Kinh tế

Nông nghiệp

Đak Đoa: Nhiều diện tích cao su, hồ tiêu chuyển sang trồng cà phê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trước tình hình hồ tiêu, cao su rớt giá, nhiều người dân ở huyện Đak Đoa (Gia Lai) đã chuyển đổi sang trồng cà phê với hy vọng tạo nguồn thu nhập ổn định.
 Anh Hrim chăm sóc diện tích cà phê mới trồng của gia đình. Ảnh: Lê Nam
Anh Hrim chăm sóc diện tích cà phê mới trồng của gia đình. Ảnh: Lê Nam
Năm 2003, gia đình anh Hrim (làng Khương, xã Kdang) là một trong những hộ được chọn tham gia Dự án đa dạng hóa nông nghiệp, phát triển cao su tiểu điền. Thời điểm đó, giá mủ cao su rất cao. Thế nhưng, khi cây cao su bước vào thời kỳ thu hoạch chưa được bao lâu thì giá mủ bắt đầu rớt thảm hại. Anh Hrim cho hay: “Mỗi ngày đi cạo mủ cũng chỉ đủ tiền công. Với 1,8 ha cao su, mỗi năm, gia đình chỉ thu được khoảng 50-60 triệu đồng. Cố gắng bám trụ thêm vài năm nhưng giá mủ cao su cũng không thấy tăng. Do đó, năm 2015, gia đình quyết định chặt hết cành và để lại cây làm trụ bắc giàn cho chanh dây leo”. Cũng theo anh Hrim, chanh dây chỉ được 1-2 năm đầu là hiệu quả, sau đó cây phát sinh bệnh, năng suất thấp. Do đó, năm nay, anh quyết định phá hết chanh dây để trồng 1.437 cây cà phê. Hiện tại, anh trồng xen cây ớt và cà tím trong vườn cà phê để lấy ngắn nuôi dài. Theo anh Hrim, cà phê là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế ổn định, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh.
Theo kế hoạch, năm nay, toàn huyện Đak Đoa tái canh 413 ha cà phê (vượt kế hoạch huyện giao 213 ha). Từ năm 2011 đến nay, toàn huyện đã tái canh được hơn 2.000 ha. Huyện phấn đấu đến năm 2020 sẽ tái canh thêm hơn 1.000 ha cà phê.

Tương tự, nhiều hộ khác ở làng Khương như bà Trek cũng đã phá bỏ cao su để trồng cà phê. Bà Trek cho hay: “Ở đây, người ta chặt hết cao su từ lâu rồi. Nhà tôi có 1 ha cao su nhưng không hiệu quả nên năm nay phá đi để trồng cà phê. Vừa rồi, tôi bán mỗi cây cao su được hơn 100 ngàn đồng để lấy vốn thuê người đào hố, mua giống cà phê về trồng. Trước mắt, khi cà phê còn nhỏ, tôi trồng xen thêm cây bắp để lấy cái ăn”.
Về việc người dân phá bỏ cao su để trồng cà phê, ông Trương Duy Lộc-Phó Chủ tịch UBND xã Kdang-cho biết: “Kdang là một trong những xã có diện tích cà phê lớn của huyện với khoảng 3.434 ha. Năm nay, người dân trên địa bàn xã trồng mới hơn 93 ha cà phê và tái canh 63 ha. Diện tích cà phê trồng mới chủ yếu được chuyển từ đất trồng cao su tiểu điền, hồ tiêu bị bệnh chết”.
Hiện nay, huyện Đak Đoa có gần 27.000 ha cà phê (chiếm hơn 1/2 tổng diện tích cây trồng toàn huyện). Trong đó, diện tích cà phê kinh doanh 21.630 ha, đang thời kỳ kiến thiết cơ bản gần 5.370 ha. Theo số liệu tổng hợp của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa, năm nay, người dân trên địa bàn huyện đã trồng mới 362 ha cà phê, tập trung tại các xã: Kdang 93 ha, Đak Sơ Mei 50 ha, Đak Krong 50 ha, Hnol 35 ha, xã Trang 52 ha...
Ông Phạm Cường-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa-cho biết: Năm nay, diện tích cà phê trồng mới của huyện tương đối cao. Qua kiểm tra, số cà phê trồng mới của người dân được chuyển đổi từ diện tích cao su tiểu điền, vườn hộ, đất trồng hồ tiêu bị chết hoặc được trồng xen trong các vườn hồ tiêu và trên những diện tích cây ngắn ngày như: chanh dây, mì, đậu đỗ các loại. Người dân quay lại với cây cà phê cũng là điều tất yếu bởi thực tế, đây vẫn là loại cây trồng chủ lực của huyện. Với điều kiện thời tiết biến đổi thất thường và có chiều hướng bất lợi cho sản xuất nông nghiệp như hiện nay, việc phát triển cây cà phê vẫn ổn định hơn nhiều so với các loại cây trồng khác. Bởi nếu thời tiết có bất lợi như mưa nhiều hay khô hạn thì cà phê cũng chỉ giảm năng suất chứ không chết hoàn toàn như hồ tiêu. Ngoài ra, cà phê cũng dễ chăm sóc, phù hợp với trình độ canh tác của người dân.
“Trong kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Đak Đoa xác định cà phê vẫn là cây trồng chủ lực và sẽ ổn định diện tích hiện có. Định hướng của huyện là người dân tập trung sản xuất cà phê theo hướng bền vững, sử dụng các loại chế phẩm sinh học, phân hữu cơ và tăng cường bảo quản, chế biến sau thu hoạch để nâng cao giá trị, chất lượng hạt cà phê. Việc mở rộng diện tích cà phê phải nằm ở vùng thuận lợi, đảm bảo nước tưới. Ngoài ra, người dân tăng cường tái canh cà phê, đưa những giống mới như TRS1, TR4, TR9 vào thay thế dần những giống cũ, diện tích già cỗi năng suất thấp”-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa cho biết.
Lê Nam

Có thể bạn quan tâm