Nhằm giúp các làng đồng bào DTTS vươn lên phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, Huyện ủy Đak Pơ đã phân công 66 cơ quan, đơn vị, trường học phụ trách, giúp đỡ 20 làng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Tuyết Mai |
Trong năm 2022, các cơ quan, đơn vị đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho các làng đồng bào DTTS với tổng trị giá hơn 43,1 triệu đồng; hỗ trợ 8 con bò và 6 con dê, 46 kg bắp giống và 200 kg phân bón; trồng mới 40 cây trắc đen để làm bóng mát ở các làng với tổng trị giá trên 95 triệu đồng.
Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị còn vận động các nhà hảo tâm xây dựng nhà tình nghĩa cho 2 hộ; hỗ trợ ngày công, nguồn lực xây dựng 10 nhà vệ sinh; tặng quà cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, khó khăn, trẻ em mồ côi, hộ gia đình chính sách, học bổng… với tổng trị giá trên 329 triệu đồng.
Ngoài ra, hưởng ứng cuộc vận động “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, các cơ quan, đơn vị đã hỗ trợ hàng tháng cho 12 hộ gia đình nghèo, khó khăn, người già neo đơn 10 kg gạo/tháng hoặc 200 ngàn đồng/tháng.
Tại hội nghị, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến tham luận để công tác giúp đỡ các làng đồng bào DTTS đạt kết quả tốt hơn. Trong đó, các ý kiến tập trung một số vấn đề như: vận động các nguồn lực để giúp đỡ làng, giúp đỡ hộ nghèo thoát nghèo bền vững, hướng dẫn bà con thay đổi tập quán canh tác, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; trao đổi kinh nghiệm những cách làm hay, mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác tuyên truyền, vận động; tổ chức lực lượng bám làng, tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS thay đổi nếp nghĩ, cách làm, từ bỏ các tập tục lạc hậu.
Kết luận hội nghị, Bí thư Huyện ủy Lê Thị Thanh Mai yêu cầu các địa phương và cơ quan, đơn vị tiến hành khảo sát, nắm chắc thực lực chính trị ở làng mình phụ trách, phối hợp với địa phương xây dựng, củng cố hệ thống chính trị của làng đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ được giao; phối hợp với các cơ quan chuyên môn thường xuyên hướng dẫn đồng bào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa; chi tiêu tiết kiệm, có tích lũy. Hàng năm, các cơ quan, đơn vị theo dõi giúp đỡ các làng phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và hệ thống chính trị ở các làng xây dựng kế hoạch, chương trình nội dung hỗ trợ theo từng phần việc cụ thể.