Xã hội

Lao động - Việc làm

Đak Pơ chú trọng hướng nghiệp, đào tạo nghề

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm qua, huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) luôn chú trọng công tác hướng nghiệp, đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó, người dân có cơ hội tìm việc làm và từng bước cải thiện đời sống.

Nỗ lực tạo việc làm

Năm 2024, anh Đinh Văn Úc (làng Kruối Chai, xã Yang Bắc) tham gia phiên giao dịch việc làm do xã Yang Bắc phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức. Sau đó, anh quyết định theo học lớp công nghệ ô tô tại Trường Cao đẳng Gia Lai.

Anh chia sẻ: “Tôi nhận thấy thị trường công nghệ ô tô đang phát triển mạnh, có mức thu nhập khá và được đánh giá là có tiềm năng trong tương lai. Vì vậy, tôi lựa chọn học ngành này. Còn 1 năm nữa là tôi tốt nghiệp khóa học. Tôi dự định xin việc tại các xưởng sửa chữa ô tô trong tỉnh để nâng cao tay nghề và kiếm thêm thu nhập”.

Anh Đinh Văn Úc (bìa phải, làng Kruối Chai, xã Yang Bắc) trong một buổi thực hành của lớp Công nghệ ô tô tại Trường Cao đẳng Gia Lai. Ảnh: L.H

Năm 2021, anh Đinh Han (làng Bung Bang Hven, xã Yang Bắc) được địa phương hướng nghiệp và tạo điều kiện tham gia lớp học nghề xây dựng do huyện phối hợp với Trường Cao đẳng Gia Lai tổ chức.

“Trong quá trình học, thầy-cô giáo giảng dạy rất nhiệt tình và chi tiết. Nhờ đó, tôi đã nắm vững các kỹ thuật trong xây dựng và dễ dàng áp dụng vào thực tế công việc. Sau khi học xong, tôi tham gia cùng đội xây dựng của làng để thi công các công trình trong và ngoài huyện. Nhờ đó, tôi đã có công việc ổn định với thu nhập 6-8 triệu đồng/tháng”-anh Han cho hay.

Theo ông Đinh Hoan-Trưởng thôn Bung Bang Hven: Những năm qua, nhiều thanh niên trong làng tham gia các buổi hướng nghiệp và chủ động đăng ký các lớp học nghề. Sau khi kết thúc lớp học, hầu hết đều có việc làm và thu nhập ổn định.

Thấy chúng tôi đến thăm nhà, chị La Thị Huế (làng Mông, xã Ya Hội) phấn khởi khoe đàn gà với hơn 100 con. Chị cho biết: Trước đây, chị nuôi khoảng 20 con gà nhưng vì không biết cách chăm sóc nên đàn gà thường bị bệnh.

Tháng 7-2024, chị mạnh dạn đăng ký lớp học nuôi và phòng bệnh cho gà do UBND xã phối hợp tổ chức. Sau 3 tháng học, chị đã nắm vững kiến thức về vệ sinh chuồng trại, chăm sóc và phòng trị bệnh cho gà.

“Nhờ được chăm sóc đúng cách nên đàn gà phát triển tốt và ít bị bệnh hơn trước. Dự kiến đến Tết Nguyên đán 2025, tôi xuất bán đàn gà thịt để có thêm nguồn thu cho gia đình”-chị Huế chia sẻ.

Đẩy mạnh công tác hướng nghiệp

Ông Đinh Hvư-Phó Chủ tịch UBND xã Yang Bắc-cho biết: “Năm 2024, xã phối hợp với Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện, Trường Cao đẳng Gia Lai mở 2 lớp đào tạo nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp với 54 học viên tham gia. Hầu hết các học viên sau khi học nghề đã biết áp dụng vào thực tiễn, tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho gia đình”.

Ông Đinh Hvư-Phó Chủ tịch UBND xã Yang Bắc thăm hỏi các học viên lớp học sửa chữa máy móc. Ảnh: Lạc Hà

Còn Phó Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Trịnh Thị Thanh Hòa thì thông tin: “Năm 2024, các xã, thị trấn phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức 10 phiên giao dịch việc làm thu hút 1.583 lượt người tham gia.

Tại đây, người lao động được tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm. Qua đó, người lao động trên địa bàn huyện, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số có cơ hội nắm bắt thông tin tuyển dụng của các doanh nghiệp và lựa chọn việc làm phù hợp”.

Năm 2024, huyện Đak Pơ phối hợp với Trường Cao đẳng Gia Lai tổ chức 12 lớp đào tạo nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp với 351 học viên tham gia. Nhờ đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn huyện đạt 60,83%. Cũng trong năm 2024, toàn huyện có 1.875 người được giải quyết việc làm mới và tự tạo việc làm, vượt 25 người so với kế hoạch đề ra.

Từ những kết quả đạt được, năm 2025, huyện đặt mục tiêu phấn đấu tăng số lao động được giải quyết việc làm mới và tự tạo việc làm lên 1.900 người và tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 62,74%.

Để đạt được mục tiêu đề ra, huyện tiếp tục phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức các phiên giao dịch việc làm tại địa phương giúp người lao động tìm kiếm việc làm phù hợp. Ngoài ra, huyện cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ sở đào tạo tổ chức các lớp đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu của lao động tại địa phương.

Có thể bạn quan tâm