Kinh tế

Nông nghiệp

Đak Đoa xây dựng mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu nông sản

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Để sản xuất nông nghiệp bền vững và hướng đến xuất khẩu nông sản chính ngạch, huyện Đak Đoa tích cực tuyên truyền, vận động và hỗ trợ người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp xây dựng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói.

Theo ông Lê Tấn Hùng-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện: Nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của huyện với những loại cây trồng chủ lực như: cà phê, hồ tiêu và cây ăn quả. Đặc biệt, thời gian gần đây, người dân trên địa bàn phát triển mạnh cây ăn quả với diện tích hơn 2.773 ha gồm: 1.158 ha chuối, 343 ha sầu riêng, 620 ha chanh dây, 167 ha bơ, 83 ha mít...

Anh Lương Thế Hiếu (thôn Krun, xã Hneng) thu hoạch chuối đưa về sơ chế và đóng gói. Ảnh: Lê Nam

Anh Lương Thế Hiếu (thôn Krun, xã Hneng) thu hoạch chuối đưa về sơ chế và đóng gói. Ảnh: Lê Nam

Để sản xuất bền vững và hướng đến xuất khẩu chính ngạch, người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp đã chủ động xây dựng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói. Việc xây dựng mã số vùng trồng còn góp phần quản lý người sản xuất theo quy trình đảm bảo an toàn thực phẩm và làm thay đổi nhận thức của người dân, doanh nghiệp trong sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, huyện đã được cấp 15 mã số vùng trồng với diện tích hơn 717 ha (3 mã chanh dây, 4 mã sầu riêng và 8 mã chuối) và 4 mã số cơ sở đóng gói.

Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Hưng Sơn là doanh nghiệp đầu tiên ở Đak Đoa được cấp mã số vùng trồng chuối, mã số cơ sở đóng gói chuối. Công ty đang triển khai Dự án trồng hơn 420 ha chuối già Nam Mỹ tại các xã: Ia Pết, Kon Gang và Hneng. Ngoài ra, Công ty còn liên kết với 2 hộ dân ở xã Hneng trồng 23 ha chuối già Nam Mỹ.

Là hộ liên kết trồng chuối với Công ty, anh Lương Thế Hiếu (làng Krun, xã Hneng) cho biết: Năm 2022, gia đình anh chuyển đổi 6 ha cà phê già cỗi, năng suất thấp sang trồng chuối già Nam Mỹ. Năm đầu, 1 ha chuối đầu tư hết hơn 100 triệu đồng. Sau 11 tháng, cây chuối bắt đầu cho thu hoạch, năng suất bình quân khoảng 30 tấn/ha.

“Cây chuối rất thích hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở Đak Đoa. Chúng tôi được Công ty hỗ trợ giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật, quy trình chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, đóng gói đúng theo quy định của nước nhập khẩu. Sau khi trừ chi phí đầu tư, gia đình đạt lợi nhuận khoảng 150-200 triệu đồng/ha”-anh Hiếu chia sẻ.

Ông Trương Thành Trọng-phụ trách kinh doanh của Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Hưng Sơn-cho hay: Tháng 6-2020, Công ty bắt đầu thử nghiệm mô hình trồng chuối già Nam Mỹ với diện tích 50 ha tại xã Ia Pết. Thấy cây chuối phát triển tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nên Công ty mở rộng diện tích. Để xuất khẩu chuối theo đường chính ngạch, Công ty đã làm hồ sơ và được Cục Bảo vệ thực vật cấp 7 mã số vùng trồng và 3 mã số cơ sở đóng gói.

Hiện sản phẩm của Công ty đã xuất sang thị trường các nước như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore, Đài Loan, Qatar, Israel... với sản lượng khoảng 20.000 tấn/năm. Chuối được trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất như: bón phân qua hệ thống tưới nhỏ giọt, phun thuốc bằng máy bay không người lái, ghi chép đầy đủ nhật ký chăm sóc, thu hoạch theo từng lô, từng hàng. Ngoài ra, Công ty đã đầu tư hệ thống kho lạnh để bảo quản sản phẩm sau thu hoạch…

“Sau khi được cấp mã vùng trồng, Công ty xuất khẩu thẳng sản phẩm chuối sang nước bạn, không phải qua đầu mối trung gian nào. Điều này giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất. Công ty sẽ tiếp tục liên kết với nông dân mở rộng vùng nguyên liệu và xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói để xuất khẩu nhằm nâng cao giá trị sản phẩm”-ông Trọng thông tin.

Công nhân Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Hưng Sơn (huyện Đak Đoa) sơ chế và đóng gói chuối. Ảnh: Lê Nam

Công nhân Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Hưng Sơn (huyện Đak Đoa) sơ chế và đóng gói chuối. Ảnh: Lê Nam

Ông Lê Tấn Hùng cho biết: Những năm qua, ngành nông nghiệp huyện luôn duy trì mức tăng trưởng ổn định; cơ cấu cây trồng từng bước chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường. Người dân đã chú trọng sản xuất theo hướng điều chỉnh cơ cấu giống phù hợp, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và giá trị trên một đơn vị diện tích.

Huyện cũng đã định hướng tổ chức sản xuất có sự gắn kết chặt chẽ từ phát triển vùng nguyên liệu tập trung đến chế biến, bảo quản tại chỗ gắn với thị trường tiêu thụ cụ thể. Bên cạnh đó, công tác quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói giúp hàng nông sản xuất khẩu tăng khả năng cạnh tranh, thúc đẩy liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.

“Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và hướng dẫn, hỗ trợ các cá nhân, hợp tác xã, doanh nghiệp triển khai xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói để phát triển nông nghiệp bền vững. Điều này là rất cần thiết, phù hợp với định hướng của UBND huyện trong Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Ngoài các loại cây ăn quả đã được cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, chúng tôi đang kết nối với một số doanh nghiệp lớn để xây dựng mã số vùng trồng cho cây cà phê, hướng đến xuất khẩu”-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện thông tin thêm.

Có thể bạn quan tâm