Kinh tế

Nông nghiệp

Đak Pơ ưu tiên đầu tư xây dựng, nâng cấp công trình thủy lợi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Huyện Đak Pơ có 20 công trình thủy lợi với tổng diện tích tưới khoảng 490 ha cây trồng. Hàng năm, huyện chú trọng đầu tư cải tạo, nâng cấp công trình hồ đập, xây dựng hệ thống kênh mương để phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Quan tâm đầu tư cải tạo

Trước đây, hồ chứa nước Klăh Môn (xã Yang Bắc) có diện tích rất nhỏ, lượng nước chứa vào mùa mưa chỉ đủ cho gần 10 hộ dân có ruộng lân cận gieo trồng 1 vụ lúa. Từ tháng 3 đến tháng 6, hồ cạn trơ đáy, ảnh hưởng đến sản xuất của người dân. Trước tình hình đó, năm 2021, huyện Đak Pơ xuất ngân sách 2,2 tỷ đồng để xây dựng kênh mương, nạo vét mở rộng diện tích, nâng cấp dung tích hồ chứa. Sau gần 1 năm thi công, tháng 8-2022, công trình hồ chứa nước Klăh Môn đã hoàn thành với tổng diện tích 3.380 m2 cùng với hệ thống kênh mương kiên cố, đáp ứng nhu cầu tưới cho 4 ha lúa nước/vụ và gần 1 ha rau màu.

Công trình trạm bơm An Quý (xã Phú An, huyện Đak Pơ) đáp ứng nguồn nước tưới cho 162 ha lúa/năm và hơn 7 ha rau màu, cây trái của người dân thôn An Hòa. Ảnh: Ngọc Minh

Công trình trạm bơm An Quý (xã Phú An, huyện Đak Pơ) đáp ứng nguồn nước tưới cho 162 ha lúa/năm và hơn 7 ha rau màu, cây trái của người dân thôn An Hòa. Ảnh: Ngọc Minh

Giữa năm 2022, huyện trích 460 triệu đồng từ nguồn thực hiện chính sách và phát triển đất trồng lúa để xây dựng 525 m kênh mương vùng chuyên canh lúa nước trên địa bàn xã Tân An. Ông Nguyễn Văn Trọng-Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tân An-cho biết: “Hiện phần lớn kênh mương đã được kiên cố hóa. Đối với một số kênh mương đắp bằng đất, trước mỗi vụ sản xuất, Ban Quản lý thủy lợi và người dân tổ chức nạo vét, gia cố, hạn chế thất thoát nước”.

Tại xã Hà Tam, sau 3 tháng khẩn trương thi công, cuối năm 2022, công trình đập dâng suối Cát đã hoàn thành việc nâng cấp, góp phần cung cấp nước tưới cho 9 ha lúa/năm của người dân thôn 2, hạn chế tình trạng khô hạn vào cuối vụ. Ông Đặng Văn Lượng-quyền Chủ tịch UBND xã Hà Tam-cho hay: “Được sự quan tâm của huyện, đập dâng suối Cát được tu sửa, kè hai bên mái ta luy; nạo vét đất cát bồi lấp khu vực phía trên đập. Sau khi hoàn thành, công trình được giao cho Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Hà Tam vận hành, điều tiết nước cho những diện tích lúa, hoa màu phía hạ du; thường xuyên theo dõi, bảo quản, nâng cao hiệu quả sử dụng công trình. Hợp tác xã cùng các hội, đoàn thể có trách nhiệm tuyên truyền, vận động người dân chung tay bảo vệ, nâng cao tuổi thọ các công trình thủy lợi”.

Phát huy hiệu quả

Gia đình anh Đinh Văn Hưng (làng Klăh Môn) có 4 sào lúa nước và hơn 1 ha mía gần hồ Klăh Môn. Hướng ánh mắt về phía ruộng lúa xanh tốt, anh Hưng phấn khởi nói: “Những năm trước, thời gian này, cánh đồng bỏ không, cỏ dại mọc um tùm. Năm nay, tôi gieo sạ đúng lịch thời vụ, lúa sinh trưởng phát triển tốt. Ngoài ra, tận dụng khoảnh đất bên hồ, tôi trồng cỏ nuôi bò. Sắp tới, tôi chuyển đổi 1 sào đất mía sang trồng rau màu để tăng thêm thu nhập cho gia đình”.

Nguồn nước dồi dào, giúp người dân xã Cư An, huyện Đak Pơ phát triển cây rau màu, nâng cao giá trị sản xuất. Ảnh: Ngọc Minh

Nguồn nước dồi dào, giúp người dân xã Cư An, huyện Đak Pơ phát triển cây rau màu, nâng cao giá trị sản xuất. Ảnh: Ngọc Minh

Sau khi được đầu tư cải tạo, công trình trạm bơm An Quý (xã Phú An) gồm 9 tổ máy đã cung cấp nước tưới cho 162 ha lúa/năm và hơn 7 ha rau màu, cây ăn quả của người dân thôn An Hòa. Ông Đỗ Quang (thôn An Hòa) cho hay: Những năm qua, nhờ có nguồn nước từ trạm bơm, bà con gieo trồng 2 vụ lúa nước, đồng thời đưa một số giống lúa mới vào gieo trồng nên năng suất lúa tăng từ 2 tấn lên 7 tấn/ha. Ngoài ra, nhiều hộ đã chuyển đổi một số diện tích lúa sang trồng rau củ quả và cây ăn quả. “Gia đình tôi hiện có 4 sào lúa, 3 sào rau củ quả và 7 sào trồng nhãn, bưởi. Song song với áp dụng khoa học kỹ thuật, cây trồng được tưới đầy đủ nước, phát triển tốt, năng suất cao. Hàng năm, gia đình thu nhập gần 200 triệu đồng, kinh tế ngày càng ổn định”-ông Quang phấn khởi.

Tương tự, gần 2 năm nay, nhiều hộ ở thôn Tân Định (xã Tân An) cũng được hưởng lợi từ hệ thống kênh chính của hồ Tầu Dầu 2. Ông Huỳnh Thế Linh-Trưởng thôn Tân Định-cho biết: Bà con dẫn nước từ kênh chính về các ao hồ để sản xuất 2 vụ lúa. Nhờ đó, diện tích lúa tăng lên 26 ha. Cũng nhờ nguồn nước dồi dào mà hơn 180 ha rau màu của người dân không sợ bị hạn. “Tuy nhiên, hồ Tầu Dầu 2 hiện chỉ có kênh chính, người dân rất mong Nhà nước quan tâm đầu tư hệ thống kênh nhánh dẫn nước về cánh đồng, giúp giảm chi phí, mở rộng diện tích sản xuất”-ông Linh cho biết thêm.

Trao đổi với P.V, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Nguyễn Hiệp thông tin: “Hàng năm, huyện ưu tiên nguồn lực để triển khai xây dựng, nâng cấp hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp. Từ nay đến cuối năm, Trung ương đầu tư cho huyện khoảng 13 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp công trình thủy lợi Ta Ly 1 và Ta Ly 2 (xã Cư An) nhằm mở rộng diện tích tưới cho cây trồng, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp của địa phương”.

Có thể bạn quan tâm