Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Đầm An Khê Di sản thiên nhiên - văn hóa quý báu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đầm An Khê là đầm nước lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi, nằm ở vùng ven biển Sa Huỳnh, giáp ranh giữa 2 xã Phổ Khánh và Phổ Thạnh (H.Đức Phổ), có diện tích mặt nước 347 ha , chiều dài nhất đo được 3,5 km, chiều rộng nhất chừng 1 km.
 

Đầm có nước quanh năm, mực nước nơi sâu nhất trong đầm là 4 m. Theo các nhà địa chất, đầm An Khê hình thành trong thời kỳ biển thoái sau biển tiến cực đại Flandrian 6.000 - 7.000 năm trước và trở thành đầm nước ngọt khoảng 3.000 - 4.000 năm cách ngày nay.
 

Đầm An Khê. Ảnh: Nguyên Tú
Đầm An Khê. Ảnh: Nguyên Tú


Nước đầm An Khê là môi trường sống thích hợp của nhiều loài thủy sinh. Thủy sản sống trong đầm chủ yếu là các loài nước ngọt (cá diếc, cá thác lác, cá bống, cá chép, cá chình, cá trắm cỏ, cá mè, tôm, ốc, cá rô phi...). Đặc biệt ở đây có loài cá úc, song trong những năm gần đây đã dần trở nên khan hiếm. Nhóm cá biển với số lượng khá thấp sống trong đầm là các loài cá móm, cá đối, cá khế sáu sọc... Về mặt khảo cổ học, châu tuần quanh khu vực đầm An Khê là những di chỉ rất có giá trị của nền văn hóa Sa Huỳnh: Phú Khương, Thạnh Đức và Long Thạnh. Theo các nhà nghiên cứu, đầm An Khê là mắt xích quan trọng nhất trong quá trình phát sinh, phát triển và lan tỏa của văn hóa Sa Huỳnh trong quá khứ. Nơi đây là nguồn cung cấp nước ngọt cho sinh hoạt, khai thác thủy sản và sản xuất nông nghiệp của cộng đồng cư dân Sa Huỳnh cổ. Vì vậy, cụm di tích khảo cổ và không gian sinh tồn của văn hóa Sa Huỳnh tại khu vực đầm An Khê là những yếu tố không thể thiếu trong việc nhận diện văn hóa Sa Huỳnh tại Quảng Ngãi nói riêng và nền văn hóa Sa Huỳnh nói chung.

 

GS-TS Trương Quốc Bình phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Nguyễn Tú
GS-TS Trương Quốc Bình phát biểu tại hội thảo.



GS-TS Trương Quốc Bình, nguyên Phó cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia (Di sản văn hóa quốc gia), trong tham luận tại “Hội nghị tham vấn về vai trò của đầm An Khê với không gian văn hóa của cư dân Sa Huỳnh cổ và đánh giá tác động của dự án điện mặt trời trên đầm An Khê, TX.Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi”, do Sở VH-TT-DL Quảng Ngãi tổ chức ngày 1.7.2022 vừa qua tại Sa Huỳnh, nhấn mạnh: “Đáng chú ý là nếu như Phú Khương, Thạnh Đức là những di chỉ gắn liền với công lao của các nhà khảo cổ học Pháp trong giai đoạn đầu của công cuộc phát hiện và nghiên cứu về văn hóa Sa Huỳnh, thì di chỉ Long Thạnh tại khu vực An Khê, Đức Phổ lại là kết quả nghiên cứu của các nhà khảo cổ học VN tìm thấy những chứng tích khẳng định nguồn gốc nội sinh của văn hóa Sa Huỳnh”.

Không chỉ có những di chỉ văn hóa Sa Huỳnh, quanh khu vực đầm An Khê, đã và đang tồn tại nhiều di sản tự nhiên và văn hóa vô cùng phong phú. Cách đầm An Khê không xa, là Vũng Bàng - một vũng biển có cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, thuộc thôn Thạnh Đức 1, xã Phổ Thạnh. Trên bờ biển, phía tây bắc có tảng đá cao chừng 2 m, mặt đá phía nam (ngang 1,2 m, dọc 1,5 m), hơi nghiêng và khá phẳng. Người xưa đã khắc lên đó 10 dòng chữ Chăm cổ, vẫn còn nhìn khá rõ. Tiếp liền Vũng Bàng, về phía tây bắc (đông nam đầm An Khê) là con đường lát đá cổ băng qua một ngọn núi mà dân cư quanh vùng gọi là núi Bồ. Ngọn núi này lại có con suối quanh năm chảy băng rừng đổ ra biển. Dọc theo con suối có khoảng 10 giếng cổ mà các nhà nghiên cứu xác định là giếng của người Chăm. Đây là những giếng quanh năm không cạn, nước ngọt mát và không bị nhiễm mặn, dù nằm sát biển. Không xa bia đá, bên cửa biển Sa Huỳnh là một miếu thờ có tên miếu Bà, dấu vết dung hợp tín ngưỡng thờ Bà Mẹ xứ sở (Pô I nư Naga) của người Chăm và tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt. Phía bắc đầm An Khê, tại thôn Phú Long (xã Phổ Khánh) còn có vết tích của một cây cầu bằng đá, gọi là cầu đá Phú Long, công trình của người Chăm cổ. Vũng biển, bia đá, miếu thờ, con đường kè đá cùng với sự xuất hiện những giếng Chăm với mật độ khá dày, cho phép chúng ta hình dung về một khu vực cư trú của người Chăm cổ. Họ cư trú trên sườn núi để tránh triều dâng, sống bằng nghề săn bắn, hái lượm nguồn lợi trên rừng, đánh cá dưới biển, khai thác nguồn nước ngọt tại chỗ để bán cho những thương thuyền qua lại quanh vùng.

 

(còn tiếp)

Theo Nguyên Tú (TNO)

 

Có thể bạn quan tâm