(GLO)- Nghị quyết số 04-NQ/HU về phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn giai đoạn 2016-2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) khóa XVI đã nhận được sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân. Qua đó, bộ mặt nông thôn và sản xuất nông nghiệp có bước chuyển mình rõ rệt theo hướng hiện đại, góp phần nâng cao thu nhập của người dân.
Thiết thực, hiệu quả
Từ năm 2019 đến nay, mỗi năm, gia đình ông Nguyễn Tấn Cuộc (thôn An Định, xã Cư An) có thu nhập 300-350 triệu đồng từ 4 sào bưởi da xanh. Ông kể: “Sau khi Huyện ủy Đak Pơ có chủ trương xây dựng khu vực núi Đá Lửa thành vùng chuyên canh cây ăn quả, tôi quyết định chuyển đổi 4 sào rau màu sang trồng 130 cây bưởi da xanh. Năm 2019, vườn cây cho thu hoạch hơn 9 tấn quả. Tôi đang chờ thu hoạch thêm 4 sào bưởi da xanh trồng năm 2020”.
Tương tự, nhờ áp dụng mô hình tưới nước nhỏ giọt, từ năm 2016 đến nay, gia đình anh Đinh Nhoăc (làng Đak Yang-Jro Ktu, xã Yang Bắc) có nguồn thu ổn định từ trồng ớt và dưa leo. “Năm 2018, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện và UBND xã Yang Bắc vận động gia đình lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt cho 1 sào ớt. Chi phí lắp đặt được hỗ trợ 50% nên mình mạnh dạn làm theo. Kết quả, vụ đầu tiên cho 1,8 tấn ớt, lãi 34 triệu đồng. Ngoài trồng ớt, mình còn trồng thêm 2 sào dưa leo và cũng áp dụng tưới tiết kiệm nên thu nhập cao hơn trước nhiều lần. Có kinh nghiệm, mình cũng kiêm luôn nghề làm hệ thống tưới tiết kiệm cho bà con trong làng”-anh Nhoăc tâm sự.
Hệ thống tưới nhỏ giọt của gia đình anh Đinh Nhoăc (làng Đak Yang-Jro Ktu, xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ). Ảnh: Thiên Di |
Theo bà Trương Thị Thiên Lý-Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện: Thực hiện Nghị quyết số 04, đơn vị đã tham mưu giúp UBND huyện triển khai nhiều dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất. Cụ thể, thực hiện dự án tưới tiết kiệm nước, trồng măng tây, na, chuối mốc và các giống lúa mới; đồng thời triển khai 4 chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm gồm: rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, trồng dâu nuôi tằm, trồng dược liệu, chăn nuôi dê thịt. “Những dự án này được người dân đón nhận tích cực. Theo đó, bà con đã chuyển đổi hơn 142 ha đất trồng một số loại cây nông nghiệp không hiệu quả sang trồng cây ăn quả, dược liệu cho thu nhập cao. Chăn nuôi cũng đang có bước chuyển dịch theo hình thức gia trại, trang trại với 10 trang trại nuôi heo, 1 trại nuôi bò, 1 trại nuôi gia cầm, 2 nhà yến”-bà Lý thông tin.
Còn ông Nguyễn Chí Cường-Trưởng phòng Tài chính-Kế hoạch huyện thì cho hay: Ngay sau khi được học tập, quán triệt Nghị quyết số 04, Chi bộ Tài chính-Kế hoạch đã tham mưu Huyện ủy phân bổ các nguồn vốn ngân sách theo hướng giảm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển, chú trọng xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn, trường học, trạm y tế và nâng cấp hệ thống thủy lợi. Cụ thể, giai đoạn 2016-2021, kinh phí thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn huyện là hơn 145 tỷ đồng. Nhờ đó, diện mạo nông thôn từng bước đổi mới, thu nhập người dân được nâng lên, nhất là những vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Vươn mình khởi sắc
Là một trong những xã khó khăn nhất của huyện Đak Pơ nhưng Yang Bắc đã triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 04 trong việc phát triển nông nghiệp, nông thôn. Giai đoạn 2016-2020, toàn xã đã kéo giảm được 395 hộ nghèo. Hàng năm, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm bình quân là 6,14%, vượt 1,14% so với chỉ tiêu nghị quyết giao. “Có được thành quả này là nhờ triển khai nhiều chương trình hành động cụ thể theo tinh thần Nghị quyết số 04 của Huyện ủy. Mặt khác, chúng tôi cũng thường xuyên giám sát, đôn đốc hệ thống chính trị ở cơ sở cùng vào cuộc; vận động người dân tích cực lao động sản xuất để nâng cao thu nhập, thay đổi diện mạo nông thôn”-ông Đinh Văn Niêm-Phó Bí thư Đảng ủy xã Yang Bắc-cho hay.
Nông dân Đak Pơ có thu nhập ổn định nhờ trồng mía. Ảnh: Nguyễn Hiền |
Xã Tân An được ví là “cánh chim đầu đàn” của huyện Đak Pơ trong việc phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao. Phó Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Văn Minh cho biết: “Xã đã xây dựng một số hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết sản xuất rau an toàn. Tính đến năm 2021, toàn xã có 17 nhà lồng ươm giống rau xanh các loại. Người dân cũng triệt để ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, áp dụng cơ giới trong sản xuất, giúp tiết giảm chi phí lao động và tăng năng suất, thu nhập. Sản phẩm rau an toàn do bà con sản xuất bán tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước và được đánh giá cao về chất lượng”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Trường-Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đak Pơ-khẳng định: Nghị quyết số 04 đã tạo ra bước phát triển mới cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Sau 5 năm triển khai thực hiện, trên địa bàn huyện đã hình thành 1 cánh đồng mía lớn, 5 cánh đồng kỹ thuật và 4 dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Đời sống của người dân nông thôn ngày càng được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo từ 13,56% năm 2016 giảm còn 2,79% năm 2021. Thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt 39,45 triệu đồng, tăng 52,19% so với năm 2016. Giai đoạn 2021-2026, chúng tôi tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để đưa nền nông nghiệp phát triển nhanh và bền vững. Trong đó, tập trung đẩy mạnh phát triển giao thông nội đồng, thủy lợi nhỏ, ưu tiên sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, gắn với phát triển du lịch, dịch vụ.
THIÊN DI - NGUYỄN HIỀN