(GLO)- Công tác khuyến học, khuyến tài ở huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) ngày càng nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân, tạo nên phong trào mang tính sâu rộng và gặt hái nhiều kết quả khả quan.
Dòng họ hiếu học
Ở thôn Hiệp An (xã Cư An), gia đình bà Thân Thị Bình là điển hình về truyền thống hiếu học. Bố mẹ bà Bình sinh được 6 người con. Người học ít cũng tốt nghiệp THPT, số còn lại có bằng đại học, cao đẳng, trung cấp. Bản thân bà Bình cũng đã học xong đại học. Hai người con của bà cũng đã tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại ưu và có công việc ổn định. Bà Bình bộc bạch: “Sinh sống ở vùng đất có truyền thống hiếu học, bố mẹ luôn khuyến khích chị em chúng tôi học hành cho bằng bạn bè. Do đó, chúng tôi nỗ lực để trở thành người có ích cho xã hội. Hiện chị cả đang công tác trong ngành Ngân hàng, 2 em gái là giáo viên, 1 em trai là sĩ quan Công an, chỉ có cậu út học xong THPT thì ở nhà làm nông thôi. Chúng tôi rất tự hào về truyền thống hiếu học của gia đình”.
Đến xã Cư An, không nhắc đến dòng họ Nguyễn về truyền thống hiếu học là một thiếu sót. Ông Nguyễn Thanh Đinh-Trưởng ban Khuyến học của dòng họ Nguyễn tự hào nói: Dòng họ chúng tôi có 24 hộ với 81 nhân khẩu. Về khuyến học, khuyến tài thì chúng tôi xếp nhất nhì ở xã này. Cả họ có 1 thạc sĩ, 34 cử nhân, 1 cao đẳng, 12 người hoàn thành chương trình đào tạo nghề và 17 cháu đang học phổ thông. “Hàng năm, 100% hộ đăng ký danh hiệu gia đình học tập. Dòng họ có các phần thưởng dành cho những người học hành đỗ đạt để khích lệ tinh thần và tạo động lực học tập cho những người khác. Nếu gia đình có con học hành tốt nhưng điều kiện kinh tế không đảm bảo, chúng tôi kêu gọi họ hàng hỗ trợ, quyết không để thất học. Các cháu học hành giỏi giang không chỉ giúp bản thân, gia đình mà còn làm rạng danh dòng họ. Chúng tôi lấy đó làm điều mừng để đẩy mạnh hoạt động khuyến học, khuyến tài trong dòng tộc”-ông Đinh nói.
Dòng họ Đinh của ông Đinh Brưng tiêu biểu trong hoạt động khuyến học, khuyến tài ở huyện Đak Pơ. Ảnh: Nguyễn Hiền |
Tương tự, dòng họ Đinh ở làng Leng Tô (thị trấn Đak Pơ) cũng nổi bật với đức ham học. Dòng họ này có 35 hộ dân tộc Bahnar. Kể về truyền thống của dòng họ, ông Đinh Brưng phấn khởi: “Chúng tôi rất vinh dự, tự hào với truyền thống hiếu học của dòng họ. Đến nay, có khoảng 30% người trong họ cầm trong tay tấm bằng đại học, cao đẳng. Đặc biệt, nhiều người trong dòng họ đang công tác tại các cơ quan cấp tỉnh. Riêng với gia đình mình, các con đều được học hành tử tế. Có cháu đã lấy chồng, sinh con nhưng vẫn tiếp tục học để lấy tấm bằng đại học”.
Nhân rộng mô hình
Huyện Đak Pơ triển khai xây dựng các mô hình gia đình học tập từ năm 2016. Theo thống kê của Hội Khuyến học huyện, năm 2016, trên địa bàn có 2.559 hộ đăng ký xây dựng gia đình học tập thì 2.314 hộ được công nhận đạt danh hiệu này. Đến cuối năm 2020, con số này nâng lên với 6.901 hộ được công nhận danh hiệu gia đình học tập. Riêng dân tộc thiểu số là 960 hộ. Ngoài ra, còn có 18 dòng họ được công nhận danh hiệu dòng họ học tập; có 30 thôn, làng, tổ dân phố được công nhận danh hiệu cộng đồng học tập, chiếm 62% tổng số thôn, làng trên địa bàn huyện; 27 trường học, đơn vị được công nhận danh hiệu đơn vị học tập, chiếm 80%.
Hội Khuyến học huyện Đak Pơ tặng quà học sinh nghèo (ảnh chụp năm 2020). Ảnh: Nguyễn Hiền |
Để có được những bước tiến trong hoạt động khuyến học, khuyến tài ở địa phương, ngoài tinh thần hiếu học của người dân còn có sự vào cuộc của chính quyền, đoàn thể huyện Đak Pơ. Cụ thể, các chi hội khuyến học, khuyến tài ở cơ sở đã đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ. Ở các địa phương đều có quỹ khuyến học, khuyến tài và tủ sách học tập. Mặt khác, các trung tâm học tập cộng đồng hoạt động khá hiệu quả với hình thức học tập theo phương châm “cần gì học nấy”. Từ năm 2016 đến nay, các trung tâm học tập cộng đồng trong huyện đã mở 39 lớp học và 332 buổi tập huấn, hội thảo chuyên đề về chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, khuyến nông khuyến lâm, kỹ năng sống, y tế cộng đồng… với gần 17.000 lượt người tham gia.
Theo bà Nguyễn Thị Như Thủy-Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Đak Pơ thì những thành tích đạt được trong thời gian qua có ý nghĩa rất thiết thực. Bởi lẽ, nâng cao dân trí bằng con đường học tập là yếu tố tiên quyết giúp thay đổi nhận thức người dân trong lối sống, phát triển kinh tế gia đình và hướng đến những điều tốt đẹp hơn.
THIÊN DI - NGUYỄN HIỀN