến, chất lượng và giá trị được nâng lên. Các nhóm có điều kiện thuận lợi có thể sản xuất cà phê với chất lượng cao hơn, chế biến sâu, xây dựng thương hiệu cà phê địa phương. Sau dự án, chuỗi liên kết được thành lập vẫn hoạt động bền vững và được duy trì bởi Công ty TNHH Vĩnh Hiệp”-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa thông tin thêm.
 LÊ NAM

Có thể bạn quan tâm