TN - Đất & Người

Đắk Lắk cấp bách chống hạn cho cây trồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo thống kê của Công ty TNHH Một thành viên Quản lý công trình Thủy lợi tỉnh Đắk Lắk, ảnh hưởng của nắng nóng kèo dài đã khiến nhiều công trình hồ, đập trên địa bàn bị cạn kiệt nguồn nước.

Hạn hán khốc liệt khiến hồ Vụ Bổn, xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắc, vốn được thiết kế tưới cho 400 ha cây trồng đã cạn trơ đáy.

Đơn vị đang huy động lực lượng triển khai các biện pháp chống hạn nhằm ổn định tình hình sản xuất cho nhân dân và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.

Vét nước đáy hồ, cứu cây trồng

Theo thống kê, đến ngày 9/4/2024, trong 352 công trình thủy lợi do Công ty TNHH Một thành viên Quản lý công trình Thủy lợi tỉnh Đắk Lắk quản lý đã có 28 hồ chứa cạn kiệt nguồn nước không còn khả năng bơm tưới; 83 hồ chứa có dung tích dưới 50%; chỉ còn 14 hồ chứa đạt mức nước dâng bình thường… Thời gian tới, nếu hạn hán còn kéo dài, nguy cơ thiếu nước sản xuất sẽ kéo sang cả vụ Hè Thu.

Ghi nhận của phóng viên tại hồ chứa Vụ Bổn (xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắc) ngày 11/4, mức nước hồ đã cạn dưới mực nước chết, nhiều vị trí đã trơ đáy hồ. Mặt hồ chỉ còn một số vũng nước nhỏ. Do đó, hồ đã không còn khả năng tự đưa nước vào kênh thủy lợi.

Ông Phạm Hữu Thành, Giám đốc Chi nhánh Thủy lợi Krông Pắc (trực thuộc Công ty TNHH Một thành viên Quản lý công trình Thủy lợi tỉnh Đắk Lắk) cho biết, hồ Vụ Bổn được thiết kế tưới cho 400 ha cây trồng. Ngay từ đầu vụ Đông Xuân, hồ chỉ đạt dung tích nước 49% so với thiết kế. Do đó, Chi nhánh đã phối hợp với chính quyền địa phương khuyến cáo người dân giảm diện tích gieo trồng xuống còn 200 ha. Tuy nhiên, nắng nóng kéo dài từ đầu năm 2024 đến nay đã khiến hồ cạn kiệt nguồn nước, không còn khả năng đưa nước vào kênh phục vụ sản xuất.

Do đó, Chi nhánh đã lắp đặt một trạm bơm dã chiến với công suất 1.000 khối/giờ để bơm nước từ hồ vào hệ thống kênh mương nhằm chống hạn cho các cánh đồng. Hiện nay, hồ đã xuống dưới mực nước chết và mực nước địa hình còn khả năng bơm được hai đợt nữa (đến hết tháng 4) sẽ cạn kiệt. Vì vậy, đơn vị sẽ cố gắng phối hợp với chính quyền địa phương, nhân dân điều tiết nguồn nước còn lại của hồ đến các vùng sản xuất để giảm nhẹ thiệt hại diện tích cây trồng do hạn hán gây ra.

Lượng mưa thấp cùng với tình hình khô hạn kéo dài khiến nhiều hồ chứa trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk cạn kiệt nước ngay từ đầu vụ Đông Xuân. Điều này gây khó khăn cho nông dân, nhất là những vùng sản xuất phụ thuộc vào nguồn nước của hồ chứa thủy lợi.

Hồ thủy lợi Ea Blang tại thị xã Buôn Hồ được thiết kế để tưới cho hơn 160 ha cây trồng (trong đó có hơn 100 ha cây công nghiệp) nhưng đã cạn kiệt nguồn nước. Tuy nhiên, để “cứu” diện tích cây trồng khỏi hạn hán, người dân vẫn kiên trì vét từng vũng nước dưới đáy hồ để chống hạn cho cây.

Ông Nguyễn Hồng Hướng (thị xã Buôn Hồ) cho biết, gia đình ông canh tác 9 ha cây trồng xen canh ngay gần hồ thủy lợi Ea Blang gồm cà phê, tiêu, sầu riêng… Đây đều là những loại cây đang cần nước tưới. Dù hồ đã cạn kiệt nguồn nước nhưng gia đình ông vẫn lắp một máy bơm nước chạy từ 3 - 4 tiếng mỗi ngày để vét những vũng nước còn lại trong hồ tưới cho diện tích cây trồng. Hiện, nguồn nước trong hồ chỉ còn những vũng nhỏ nên không đủ nước tưới. Trong trường hợp hạn hán kéo dài, thiếu nước tưới, nguy cơ nhiều diện tích cây trồng giá trị kinh tế cao của người dân bị thiệt hại nặng nề.

Ông Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch UBND xã Ea Siên (thị xã Buôn Hồ) cho biết, toàn xã có 1.858 ha cà phê. Đây là cây chủ lực của địa phương. Tình hình hạn hán thời gian qua đã ảnh hưởng đến khoảng 500 ha cây trồng trên địa bàn xã, nhất là cây cà phê. Trong khi đó, trên địa bàn, hai công trình thủy lợi là hồ Ea Muých và hồ Ea Blang đều đã cạn kiệt nguồn nước. Do đó, người dân chỉ trông chờ vào trời mưa để cứu cây trồng.

"Thời gian tới, nếu không có mưa, khả năng nhiều diện cây trồng sẽ bị mất trắng, gây thiệt hại nặng nề cho nhân dân. Do đó, các cấp, ngành cần quan tâm đầu tư nạo vét các hồ có sẵn để tích nước phục vụ người dân sản xuất; đồng thời, đầu tư thêm các cụm thủy lợi mới để phục vụ nhân dân sản xuất" - ông Nguyễn Quốc Cường đề nghị.

Cấp bách chống hạn cho cây trồng

Ông Trịnh Quốc Bảo, Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Quản lý công trình Thủy lợi tỉnh Đắk Lắk cho biết, để chống hạn hiệu quả cho cây trồng đồng thời giảm nhẹ thiệt hại do hạn hán, đơn vị đang theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết và tình hình lượng nước của các hồ, đập để kịp thời khuyến cáo người dân và điều tiết nguồn nước chống hạn, phục vụ nhân dân sản xuất.

Khu vực thượng nguồn hồ chứa Krông Búk Hạ, huyện Krông Pắc (dung tích chứa gần 110 triệu m3 nước) đã cạn kiệt nguồn nước.

Đối với những hồ không đảm bảo mực nước, đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương khuyến cáo người dân giảm diện tích sản xuất, chuyển đổi cây trồng ở những khu vực có nguy cơ thiếu nước, không có nước sản xuất. Những công trình thủy lợi dưới mực nước chết, công ty đã xin ý kiến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để bơm lượng nước trong hồ vào hệ thống kênh, mương thủy lợi nhằm cấp bách chống hạn cho cây trồng, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra; đồng thời, đắp các đập tạm dọc hệ thống sông, suối để bơm nước lên kênh, mương chống hạn cho cây trồng.

Theo ông Trịnh Quốc Bảo, dự báo thời gian tới, tình hình nắng nóng còn kéo dài. Về lâu dài để nâng cao hiệu quả khai thác công trình thủy lợi, Công ty khuyến cáo, người dân cần tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; triển khai các mô hình tưới nước tiết kiệm để thích ứng với biến đổi khí hậu. Đơn vị kiến nghị, các cấp, sở, ngành liên quan tạo điều kiện để triển khai quy trình nạo vét những lòng hồ bị bồi lắng; kiên cố hóa, nâng cấp hệ thống kênh, mương để tích được nhiều nước và sử dụng hiệu quả nguồn nước, đảm bảo hoạt động sản xuất của nhân dân.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, toàn tỉnh có khoảng 655.000 ha đất canh tác nông nghiệp (lớn nhất cả nước). Từ năm 2014 - 2023, hạn hán thường xuyên xảy ra trên địa bàn khiến khoảng 299.755 ha cây trồng các loại bị hạn với gần 30.000 ha bị mất trắng; thiệt hại ước tính 6.980 tỷ đồng.

Năm 2024, dự báo tình trạng khô hạn trên địa bàn tỉnh xảy ra phức tạp. Việc này dẫn đến khả năng thiếu nước tại các công trình thủy lợi nhỏ, lòng hồ bị bồi lắng; vùng không có công trình, vùng nghèo nước ngầm như các huyện Cư M’gar, Ea Súp, Krông Pắc, Krông Bông, Buôn Đôn, Ea Kar, Krông Búk, Krông Năng... với khoảng 8.000 ha cây trồng các loại bị ảnh hưởng.

Ông Đỗ Xuân Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho biết, trước dự báo tình hình diễn biến hạn hán của các cơ quan chuyên môn, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành phương án ứng phó thiên tai năm 2024 trên địa bàn. Đồng thời, Sở triển khai kế hoạch kiểm tra, đánh giá tình hình thực tế các hồ, đập thủy lợi và hoạt động sản xuất của nhân dân để kịp thời có giải pháp ứng phó với hạn hán kéo dài, đảm bảo sản xuất cây trồng cho nhân dân.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo, các địa phương cần cấp bách triển khai biện pháp chống hạn theo phương án đã được UBND tỉnh ban hành. Trong đó, tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động tích trữ nước, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nước, điện, triệt để chống thất thoát, lãng phí nước; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thời vụ, sử dụng giống ngắn ngày, chịu hạn.

Đối với cây trồng dài ngày, có giá trị kinh tế cao, người dân cần tăng cường áp dụng các kỹ thuật canh tác nông nghiệp tiên tiến, công nghệ cao, tiết kiệm nước. Các địa phương đánh giá nguồn nước dự trữ tại các hồ chứa nước, công trình thủy lợi trên địa bàn, tính toán cân bằng nước để có phương án sử dụng hợp lý, ưu tiên sử dụng nguồn nước tại các sông, suối trước; sau đó đến các nguồn nước ao, hồ tạm, rồi đến nguồn nước tại các hồ chứa công trình thủy lợi, thủy điện.

Có thể bạn quan tâm