Hàng dài xe bị ùn tắc cục bộ đoạn qua xã Ea Yông (Krông Pắc, Đắk Lắk) trong thời điểm thu hoạch sầu riêng. (Ảnh: TTXVN phát) |
Quốc lộ 26 có tổng chiều dài hơn 150km, là tuyến giao thông huyết mạch lưu thông của tỉnh Đắk Lắk đến tỉnh Khánh Hòa, tiếp cận Quốc lộ 1A và hệ thống các cảng biển.
Những năm gần đây, lượng hàng hóa lưu thông tăng cao khiến Quốc lộ 26 đoạn qua tỉnh Đắk Lắk quá tải và thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc cục bộ, nhất là vào thời điểm thu hoạch sầu riêng tại huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk (khoảng tháng 8-10 hằng năm).
Điều này đòi hỏi cần sớm có giải pháp khai thông điểm nghẽn trong giao thông để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của nhân dân.
Theo ghi nhận của phóng viên, trên dọc tuyến Quốc lộ 26, đoạn qua địa bàn các xã Hòa Đông, Ea Knuếc, Ea Kênh, Ea Yông, thị trấn Phước An... của huyện Krông Pắc vào những ngày cuối tháng 8/2024 đều xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ. Đây cũng là thời điểm thu hoạch sầu riêng trên địa bàn huyện nên ngoài các loại phương tiện cá nhân như ôtô, xe máy, xe máy cày... tham gia giao thông thì có rất nhiều các loại xe tải, xe container trọng lượng nặng ra, vào các kho sầu riêng bốc hàng và tham gia lưu thông.
Do đó, tình trạng ùn tắc cục bộ cũng trở nên thường xuyên hơn và ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống nhân dân cũng như nhịp phát triển kinh tế của địa phương.
Vào thời điểm thu hoạch sầu riêng tại huyện Krông Pắc thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông cục bộ khi các phương tiện trọng tải nặng lưu thông. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN) |
Quốc lộ 26 là tuyến Quốc lộ huyết mạch mà cánh tài xế vận chuyển hàng hóa, hành khách kết nối tỉnh Đắk Lắk với Quốc lộ 1A và các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ.
Tuy nhiên, những năm gần đây Quốc lộ 26 nhiều đoạn đã xuống cấp, phương tiện lưu thông lại tăng cao đột biến vào những tháng thu hoạch sầu riêng nên tình trạng ùn tắc cục bộ, va chạm giao thông thường xuyên xảy ra trên dọc tuyến, nhất là đoạn đi qua địa bàn huyện Krông Pắc.
“Trước đây, khi di chuyển trên Quốc lộ 26 đoạn qua huyện Krông Pắc chỉ mất khoảng 1 giờ nhưng hiện nay thường mất nhiều giờ đồng hồ và khá mệt mỏi khi tình trạng ùn tắc giao thông xảy ra liên tục. Điều này không chỉ dẫn đến chi phí vận chuyển tăng cao mà còn khiến hàng hóa vận chuyển bị chậm trễ và bộc lộ thực tế là giao thông chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển kinh tế của địa phương,” anh Nguyễn Bảo Trúc cho hay.
Theo Trung tá, Nguyễn Hà Trung, Đội Cảnh sát Giao thông số 2, Phòng Cảnh sát Giao thông, Công an tỉnh Đắk Lắk, đội được phân công làm nhiệm vụ trên tuyến Quốc lộ 26, trong thời gian diễn ra vụ thu hoạch vụ sầu riêng trên địa bàn huyện Krông Pắc và các huyện lân cận thì mật độ phương tiện lưu thông trên tuyến rất đông, làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn và ùn tắc giao thông.
Nguyên nhân là do mật độ phương tiện tăng cao và các phương tiện xe máy cày đi tốc độ chậm; phương tiện xe container hạng nặng khi chạy từ các kho bãi sầu riêng ra Quốc lộ 26 mất nhiều thời gian, chiếm nhiều không gian dẫn đến ùn tắc cục bộ từng quãng đường.
Trong thời điểm thu hoạch sầu riêng, lực lượng cảnh sát giao thông cũng tăng cường tuần tra, kiểm soát giao thông 24/24 giờ để hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông và khi xảy ra ùn tắc cũng có mặt kịp thời để phân luồng giao thông, không để ùn tắc kéo dài.
Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông, Công an tỉnh Đắk Lắk Thượng tá Bùi Trọng Tuấn cho biết Quốc lộ 26 là tuyến giao thông đã xuống cấp ở nhiều vị trí và khá chật hẹp so với lưu lượng phương tiện lưu thông dẫn đến thời gian qua số vụ tai nạn giao thông tăng và xảy ra ùn tắc giao thông cục bộ ở một số đoạn qua địa bàn huyện Krông Pắc.
Lực lượng cảnh sát giao thông phân luồng cho xe chở sầu riêng để giảm áp lực lưu thông trên Quốc lộ 26. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN) |
Trước tình hình trên, Phòng Cảnh sát Giao thông tham đã tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo các ngành, cấp, nhất là cấp huyện triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông đồng bộ, toàn diện trên tuyến Quốc lộ 26.
Phòng cũng phối hợp với đơn vị chức năng, Công an huyện khảo sát, đánh giá tình hình trật tự giao thông để lên các phương án điều tiết, phân luồng giao thông trên Quốc lộ 26 nhằm phòng ngừa ùn tắc giao thông; tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm giao thông; kiến nghị các cấp chính quyền có giải pháp đảm bảo hành lang an toàn giao thông, nhất là ở các khu vực kho, bãi kinh doanh sầu riêng dọc quốc lộ khi có nhiều xe trọng tải nặng đậu, đỗ gây mất hành lang an toàn giao thông, tiềm ẩn nguy cơ ùn tắc và mất an toàn toàn giao thông.
Cùng với đó, đơn vị cũng kiến nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh triển khai lắp đặt hệ thống camera giao thông ở một số vị trí trên Quốc lộ 26 nhằm tăng cường giám sát, xử lý vi phạm trên tuyến.
Đồng thời, đơn vị phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh và đơn vị quản lý đường bộ kiến nghị cấp có thẩm quyền khắc phục, sữa chữa một số bất cập, xuống cấp trên tuyến, như vạch kẻ đường, hệ thống biển báo, vị trí đường xuống cấp... nhằm tạo thuận lợi cho phương tiện lưu thông và góp phần giảm nguy cơ tai nạn, ùn tắc giao thông trên tuyến Quốc lộ 26.
Theo bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Krông Pắc, phải khẳng định rằng tình hình giao thông trên Quốc lộ 26 đoạn qua huyện Krông Pắc hiện nay đã quá tải.
Về phía huyện, sau nhiều lần kiến nghị thì hiện Bộ Giao thông Vận tải đã bố trí nguồn vốn để mở rộng, sữa chữa một số vị trí trên Quốc lộ 26 đoạn qua địa bàn huyện, nhất là bố trí 56 tỷ đồng để mở rộng đoạn giao nhau giữa xã Ea Yông với thị trấn Phước An, đây là “nút thắt cổ chai” khiến giao thông thường xuyên bị ùn tắc.
Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải cũng rà soát, nghiên cứu để mở tuyến đường tránh huyện Krông Pắc để giảm áp lực cho Quốc lộ 26.
Huyện Krông Pắc hiện có 7.157ha trồng sầu riêng - được ví như “thủ phủ” sầu riêng của tỉnh Đắk Lắk, sản lượng năm nay đạt khoảng 90.000 tấn và dự báo sản lượng sầu riêng năm sau sẽ tăng cao hơn năm trước khi diện tích cây trồng được mở rộng.
Cùng với đó, những năm gần đây nhu cầu lưu thông hàng hóa, vận tải liên quan đến mặt hàng sầu riêng tăng cao mà hạ tầng giao thông không đáp ứng kịp. Điều này đang trở thành điểm nghẽn kìm hãm sự phát triển kinh tế của địa phương, do đó các cấp, ngành Trung ương và địa phương cần tiếp tục quan tâm đầu tư, triển khai các giải pháp khai thông điểm nghẽn về giao thông vận tải, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế của địa phương.
Theo TTXVN/Vietnam+