Hội nghị do Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Y Đức Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án 61 của huyện chủ trì, với sự tham dự đại diện lãnh đạo UBND huyện, Hội Nông dân huyện là Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo, cùng lãnh đạo một số ban ngành thành viên Ban Chỉ đạo...
Quang cảnh hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Ban Chỉ đạo Đề án 61 của huyện Đak Đoa. Ảnh Thanh Nhật |
Thực hiện Đề án 61 (Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam”), trong năm qua, Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 61 của huyện đã phối hợp UBND huyện chỉ đạo ngành chuyên môn, UBND 17 xã, thị trấn phối hợp với tổ chức Hội Nông dân hướng dẫn nông dân sản xuất, tăng cường phòng chống dịch bệnh. Triển khai phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, qua đó có 10.665 hộ nông dân đăng ký và có 7.421 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp năm 2023…
Phối hợp tổ chức được 11 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hơn 440 lượt nông dân, hướng dẫn 42 hộ sản xuất nông nghiệp đăng ký tham gia sàn giao dịch điện tử Postmart. Triển khai phương án “Cánh đồng lúa một giống chất lượng cao” với quy mô 779ha cho 2.620 hộ; phối hợp tái canh cây cà phê với 149.000 cây giống cho 475 hộ. Tổ chức phiên chợ nông sản vào ngày 15 hằng tháng tại huyện triển khai thủ tục đề nghị cấp 3 mã vùng trồng hồ tiêu cho 30 hộ với 30,8ha tại xã Nam Yang, đến nay toàn huyện được cấp 26 mã vùng trồng và 4 mã số cơ sở đóng gói.
Tổ chức phiên chợ triển lãm trưng bày sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và nông sản an toàn huyện với nhiều sản phẩm đặc trưng, có tiềm năng phát triển của các cá nhân và các HTX trên địa bàn huyện tham gia. Chương trình OCOP có 5 sản phẩm được UBND huyện công nhận OCOP 3 sao, nâng số sản phẩm OCOP của huyện lên 37 sản phẩm. Phối hợp với Ngân hàng Chính sách - Xã hội thực hiện ủy thác cho các hộ nghèo và các đối tượng chính sách với tổng dư nợ hơn 478 tỷ đồng với 12.001 thành viên vay vốn thông qua 252 tổ tiết kiệm và vay vốn, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT cho 1.439 hộ vay với tổng dư nợ hơn 174 tỷ đồng thông qua 55 tổ liên kết sản xuất. Trong năm đã phát triển được 367 hội viên, đến nay huyện 17.691 hội viên. 17/17 xã, thị trấn đã xây dựng được quỹ hỗ trợ, tổng số nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân do Hội Nông dân huyện quản lý gần 1,8 tỷ đồng, đã cho 80 lượt hộ vay gần 1,5 tỷ đồng với 22 dự án, phương án sản xuất…
Tại hội nghị, Ban Chỉ đạo Đề án 61 của huyện đã thống nhất nhiệm vụ năm 2024, trọng tâm là: Tổ chức tuyên truyền Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tiếp tục tuyên truyền vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam. Ban Chỉ đạo Đề án 61 từ huyện đến cơ sở tiếp tục duy trì chế độ sinh hoạt, hoạt động đúng theo Quy chế hoạt động và chương trình làm việc.
Nông dân xã Glar huyện Đak Đoa đầu tư chăm sóc vườn cây cà phê phát triển tốt. Ảnh Thanh Nhật |
UBND huyện chỉ đạo các phòng ban chuyên môn phối hợp với Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện tổ chức triển khai thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, cùng các Chương trình mục tiêu Quốc gia. Duy trì việc tổ chức phiên chợ nông sản tại huyện và tham gia Hội thi sản phẩm OCOP tại tỉnh. Tổ chức các hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở nông thôn, gắn với việc tư vấn, giới thiệu việc làm cho nông dân, nâng cao đời sống, giảm nghèo bền vững…
Đa dạng các loại hình tập hợp nông dân vào tổ chức Hội. Xây dựng Đề án kiện toàn tổ chức bộ máy và hoạt động của Quỹ hỗ trợ nông dân cấp huyện. Kiểm tra tình hình hoạt động của Ban Chỉ đạo Đề án 61 của 17/17 xã, thị trấn để kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn và khắc phục những mặt hạn chế, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc ngay tại cơ sở.