Kinh tế

Nông nghiệp

Đak Nông: Làm hạt tiêu 5 màu, nhanh giàu bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Sử dụng công nghệ chế biến sau thu hoạch, nâng giá trị sản phẩm tiêu gấp từ 3 đến 5 lần so với tiêu thông thường đang mở ra hướng phát triển mới cho các xã viên Hợp tác xã (HTX) Thuận Phát, xã Thuận Hà, huyện Đak Song (Đak Nông).

Tăng giá trị hạt tiêu lên nhiều lần

Từ năm 2016, 30 thành viên HTX Thuận Phát đã đầu tư sản xuất 80 ha hồ tiêu theo quy trình sinh học. Dù đã đầu tư và tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất sạch nhưng tiêu sinh học cũng chỉ bán ra thị trường bằng giá hồ tiêu sản xuất thông thường.

 
Hầu hết xã viên HTX Thuận Phát đang trồng tiêu theo quy trình sinh học
Hầu hết xã viên HTX Thuận Phát đang trồng tiêu theo quy trình sinh học


Trước những bất lợi đó, ông Nông Văn Lê-Giám đốc HTX và ông Nguyễn Thế Hải, thành viên HTX đã mày mò đi tìm lối thoát cho sản phẩm hồ tiêu của các xã viên. Hai ông đã sang tận Campuchia và được biết tiêu sản xuất theo quy trình sinh học ở đây được bán với giá 200 ngàn đồng/kg.

Chưa hết, khi đến “thủ phủ hồ tiêu” Gia Lai, các ông lại phát hiện ra tiêu sinh học sau khi chế biến thành tiêu ngũ sắc có thể bán với giá 1 triệu đồng/kg. Sau các chuyến đi này, ông Hải đã mạnh dạn đầu tư 300 triệu đồng mua hệ thống lò sấy có công suất 200kg tiêu/12 giờ và các máy móc rửa, tách cùi, tách hạt để sản xuất tiêu ngũ sắc.

Để có nguyên liệu vận hành máy và thực hành công nghệ mới này, ông Hải đã dành 100 trụ tiêu đang cho thu hoạch trong vườn nhà mình chỉ để hái và thử nghiệm, căn chỉnh nhiệt độ cho lò sấy. Sau những mẻ tiêu thất bại ông Hải đã tìm được cách để làm ra tiêu ngũ sắc và giữ được hương vị tiêu tự nhiên.

Tháng 4 vừa rồi, ông Hải đại diện cho HTX mang 40 kg tiêu ngũ sắc ra Hà Nội tham gia hội chợ nông sản Việt. Tại hội chợ này, sản phẩm tiêu ngũ sắc của HTX chỉ chào bán trong thời gian ngắn đã tiêu thụ hết với mức giá 600 ngàn đồng/kg. Tại hội chợ, ông Hải còn được các đối tác nước ngoài liên hệ đặt hàng sản phẩm hồ tiêu này.

Nay thu hái, mai đã bán xong

Theo ông Hải, điều kiện để chế biến thành tiêu ngũ sắc là hồ tiêu phải trồng theo quy trình sinh học. Tiêu sinh học có lượng nước trong trái ít, khi sấy sẽ giữ được màu sắc của tiêu. Sau khi thu hoạch về, tiêu được cho vào máy để tách cùi, tiếp đó cho qua máy sàng để giữ lại quả to. Tiếp đó, tiêu được rửa sạch, để ráo nước, sấy tia hồng ngoại, cách ly rồi cho vào khay và đưa vào lò sấy, sau 12 tiếng sẽ có tiêu sạch ngũ sắc. Tiêu xanh, tiêu đen, tiêu đỏ, tiêu trắng, tiêu vàng chính là những màu sắc tự nhiêu của hạt tiêu tươi được giữ lại.

Ông Hải chia sẻ: “Để chắc chắn, tôi đã thí điểm tại gia đình trước, sau khi thành công mới vận động các xã viên tham gia. Giờ đây, HTX Thuận Phát đã có nhiều hợp đồng từ khách hàng các nước Nhật, Hàn Quốc đăng ký với nhu cầu mỗi năm cung cấp khoảng 240 tấn tiêu ngũ sắc. Tuy nhiên, hiện nay đã hết mùa tiêu nên các hợp đồng này phải chờ sang năm”.

 

 Máy chế biến tiêu sọ của xã viên HTX Thuận Phát
Máy chế biến tiêu sọ của xã viên HTX Thuận Phát


Quy trình chế biến tiêu ngũ sắc đòi hỏi kỹ thuật, vườn nguyên liệu bảo đảm tiêu sinh học, tiêu hữu cơ và thu hoạch đúng thời điểm. Sản xuất tiêu ngũ sắc, khó nhất là kiểm soát nhiệt độ trong lò, vì nhiệt độ sẽ quyết định màu sắc của tiêu. Hiện HTX Thuận Phát đã sản xuất được tiêu ngũ sắc khá ổn định với độ sạch tối đa và không sử dụng phẩm màu nào để nhuộm. Quy trình chế biến sau thu hoạch của ông Hải đã nâng giá trị tiêu lên nhiều lần. Cụ thể, từ giá tiêu đen 79 – 80 ngàn đồng nếu chế biến và bán tiêu sọ thì có giá khoảng 200 ngàn đồng/kg.

Khi chế biến thành tiêu ngũ sắc, ông Hải đã bán được với giá 600 ngàn–800 ngàn đồng/kg. Đây đang là hướng mở để nâng giá trị sản phẩm cho xã viên tại HTX này. Ông Nguyễn Đình Lượng, thành viên HTX hiện có hơn 2.200 trụ hồ tiêu sản xuất sinh học. Sau thành công ban đầu, ông Lượng đang có ý định áp dụng quy trình chế biến tiêu ngũ sắc của HTX để nâng cao lợi nhuận.

Theo Báo Đắk Nông

Ông Nông Văn Lê, Giám đốc HTX trao đổi: Sản xuất theo dây chuyền này so với sản xuất truyền thống hiện nay tăng lợi nhuận và giảm được một số chi phí. Cụ thể, từ thu hoạch đến thành phẩm chỉ tốn công rửa, giảm thiểu được chi phí đầu tư sân phơi. Sáng thu hái về rửa sấy là mai đã có tiêu bán. Đầu tư công nghệ chế biến sau thu hoạch để tạo ra sản phẩm giá trị cao, có sức cạnh tranh cao trên thị trường dần mở ra hướng phát triển bền vững cho những vùng trọng điểm sản xuất hồ tiêu như Đắk Song.

Có thể bạn quan tâm