(GLO)- Huyện Đak Pơ đang tập trung xây dựng các vùng chuyên canh cây ăn quả, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị để nâng cao đời sống người dân.
Thu nhập cao từ cây ăn quả
22 năm trước, ông Nguyễn Quang Phúc (làng Đê Chơ Gang, xã Phú An) đưa giống nhãn lồng Hưng Yên về trồng. Hiện nay, mỗi năm, gia đình ông thu hàng trăm triệu đồng từ cây nhãn. Ông Phúc cho hay, với 210 cây nhãn, mỗi năm thu hoạch khoảng 18 tấn quả, giá bán 30-40 ngàn đồng/kg, gia đình ông thu về hơn 500 triệu đồng. Hàng năm, ông còn xuất bán gần 40.000 cây giống cho người dân trong và ngoài tỉnh. “Với quy trình chăm sóc nghiêm ngặt, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, vườn nhãn lồng của gia đình tôi được thương lái đánh giá cao. Không chỉ tiêu thụ ở thị trường Gia Lai, Đà Nẵng, Bình Định mà nhãn của gia đình còn xuất bán sang cả Thái Lan, Lào và Campuchia”-ông Phúc nói.
Vườn nhãn của gia đình ông Nguyễn Quang Phúc (làng Đê Chơ Gang, xã Phú An, huyện Đak Pơ). Ảnh: Q.T |
Những năm gần đây, nhiều hộ dân ở khu vực núi Đá Lửa (thôn An Định, xã Cư An) đã chuyển đổi từ cây ngắn ngày sang trồng các loại cây ăn quả, nhất là na dai và bước đầu đem lại thu nhập ổn định. Là một trong những hộ tiên phong đưa giống na dai về trồng, ông Ngô Văn Tiến cho biết: “Vườn nhà tôi có diện tích 2,3 ha, trước đây trồng xoài và mía nhưng thu nhập rất thấp, có năm còn lỗ vốn. Năm 2006, tôi bắt đầu trồng na dai xen trong vườn xoài. Thấy cây na dai phát triển tốt nên tôi đã chuyển toàn bộ diện tích sang trồng loại cây này. Tôi thường xuyên cắt tỉa cành, tạo tán, sử dụng phân bón có nguồn gốc sinh học nên năng suất đạt cao. Năm vừa rồi, vườn na dai cho thu hoạch 30 tấn quả, với giá bán 15-25 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, tôi thu về hơn 280 triệu đồng”.
Từ thành công của các hộ dân, cuối năm 2019, UBND xã Cư An đã thành lập Nông hội trồng cây ăn quả. Ông Nguyễn Đăng Trình-Chủ nhiệm Nông hội trồng cây ăn quả xã Cư An-cho biết: “Hiện nay, nông hội có 68 thành viên trồng khoảng 140 ha cây ăn quả. Trong đó, thôn An Định có 52 thành viên trồng hơn 40 ha na dai và khoảng 30 ha cây ăn quả khác. Việc thành lập nông hội tạo điều kiện cho các thành viên chủ động cải tạo vườn để trồng cây ăn quả, cùng chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, tăng năng suất lao động, ổn định đầu ra sản phẩm”.
Hình thành các vùng chuyên canh ổn định
Ông Nguyễn Hiệp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Pơ-cho biết: Toàn huyện có hơn 440 ha cây ăn quả, tập trung ở các xã: An Thành, Cư An, Tân An, Phú An, Yang Bắc, Ya Hội và thị trấn Đak Pơ. Năng suất trung bình của cây bơ đạt 15-30 tấn quả/ha, thanh long 27-30 tấn/ha, na dai 15-20 tấn/ha… Hàng năm, UBND huyện phối hợp với các ngân hàng đứng chân trên địa bàn tạo điều kiện cho nông dân vay vốn ưu đãi chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả, hình thành các mô hình trồng cây ăn quả đem lại thu nhập ổn định. Cùng với đó, UBND huyện chỉ đạo ngành nông nghiệp tăng cường tập huấn kiến thức, khoa học kỹ thuật về trồng trọt cho nông dân theo từng chuyên đề nhưng đều hướng đến sản xuất nông nghiệp an toàn, xây dựng thương hiệu. Qua theo dõi, nhiều mô hình quy mô hộ gia đình cho thu nhập trên 350 triệu đồng/năm.
Vườn na dai của gia đình Ngô Văn Tiến-thôn An Định (xã Cư An) cho thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Ảnh: Ngọc Sang |
Để cây ăn quả trở thành cây trồng chủ lực của địa phương trong những năm tới, ông Nguyễn Trường-Chủ tịch UBND huyện Đak Pơ-cho hay: Huyện đang xây dựng kế hoạch thuê đơn vị tư vấn khảo sát lập bản đồ thổ nhưỡng từng vùng, xác định cây trồng phù hợp để xây dựng chỉ dẫn địa lý, sản xuất theo hướng VietGAP. Đồng thời, huyện cũng đề ra mục tiêu hình thành các vùng chuyên canh cây ăn quả với diện tích hàng trăm héc ta gắn với thị trường tiêu thụ, tránh tình trạng người dân bị ép giá khi sản xuất nhỏ lẻ. Trong đó, huyện xác định phát triển các loại cây như: na dai, quýt, bưởi, mít ở khu vực núi Đá Lửa; thanh long, nhãn ở xã Yang Bắc và Phú An; chuối ở xã Hà Tam và An Thành… Bên cạnh đó, huyện sẽ đẩy mạnh xúc tiến quảng bá sản phẩm, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, tăng cường liên doanh, liên kết giữa các nhà máy chế biến với vùng nguyên liệu.
“Sau khi dự án hồ Tầu Dầu 2 hoàn thành, cung cấp nước tưới vào cuối năm 2020, UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn chú trọng nghiên cứu thị trường để đưa vào sản xuất những giống cây được thị trường ưa chuộng, hiệu quả kinh tế cao; khuyến khích các hợp tác xã, nông hội, hộ gia đình ứng dụng công nghệ cao để nâng cao chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, huyện đã đầu tư 3 tỷ đồng làm 1,5 km đường bê tông xi măng lên đỉnh núi Đá Lửa để người dân thuận tiện trong việc vận chuyển hàng hóa. Đây là những bước đi thiết yếu nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện mức sống cho người dân, hướng đến mục tiêu hình thành các vùng chuyên canh cây ăn quả ổn định của địa phương”-Chủ tịch UBND huyện Đak Pơ thông tin.
QUANG TẤN-NGỌC SANG