Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Đak Lak: Cứu hộ thành công voi rừng gặp nạn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau 7 ngày liên tục tìm kiếm, đến trưa ngày 15-5, lực lượng cứu hộ thuộc Vườn Quốc gia Yok Đôn và Trung tâm Bảo tồn voi Đak Lak đã tìm thấy và cứu hộ thành công voi rừng gặp nạn.

Ảnh: Tấn Hiền

Con voi này được lực lượng cứu hộ phát hiện và khống chế thành công tại Tiểu khu 417 và 422 (Vườn Quốc gia Yok Đôn). Đến 3 giờ chiều cùng ngày, voi rừng đã được áp tải đến vị trí tập kết để thuận tiện cho việc chữa trị và chăm sóc vết thương. Để “giải cứu” voi rừng, lực lượng cứu hộ đã phải huy động 2 voi nhà, 4 nài voi có kinh nghiệm trong việc săn bắt, thuần dưỡng voi rừng trước đây tại địa phương, 1 xe ô tô chở thức ăn và hơn 12 cán bộ, bác sĩ thú y… cùng tham gia.

Ông Đỗ Viết Thụ-Phụ trách Phòng Bảo tồn voi hoang dã, Trung tâm Bảo tồn Voi Đak Lak, cho biết: “Loài voi là động vật hoang dã nên nó di chuyển rất nhanh. Mặc dù chúng tôi đã rất cố gắng nhưng việc tiếp cận chú voi rất khó khăn. Sau 7 ngày, cuối cùng chúng tôi cũng giải cứu được nó, vất vả nhưng ai cũng vô cùng phấn khởi”.
 

Ảnh: Tấn Hiền

Hiện tại, con voi rừng nói trên đang bị 2 vết thương khá nặng tại chân trước bên phải và một vết cắt sâu làm đứt 1/2 vòi. Các chuyên gia cứu hộ thuộc Thảo cầm viên TP. Hồ Chí Minh đã tiến hành các bước sơ cứu ban đầu. Theo đánh giá của các chuyên gia, những vết thương trên tạm thời không gây nguy hiểm đến tính mạng của voi.

“Với điều kiện thương tích hiện nay thì khả năng tái hòa nhập đàn của con voi này là điều không thể. Bởi lẽ, chân bị thương thì không đi theo kịp bầy, vòi cũng bị thương nên rất bất tiện trong quá trình sinh hoạt”-ông Trần Văn Thành-Quyền Giám đốc Vườn Quốc Gia Yok Đôn cho hay.
 

Ảnh: Tấn Hiền

Được biết, trước đó, vào chiều ngày 7-5, Vườn Quốc Gia Yok Đôn đã nhận được thông tin một voi rừng khoảng 5 năm tuổi, nặng cỡ 7 tạ, cao 1,2 mét, dài khoảng 3 mét bị dính bẫy thú ở vòi, di chuyển quanh quẩn ở tiểu khu 453, lâm phần Ban Quản lý Rừng phòng hộ Buôn Đôn. Công tác cứu hộ được nhanh chóng triển khai ngay sau đó và mãi đến trưa ngày 15-5 mới giải cứu thành công con voi này.
 

Ảnh: Tấn Hiền

Thành công lần này cũng đã trang bị thêm nhiều kinh nghiệm cho đội ngũ những người làm công tác chuyên trách. Tuy nhiên, qua vụ việc nói trên, vấn đề cứu hộ-cứu nạn cho động vật hoang dã trong điều kiện thiếu thốn mọi mặt như hiện tại đang là điều cấp thiết đặt ra cho các ngành chức năng. Kinh nghiệm cứu hộ hay việc chủ động được các điều kiện tối thiểu trong công tác cứu hộ và chữa trị cho voi rừng nói riêng và động vật hoang dã nói chung ở Tây Nguyên-nơi tập trung phần lớn diện tích rừng trong cả nước-vẫn còn quá nhiều hạn chế cần sớm được khắc phục.

Tấn Hiền-Hồng Thi

Có thể bạn quan tâm