Tận dụng mặt nước sông Sêrêpốk, gia đình ông Tống Văn Chung ở thị trấn Ea T’ling (huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) đã đầu tư 20 lồng bè nuôi cá lăng đặc sản. Mô hình nuôi cá lăng đặc sản của gia đình ông Chung cho thu nhập mỗi năm hơn nửa tỷ đồng.
Cá lăng được mệnh danh là đặc sản của dòng sông chảy ngược-sông Sêrêpốk, bởi cá lăng có thịt chắc, thơm ngon.
Những năm gần đây, do chịu ảnh hưởng của thủy điện và việc săn bắt quá mức, cá lăng trên sông ngày càng khan hiếm. Năm 2010, ông Tống Văn Chung bàn với vợ xin phép cơ quan chức năng chọn một khúc sông Sêrêpốk để “khởi nghiệp” với nghề nuôi cá lăng.
Gia đình ông Tống Văn Chung, thị trấn Ea T’ling (huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) đã có 10 năm gắn bó với nghề nuôi cá lăng đặc sản hình thức nuôi lồng bè trên dòng sông chảy ngược-sông Sêrêpốk. |
Ông Chung cho biết, cá lăng ưa nước chảy mạnh, nhất ở nơi gần thác ghềnh. Cá lăng cũng có tập quán sinh sống đơn lẻ, không theo bầy đàn. Vì vậy, khi gia đình ông quyết định bỏ tiền ra đầu tư đóng bè nuôi cá lăng đuôi đỏ thì nhiều người không khỏi nghi ngại.
Với quyết tâm, vợ chồng ông mạnh dạn thử nghiệm thuần hóa loài cá lăng đuôi đỏ đặc sản này trong môi trường sống chật hẹp.
"Hiện nay, cá lăng có giá bán từ 180.000 đồng - 250.000 đồng/kg tùy thời điểm. Điều tôi vui mừng nhất là thị trường tiêu thụ cá lăng rất ổn. Cá lăng nuôi đến đâu là được thương lái đến mua hết tới đó”, ông Tống Văn Chung phấn khởi cho biết.
|
Thời gian đầu, do ông Chung chưa hiểu rõ về đặc tính sinh sống của loài cá lăng, khiến việc chăm sóc gặp khó khăn, nên cá chậm lớn.
"Thậm chí, có nhiều con cá lăng đuôi đỏ đã bị chết vì sinh sống trong không gian chật hẹp. Do đó, vụ thu hoạch cá lăng đầu tay của gia đình thất bại", ông Chung nhớ lại.
Sau vụ nuôi cá lăng đầu tiên, ông Chung đã tích lũy được nhiều kiến thức quý báu để nuôi cá lăng trên sông.
Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi cá lăng, ông Chung cho biết: “Thức ăn của cá lăng thường là những loại đồ "cao cấp". Lúc nhỏ cá lăng ăn cá xay nhuyễn, còn đến khi trưởng thành thì cho cá lăng ăn các loại cá con, rồi thịt heo, lòng gà... Vợ chồng tôi phải đi khắp các chợ trong vùng để lùng mua đồ ăn cho chúng”.
Gia đình ông Chung hiện có 20 lồng bè nuôi cá lăng đuôi đỏ-1 trong những loài cá đặc sản trên dòng sông chảy ngược-sông Sêrêpốk |
Kể thêm về câu chuyện nuôi cá lăng, vợ ông Chung, bà Nguyễn Thị Hoan cho rằng, nuôi cá lăng còn cần có “duyên” nữa. Hơn 10 năm nay, vợ chồng tôi "ăn, ngủ" cùng với chúng, nên rất hiểu tập tính của cá lăng đuôi đỏ.
"Cá lăng chỉ sống ở đoạn nước sâu từ 3 – 5m. Khi thấy bóng người là cá lặn sâu, mất hút. Cá lăng ưa nước sạch, vì thế nuôi trên sông Sêrêpốk là hợp lý nhất. Ở đây lúc nào nước cũng chảy nên cá nhanh lớn", bà Hoan tâm sự.
Cá lăng được gia đình ông Chung nuôi từ lúc chỉ bằng ngón tay, đến khi đạt 2-2,5 kg mới bán ra thị trường. Khi cá lăng đạt được trọng lượng cần bán, người nuôi phải mất khoảng thời gian từ 2 – 3 năm.
Để bảo đảm nguồn cung ra thị trường đều đặn, gia đình ông Chung nuôi cá lăng theo kiểu "gối đầu". Ban đầu, cá lăng còn nhỏ ông nuôi trong một bè với mật độ cao (khoảng 1.500 con/lồng bè). Khi cá lăng lớn lên tầm 3 lạng, ông Chung tách riêng ra các bè khác (mỗi bè từ 300-500 con) và nuôi lớn, rồi thu hoạch dần.
Ngọc Lê (Báo Đắk Nông/Dân Việt)