Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột - nơi thay van động mạch chủ qua da cho bệnh nhân |
Trước đó, Sở Y tế Đắk Lắk đã có báo cáo gửi Bộ trưởng Bộ Y tế, Cục Quản lý khám chữa bệnh, Thanh tra Bộ Y tế và Bệnh viện Bạch Mai liên quan vụ việc này.
Theo Sở Y tế, sở này nhận được báo cáo của Bệnh viện về việc ca bệnh thay van động mạch chủ qua da (TAVI) đối với bệnh nhân Nguyễn Thị Â. (67 tuổi, trú TP. Đà Nẵng), tuy nhiên sau đó bệnh nhân tử vong.
Theo báo cáo, ngày 26/7, bệnh nhân Â. nhập Bệnh viện. Sau khi thăm khám và hội chẩn với một số bác sĩ Viện Tim mạch Việt Nam – Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân có chỉ định và được can thiệp thủ thuật TAVI vào ngày 28/7. Một ngày sau, bệnh nhân ngưng tuần hoàn, rối loạn nhịp thất ác tính, tràn máu ngoài màng tim, chèn ép tim và sau đó tử vong.
Sở Y tế đã thành lập Hội đồng chuyên môn và có báo cáo như sau: Bệnh viện được Bộ Y tế cấp Giấy phép hoạt động vào ngày 22/9/2022; được Bộ Y tế phê duyệt thực hiện kỹ thuật “Thay van động mạch chủ qua da” (TAVI) vào ngày 27/1/2022; Đã ban hành quy trình “Thay van động mạch chủ qua da” để thực hiện tại Bệnh viện theo hướng dẫn tại Quyết định số 3983 ngày 3/10/2014 của Bộ Y tế.
Đối với nhân sự tham gia thực hiện kỹ thuật, theo Hồ sơ bệnh án, chưa có bác sỹ chẩn đoán hình ảnh, bác sỹ siêu âm tim tham gia phẫu thuật. Bệnh viện chưa cung cấp hợp đồng hỗ trợ chuyên môn giữa nơi này với Bệnh viện Bạch Mai; chưa cung cấp hợp đồng làm việc giữa Bệnh viện và các bác sĩ thuộc đội hỗ trợ chuyên môn của Bệnh viện Bạch Mai gồm 3 người.
Bệnh viện cũng chưa cung cấp được hồ sơ năng lực chuyên môn của 3 bác sĩ Viện Tim mạch Việt Nam – Bệnh viện Bạch Mai (thành viên trực tiếp tham gia Êkip Phẫu thuật/Thủ thuật theo Báo cáo của Bệnh viện và theo ghi chép tại Hồ sơ bệnh án).
Ngoài ra, Bệnh viện chưa cung cấp, làm rõ Hợp đồng hợp tác, chức năng nhiệm vụ cũng như chứng minh năng lực của 1 bác sĩ tham gia trong Êkip can thiệp trên. Chưa cung cấp đầy đủ hồ sơ nhân sự thực hiện kỹ thuật Siêu âm tim qua thành ngực; Siêu âm tim qua thực quản.
Người dân đến khám tại Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột chiều 20/8 |
Chưa hết, Hội đồng chuyên môn Sở Y tế còn nêu, việc chẩn đoán trước phẫu thuật chưa đầy đủ các cận lâm sàng hỗ trợ chẩn đoán (Chụp động mạch vành; đo đường kính lỗ van, đường kính gốc động mạch chủ, đường kính động mạch chủ; MSCT để đánh giá Buồng tim, van tim, gốc động mạch chủ và quai động mạch chủ).
Khi xảy ra biến chứng, tai biến, chỉ định mở ngực là chưa phù hợp vì chưa có đội ngũ Phẫu thuật tim, chưa có tuần hoàn ngoài cơ thể và các máy móc hỗ trợ hồi sức tim. Đồng thời, sau khi người bệnh xảy ra tai biến, Êkíp chưa làm lại các xét nghiệm, cận lâm sàng đánh giá mức độ mất máu và đánh giá chức năng các cơ quan khác đối với người bệnh.
Các bác sĩ điều trị của Bệnh viện chưa thực hiện CT Tim đối với người bệnh nên chưa đánh giá được tổn thương cấu trúc van tim và cấu trúc cơ tim.
Người bệnh có chẩn đoán cơn đau thắt ngực không ổn định khi chưa có chụp kiểm tra Động mạch vành. Kết quả cận lâm sàng Siêu âm tim Doppler chưa đo đường kính van động mạch chủ và diện tích hẹp lỗ van động mạch chủ.
Quy trình hội chẩn chưa đúng theo quy định (cần có biên bản hội chẩn cấp khoa, cấp liên khoa hoặc cấp toàn viện trước khi mời chuyên gia tuyến trên hỗ trợ chuyên môn; chưa hội chẩn ngoại khoa trước mổ); Chưa tuân thủ các quy định về tổ chức Hội chẩn…
Theo Huỳnh Thủy (TPO)