Kinh tế

Nông nghiệp

Đak Đoa: Nông dân thu nhập ổn định nhờ xen canh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm gần đây, người dân huyện Đak Đoa, Gia Lai đã chú trọng phát triển mô hình trồng xen cây ăn quả trong vườn cà phê. Với việc đa canh, nhiều hộ đã có nguồn thu nhập ổn định, hạn chế được rủi ro khi giá cả thị trường biến động.
Gia đình ông Phạm Văn Cang (làng Kốp, xã Kon Gang) có 3 ha đất sản xuất. Trước đây, gia đình ông chủ yếu trồng cà phê, hồ tiêu và một số loại cây ngắn ngày khác. Do cây hồ tiêu bị sâu bệnh chết, giá cà phê giảm mạnh nên thu nhập hàng năm bấp bênh. Năm 2016, ông đã chuyển đổi đất hồ tiêu chết sang trồng 5 sào cam. Đến nay, vườn cam đã cho thu nhập ổn định trên 100 triệu đồng/vụ. Cuối năm 2017, từ dự án hỗ trợ của huyện, ông tiếp tục chuyển đổi thêm 5 sào nữa để trồng cam Vinh, quýt đường, bưởi da xanh. Hiện các loại cây này đã bắt đầu cho thu bói. Ông Cang cho biết: “Tôi không chuyển đổi hết diện tích mà vẫn giữ lại 1,5 ha cà phê. Với việc giá cả nông sản thường xuyên biến động, mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng đa canh sẽ tránh được rủi ro vì khi cây này xuống giá thì còn cây kia bù lại. Ngoài ra, thời vụ của mỗi loại cây trồng khác nhau nên có thu nhập quanh năm”.
 Mô hình trồng xen cây bơ, sầu riêng và cà phê tại trang trại của ông Nguyễn Văn Chương (thôn Tam Điệp, xã hneng). Ảnh: L.N
Mô hình trồng xen cây bơ, sầu riêng và cà phê tại trang trại của ông Nguyễn Văn Chương (thôn Tam Điệp, xã hneng). Ảnh: L.N
Tương tự, gia đình ông Nguyễn Văn Chương (thôn Tam Điệp, xã Hneng) cũng đã bắt đầu chuyển đổi diện tích cà phê sang trồng bơ, sầu riêng, chanh dây, trồng cỏ nuôi bò và đào ao vừa nuôi cá vừa lấy nước tưới cho các loại cây trồng. Ông Chương cho biết, gia đình ông có gần 60 ha cà phê trồng từ năm 1999. Hầu hết diện tích cà phê này đã già cỗi, năng suất thấp. Ngoài tái canh một phần diện tích cà phê, năm 2016, gia đình ông dành đất trồng 4.000 cây bơ hass, bơ booth và bơ 034. Năm 2019, gia đình ông trồng thêm 1.000 cây sầu riêng giống Musang King. “Hiện nay, Tây Nguyên đang phát triển rất mạnh về cây ăn quả nên tôi cũng phải tìm hướng đi mới để nâng cao thu nhập trên cùng một diện tích đất. Ngoài ra, tôi còn quy hoạch và đầu tư xây dựng mô hình trang trại trái cây Lệ Cần kết hợp nghỉ dưỡng, du lịch để du khách có thể thưởng thức những sản phẩm sạch được trồng ngay tại đây”-ông Chương cho hay.             
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa, trên địa bàn huyện có 477 ha cây ăn quả (hơn 268 ha trồng xen) gồm: 102 ha sầu riêng, 118,5 ha bơ, 55 ha mít, 120 ha chuối, 34 ha cam, quýt... Ông Lê Tấn Hùng-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT-cho biết: Huyện Đak Đoa xác định cây trồng chủ lực vẫn là cà phê và hồ tiêu. Tuy nhiên, do địa phương có khí hậu, thổ nhưỡng rất thích hợp để phát triển các loại cây ăn quả có giá trị như: sầu riêng, bơ, mít, chuối… nên người dân đã chuyển đổi một phần diện tích cà phê già cỗi, hồ tiêu chết sang trồng cây ăn quả. Cây ăn quả được người dân trồng xen trong vườn cà phê tái canh để vừa làm cây che bóng, chắn gió, vừa tăng thêm thu nhập, hạn chế rủi ro khi thị trường nông sản biến động về giá cả. Huyện cũng đã xây dựng kế hoạch phát triển cây ăn quả đặc sản có lợi thế cạnh tranh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, huyện đặt mục tiêu đến năm 2020 có khoảng 560 ha cây ăn quả, năm 2025 khoảng 800 ha và đến năm 2030 có khoảng 960 ha.  
Cũng theo ông Hùng, để trồng cây ăn quả trên diện tích đất hồ tiêu chết, người dân cần xử lý đất kỹ càng nhằm tránh tồn dư mầm bệnh gây hại cho vườn cây. Huyện cũng sẽ vận động người dân thành lập tổ hợp tác, tổ liên kết, hợp tác xã trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến nhằm tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đặc biệt, khi chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, người dân cần lựa chọn những loại cây có giá trị cao, có khả năng liên kết được với doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm.
 LÊ NAM

Có thể bạn quan tâm