Kinh tế

Nông nghiệp

Đak Đoa: Tích cực triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thực hiện Đề án “Mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030” (Chương trình OCOP), huyện Đak Đoa (Gia Lai) đang tích cực triển khai sản xuất các sản phẩm truyền thống, mang tính đặc trưng của địa phương để góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị.
Thực hiện Chương trình OCOP, huyện Đak Đoa đã chỉ đạo các xã tiến hành điều tra, đăng ký các sản phẩm mang tính đặc trưng của địa phương, có khả năng cạnh tranh trên thị trường để đầu tư phát triển, mở rộng sản xuất. Theo đó, các địa phương đã tập trung mở rộng diện tích những loại cây trồng theo hướng hữu cơ, sản xuất được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP và nhân rộng mô hình sản xuất công nghệ cao, tạo ra sản phẩm sạch, có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
 Thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang kiểm tra sản phẩm hồ tiêu đỏ chất lượng cao. Ảnh: L.N
Thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang kiểm tra sản phẩm hồ tiêu đỏ chất lượng cao. Ảnh: L.N
Ông Lê Tấn Hùng-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa-cho biết: “Từ năm 2018, huyện chỉ đạo các xã tiến hành đăng ký sản phẩm đặc trưng của địa phương mình. Ngoài ra, cuối năm 2018, huyện đã tổ chức “Hội chợ nông sản an toàn” nhằm giới thiệu, quảng bá các sản phẩm của địa phương và lựa chọn những sản phẩm tốt để thực hiện Chương trình OCOP. Huyện cũng tuyên truyền sâu rộng, phát động nhân dân thi đua và đăng ký phát triển sản phẩm; phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã; nâng cao nhận thức của cán bộ huyện, xã và cộng đồng về OCOP. Đồng thời, huyện phổ biến những cơ chế, chính sách của Nhà nước về phát triển ngành nghề, phát triển nông nghiệp, nông thôn cho các tổ chức kinh tế, hộ sản xuất tham gia thực hiện Chương trình OCOP như: chính sách hỗ trợ tín dụng; chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm; chính sách về khoa học công nghệ; chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm; chính sách khuyến nông, khuyến công; chính sách đào tạo nguồn nhân lực…”.
Qua sàng lọc số sản phẩm đăng ký của các xã, huyện Đak Đoa đã chọn ra được 4 sản phẩm cho Chương trình OCOP gồm: sản phẩm hồ tiêu Lệ Chí (Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang, xã Nam Yang) với sản lượng hồ tiêu sạch, hữu cơ mỗi năm khoảng 60 tấn; khoai lang Lệ Cần (xã Tân Bình) với 700 tấn sản phẩm khoai lang tươi, khô và dẻo mỗi năm; măng ép (xã Kon Gang) với 50 tấn măng tươi, khô mỗi năm; dệt thổ cẩm (Hợp tác xã Nông nghiệp và Dệt thổ cẩm Glar, xã Glar) với 1.000 sản phẩm mỗi năm. Bà Giang HHuom-Phó Chủ tịch UBND xã Glar-cho biết: “Khi huyện triển khai mỗi xã đăng ký một sản phẩm, chúng tôi đã chọn đăng ký sản phẩm dệt thổ cẩm của Hợp tác xã Nông nghiệp và Dệt thổ cẩm Glar. Hợp tác xã này được thành lập từ năm 2005 với ngành nghề kinh doanh chủ yếu là dệt thổ cẩm làm nguyên liệu may túi xách, trang phục, khăn truyền thống của người dân tộc thiểu số. Thời gian tới, xã sẽ phối hợp với huyện mở các lớp dạy nghề dệt thổ cẩm cho lực lượng thanh-thiếu niên trên địa bàn và cho các em học sinh để vừa tạo ra nguồn nhân lực cho hợp tác xã, vừa bảo tồn nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc”.  
Để triển khai Chương trình OCOP đạt hiệu quả, ông Lê Tấn Hùng cho biết, Phòng Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu cho UBND huyện thành lập Ban chỉ đạo và Hội đồng đánh giá chất lượng sản phẩm cấp huyện nhằm lựa chọn, đề xuất sản phẩm thi đánh giá và phân hạng cấp tỉnh, cấp quốc gia. Phòng cũng tham mưu UBND huyện bổ sung nhiệm vụ thực hiện Chương trình OCOP đối với Ban chỉ đạo nông thôn mới. Song song với đó, xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình OCOP tại huyện và bố trí lồng ghép các nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, vốn khoa học công nghệ, khuyến công, khuyến nông, ngân sách địa phương và các nguồn vốn khác để đầu tư triển khai hiệu quả Chương trình OCOP.
Đối với các sản phẩm đã lựa chọn, thời gian tới, huyện sẽ cử lãnh đạo các hợp tác xã, chủ cơ sở tham gia các khóa tập huấn về Chương trình OCOP, xây dựng phương án kinh doanh. Đồng thời, huyện tiến hành đánh giá sơ bộ các sản phẩm để có hướng hỗ trợ cho phù hợp; làm thủ tục hồ sơ công bố sản phẩm, kiểm định các chỉ tiêu an toàn thực phẩm. “Ngoài ra, UBND tỉnh vừa cấp kinh phí sự nghiệp Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới năm 2019 cho huyện, trong đó có hơn 2,8 tỷ đồng cho phát triển ngành nghề nông thôn (Chương trình OCOP). Huyện sẽ cân đối bố trí hỗ trợ cho các địa phương và thuê tư vấn để thực hiện chương trình hiệu quả”-ông Hùng cho biết thêm.
LÊ NAM

Có thể bạn quan tâm