(GLO)- Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) tích cực hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp nhằm giúp chị em hiện thực hóa các ý tưởng sản xuất kinh doanh nhằm phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.
Nhiều mô hình khởi nghiệp thành công
Chị Ngô Thị Diệu (thôn Hiệp Phú, xã Cư An) là 1 trong 4 phụ nữ khởi nghiệp thành công được nhận giấy khen của Hội LHPN huyện ngày 20-10 vừa qua. Chị cho biết: “Năm 2017, khi tôi sinh bé đầu lòng, mẹ đã cho tôi sử dụng bột ngũ cốc làm từ các loại đậu có ở địa phương. Sau một thời gian sử dụng bột ngũ cốc trong chế độ ăn hàng ngày, tôi thấy da dẻ mình hồng hào, con tôi bú sữa mẹ phát triển tốt. Từ lợi ích do bột ngũ cốc mang lại cho bản thân, tôi đã nghiên cứu thêm rồi quyết định đầu tư máy móc để sản xuất, bán ra thị trường. Bột ngũ cốc của gia đình tôi là sự kết hợp giữa gạo lứt, hạt sen, mè đen, yến mạch, đậu xanh, đậu đỏ và đậu nành theo một công thức riêng. Sản phẩm có đầy đủ chứng nhận về an toàn thực phẩm, không dùng chất phụ gia và bảo quản”.
Chị Ngô Thị Diệu bên sản phẩm ngũ cốc Ngô Diệu. Ảnh: Lan Anh |
Lúc đầu, chị Diệu chỉ sản xuất với số lượng ít, rồi quảng cáo sản phẩm trên Facebook, Zalo. Khách hàng dùng thấy tốt giới thiệu cho nhau, lâu dần số lượng càng tăng lên. Với công dụng bổ sung dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, bột ngũ cốc dinh dưỡng không chỉ tốt cho phụ nữ mang thai, phụ nữ cho con bú, trẻ nhỏ, người ăn chay... mà còn hỗ trợ tăng cân đối với những người ăn uống kém khi pha kết hợp với sữa đặc và uống sau bữa ăn.
Sau 3 năm có mặt trên thị trường, bột ngũ cốc dinh dưỡng của chị Diệu đã có lượng khách hàng tương đối ổn định. “Mỗi tháng, tôi bán ra khoảng 1 tạ, doanh thu đạt khoảng 10 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí sản xuất, mỗi tháng tôi còn lãi khoảng 5 triệu đồng”-chị Diệu cho hay.
Còn chị Đỗ Thị Liêu (thôn 4, xã An Thành) thì khởi nghiệp thành công với mô hình trồng cây ăn quả. Chị chia sẻ: Trước đây, gia đình chị có 2 ha đất trồng mía. Năm 2015, giá mía giảm sâu, gia đình chuyển sang trồng gần 4 sào thanh long. Năm 2016 và 2017, gia đình trồng thêm 6 sào hồ tiêu, nhãn, quýt và 5 sào mãng cầu gai. Trong thời gian chờ cây ăn quả phát triển, 5 sào đất mía còn lại, gia đình chuyển sang trồng bắp để lấy ngắn nuôi dài. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, vườn cây ăn quả sinh trưởng và phát triển tốt. Năm 2019, gia đình chị có mức thu nhập 200 triệu đồng.
Chị Liêu cho rằng: Để khởi nghiệp thành công trước hết cần thật tâm huyết và kiên trì theo đuổi ý tưởng. Bên cạnh đó, chị chịu khó học hỏi kinh nghiệm từ sách báo, internet và những người xung quanh để biến ý tưởng thành hiện thực.
Bà Nguyễn Thị Liên-Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Đak Pơ-cho biết: Năm 2020, có 17 ý tưởng, kế hoạch kinh doanh khởi nghiệp của chị em trong huyện đạt yêu cầu. Trong đó có 10 ý tưởng kế hoạch kinh doanh khả thi đã được Hội LHPN tỉnh kết nối với Ngân hàng Chính sách Xã hội hỗ trợ nguồn vốn vay với mức 50 triệu đồng/hộ. Các ý tưởng còn lại được Hội LHPN huyện hỗ trợ, tạo điều kiện cho vay vốn thông qua “Quỹ hỗ trợ phụ nữ”.
Đẩy mạnh hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp
Việc triển khai Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” được Hội LHPN huyện Đak Pơ căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, chủ động xây dựng kế hoạch, thực hiện lồng ghép hiệu quả trong các hoạt động, chương trình, phong trào. Đồng thời, Hội hỗ trợ phụ nữ vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội và các nguồn quỹ hỗ trợ của Hội.
Cùng với đó, 3 năm qua, Hội LHPN huyện đã tổ chức 3 buổi tập huấn, 3 buổi tham quan để chia sẻ kinh nghiệm, định hướng, bồi đắp ý tưởng kinh doanh cho chị em có khả năng, điều kiện khởi nghiệp; 6 phiên chợ nông sản cấp huyện để kết nối, giao lưu sản phẩm khởi nghiệp; tham gia 2 phiên chợ “Kết nối-giao lưu sản phẩm khởi nghiệp” do Hội LHPN tỉnh tổ chức.
Phụ nữ xã Cư An tham gia Hội chợ nông sản do Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện tổ chức. Ảnh: Lan Anh |
Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện thông tin: Qua 3 năm triển khai Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” đã có 28/42 ý tưởng, kế hoạch kinh doanh khả thi tham gia cấp tỉnh và được Hội LHPN tỉnh kết nối với Ngân hàng Chính sách Xã hội hỗ trợ cho vay vốn. Trong các ý tưởng khởi nghiệp, phần lớn chị em chọn ngành nông nghiệp. Ngoài 2 mô hình kể trên, có thể kể đến các ý tưởng đã được hiện thực hóa khá hiệu quả như: mô hình chổi đót cán tre Đức Phúc (thị trấn Đak Pơ); mô hình nuôi dê của chị Mai Thị Diện (xã Cư An), mô hình trồng dâu nuôi tằm của chị Nguyễn Thị Mỹ Hương (xã Hà Tam)...
“Thời gian tới, Hội LHPN huyện Đak Pơ tiếp tục khuyến khích hội viên viết kế hoạch, ý tưởng khởi nghiệp. Sau đó, Hội sẽ lựa chọn những ý tưởng khả thi để tạo điều kiện hỗ trợ chị em vay vốn triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, Hội cũng sẽ tích cực giúp đỡ các chị trong việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, đảm bảo an toàn thực phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm”-bà Nguyễn Thị Liên cho biết thêm.
LAN ANH