(GLO)- Nông dân vùng chuyên canh rau màu, trái cây huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) đang đối mặt với nhiều khó khăn khi hàng hóa khó lưu thông cộng với giá cả xuống thấp do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Để giải quyết tình trạng này, chính quyền địa phương đang nỗ lực tìm cách tiêu thụ nông sản cho người dân.
Tại vùng chuyên canh rau màu nổi tiếng Tân Sơn (huyện Đak Pơ), trước đây, mỗi ngày có tới 10 chuyến xe chở hơn 150 tấn rau củ quả đi tiêu thụ ở các tỉnh, thành miền Trung. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh kéo dài, số đầu xe vận chuyển giảm nên lượng hàng hóa xuất bán giảm tới 2/3 so với trước. Đáng lưu ý, Đà Nẵng-thị trường tiêu thụ rau lớn nhất của Đak Pơ đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ khiến tình hình hàng hóa bị tồn đọng ngày càng tăng. Chỉ tay về ruộng hành lá đang chờ thu hoạch, ông Nguyễn Minh Ngọc (thôn Tân Sơn, xã Tân An) trầm giọng: “Đám hành này chừng vài ngày nữa không cắt là coi như bỏ. Do dịch bệnh nên hàng hóa vận chuyển không được mà giá lại xuống thấp. Năm ngoái, giá hành lá khoảng 22 ngàn đồng/kg, năm nay còn 8-9 ngàn đồng/kg. Giá giảm sâu nên thu không đủ bù chi phí, cộng thêm thời tiết nắng nóng kéo dài đã làm hầu hết rau màu đều không đạt năng suất”.
Nông dân trồng rau ở huyện Đak Pơ đang gặp khó khăn vì thị trường tiêu thụ bị thu hẹp. Ảnh: Sơn Ca |
Hiện giá xà lách, cải bẹ, cải ngọt ở vùng chuyên canh này cũng đang ở mức rất thấp, chỉ chừng 2 ngàn đồng/kg. Đối với một số loại củ quả có thể trữ lâu hơn như: bí, bầu, củ cải thì vẫn giữ được giá nhưng khả năng lưu thông rất chậm vì kẹt đầu ra. Ông Nguyễn Văn Sự (thôn Tân Sơn) bộc bạch: “Năm nay, nắng nóng kéo dài nên tôi chủ yếu trồng củ cải. Bây giờ, thị trường lớn Đà Nẵng đang phong tỏa, hàng đi rất chậm nên đa phần thu hoạch xong dễ gặp cảnh “sáng rau, chiều rác”. Hơn nữa, từ đầu năm đến nay, thời tiết khô hạn nên bà con phải canh nước giếng để bơm tưới. Chi phí tiền điện, tiền phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đều tăng mà giá rau thì giảm thấp”.
Không chỉ rau, một số loại trái cây phổ biến ở Đak Pơ như: nhãn Hương Chi, na dai hạt lép... cũng đều rớt giá mạnh vì bế tắc đầu ra. Nếu như năm ngoái, giá na dai hạt lép ở mức 30-35 ngàn đồng/kg, nhãn dao động 25-28 ngàn đồng/kg thì nay giá na chỉ còn 20 ngàn đồng/kg, nhãn xuống còn 12-14 ngàn đồng/kg đối với loại 1, dưới 10 ngàn đồng/kg đối với loại 2, 3. Lo âu vì 5 ha nhãn đang bước vào kỳ thu hoạch nhưng không có người mua, anh Huỳnh Hữu Nghị (thôn 5, xã An Thành) bày tỏ: “Toàn xã hiện có 5 vườn nhãn đang vào mùa thu hoạch. Bình thường, một đợt thu hái của các nhà vườn được tầm 5-7 tấn nhãn, nhưng hiện nay, chỉ còn 1-1,5 tấn/đợt vì hàng tiêu thụ chậm. So với na, quả nhãn có thể lưu trên cây thêm một thời gian ngắn, nhưng nếu để quá lứa thì đành bỏ. Với giá cả như năm nay, nhà vườn may lắm mới hòa vốn, còn không thì lỗ công chăm sóc. Bây giờ, chúng tôi chỉ biết đợi chờ thương lái gọi báo có xe vận chuyển mới dám thu hoạch”.
Chia sẻ khó khăn trong vận chuyển tiêu thụ nông sản, ông Lê Trường Hải-Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ vận tải Đak Pơ-cho biết: “Từ khi dịch bệnh diễn biến phức tạp ở các tỉnh, thành phía Nam, tuyến vận tải Gia Lai đi TP. Hồ Chí Minh của Hợp tác xã bị dừng hơn 2 tháng nay. Chỉ còn hoạt động theo “luồng xanh” Gia Lai đi Đà Nẵng, Huế, Quảng Nam với lưu lượng 3 chuyến/ngày. Tuy nhiên, hiện nay, Đà Nẵng đang phong tỏa theo Chỉ thị số 16 nên tiếp tục giảm còn 2 chuyến/ngày”. Ông Hải cũng cho biết thêm, Hợp tác xã dịch vụ vận tải Đak Pơ có 12 đầu xe nhưng hiện chỉ còn 3 tài xế, 3 phụ xe, số còn lại đang phải thực hiện cách ly tại nhà do liên quan đến yếu tố dịch tễ. Thiếu hụt nhân lực, tăng chi phí hoạt động nhưng Hợp tác xã chấp nhận bù lỗ chạy 1 chiều để duy trì vận chuyển rau màu cho bà con.
Năm 2021, huyện Đak Pơ có 6.895 ha rau màu với trên 40 chủng loại, sản lượng ước tính 137.421 tấn. Đối với cây ăn quả là 521 ha, sản lượng khoảng 10.223 tấn. Trước tình hình tiêu thụ rau màu, trái cây gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, ông Nguyễn Hiệp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Pơ-thông tin: “Chúng tôi đã chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị và UBND các xã, thị trấn nắm bắt tình hình. Trên cơ sở đó, tham mưu giúp UBND huyện có giải pháp kêu gọi, vận động các doanh nghiệp, đại lý tham gia tiêu thụ một số lượng rau màu ở các thị trường khác hoặc vận chuyển tiêu thụ nội tỉnh. Đồng thời, tổ chức rà soát, thống kê sản lượng của từng loại sản phẩm, nhất là các loại rau màu, trái cây sắp thu hoạch để xây dựng kế hoạch chuyển hướng tiêu thụ phù hợp với tình hình thực tế”.
SƠN CA