TN - Đất & Người

Đắk Lắk đầu tư gần 3,6 tỷ đồng thực hiện 16 đề án khuyến công

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Năm 2020, có 16 đề án khuyến công địa phương được Đắk Lắk thực hiện, với tổng kinh phí gần 3,6 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 2 tỷ đồng, đối ứng của đơn vị thụ hưởng gần 1,6 tỷ đồng.
Nghiệm thu đề án khuyến công địa phương tại Đắk Lắk. (Nguồn: Daklak.gov.vn)
Nghiệm thu đề án khuyến công địa phương tại Đắk Lắk. (Nguồn: Daklak.gov.vn)
Số liệu thống kê cho thấy giai đoạn 2014-2020, Khuyến công tỉnh Đắk Lắk đã thực hiện 62 đề án ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến trong sản xuất công nghiệp. Trong số đó, khuyến công quốc gia hỗ trợ 5 đề án với tổng kinh phí 1,020 tỷ đồng; khuyến công địa phương thực hiện 57 đề án, tổng kinh phí 5,607 tỷ đồng.
Giai đoạn 2021-2025, Đắk Lắk dự kiến hỗ trợ xây dựng 5 mô hình trình diễn kỹ thuật; chuyển giao và ứng dụng thiết bị tiên tiến, hiện đại cho 100 cơ sở công nghiệp nông thôn, tư vấn áp dụng sản xuất sạch hơn cho 40 cơ sở…
Năm 2020, có 16 đề án khuyến công địa phương được Đắk Lắk thực hiện, với tổng kinh phí gần 3,6 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 2 tỷ đồng, đối ứng của đơn vị thụ hưởng gần 1,6 tỷ đồng.
Cụ thể, 7 đề án hỗ trợ máy móc kỹ thuật trong sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (2,7 tỷ đồng), 4 đề án tập huấn khuyến công (380 triệu đồng); 1 đề án phát triển công nghiệp nông thôn (310 triệu đồng); 2 đề án quản lý và tổ chức thực hiện hoạt động khuyến công (80 triệu đồng) và 2 đề án cung cấp thông tin về chính sách phát triển công nghiệp (120 triệu đồng).
Ngoài các đề án hỗ trợ, ngành khuyến công cũng thực hiện các hoạt động thông tin, tuyên truyền về chính sách khuyến công; theo dõi, giám sát và hướng dẫn đối tượng thụ hưởng trong quá trình thực hiện để các đề án phát huy hiệu quả.
Các đề án sau khi được nghiệm thu đưa vào sử dụng đã giúp cơ sở, doanh nghiệp công nghiệp nông thôn tăng doanh thu, tăng giá trị sản phẩm, tạo nhiều việc làm cho lao động nông thôn.
Đáng lưu ý, các đề án đều được triển khai trong lĩnh vực, ngành nghề thế mạnh của tỉnh, như chế biến nông sản, điêu khắc mỹ nghệ, gia công vật liệu xây dựng… do vậy giảm được đáng kể chi phí về nguyên liệu, đào tạo nhân lực…
Dù vậy, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn của Đắk Lắk đa số có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, sản xuất rời rạc manh mún, mới chỉ cơ khí hóa chứ chưa hiện đại hóa được sản xuất. Sản phẩm tạo ra chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh. Hơn nữa, do nguồn vốn hạn chế, mức hỗ trợ từ khuyến công còn thấp; đối tượng thụ hưởng chưa nhiều do năng lực tài chính và quản trị của doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn còn hạn chế, chưa đủ điều kiện tiếp cận chính sách khuyến công.
Để giải quyết bài toán kinh phí, trong định hướng công tác khuyến công giai đoạn 2021-2025, Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk sẽ huy động mọi nguồn lực tham gia, hoặc hỗ trợ cá nhân đầu tư sản xuất công nghiệp nông thôn, nhất là công nghiệp chế biến nông-lâm sản và cơ khí phục vụ nông nghiệp.
Tỉnh khuyến khích doanh nghiệp công nghiệp nông thôn mạnh dạn đầu tư ứng dụng máy móc, thiết bị vừa hiện đại hóa sản xuất, vừa gia tăng lực lượng thụ hưởng chính sách khuyến công.
Nhằm hiện thực hóa định hướng, Sở Công Thương đề nghị các bộ, ngành nghiên cứu, thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính trong xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện và thanh quyết toán đề án.
Cụ thể, khi đăng ký kế hoạch, chỉ cần có văn bản đăng ký của địa phương, sau khi được Bộ Công Thương chấp thuận phê duyệt kế hoạch sẽ bổ sung đề án, phiếu thẩm định cấp cơ sở và triển khai theo quy định hiện hành.
Theo đánh giá từ Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk, nhờ sự hỗ trợ cả nhân lực và vật lực của khuyến công, các doanh nghiệp công nghiệp nông thôn Đắk Lắk đã tiên tiến hóa sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm sau chế biến, đủ tiêu chuẩn để cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
(Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm