Kinh tế

Nông nghiệp

Đảm bảo nguồn nước tưới cho cây trồng trong cao điểm mùa khô

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tuy đang là cao điểm của mùa khô nhưng nguồn nước tại các công trình thủy lợi, sông suối, hồ đập trên địa bàn tỉnh vẫn cơ bản đảm bảo đủ tưới cho cây trồng. Nhờ đó, các loại cây trồng được cung cấp nước tưới kịp thời nên sinh trưởng và phát triển tốt.
Đang lắp đường ống để tưới nước đợt 2 cho vườn cà phê của gia đình, ông Rơ Châm Kreh (làng Nú, xã Ia Sao, huyện Ia Grai) cho biết: “Năm nay thời tiết thuận lợi, giếng nước đảm bảo đủ tưới cho cây cà phê. Với kinh nghiệm của tôi, nếu đến thời điểm này mà mạch nước ở giếng vẫn chảy mạnh thì chắc chắn năm nay đủ nước tưới. Tuy nhiên, hiện nay, giá xăng dầu, phân bón tăng cao khiến chi phí đầu tư tăng lên khoảng 2 triệu đồng/lần vừa tưới, bón phân”. Còn ông Trương Quốc Canh (cùng xã) thì cho hay: “Mỗi năm vào mùa khô, ngoài tưới cho 2 ha cà phê của gia đình, tôi còn nhận tưới thuê cho một số hộ lân cận. Năm nay, các hồ chứa tích đầy nước nên nhiều hộ không cần phải thuê tưới”. 
Người dân xã Ia Sao (huyện Ia Grai) chuẩn bị máy bơm để tưới nước cho cây cà phê. Ảnh: Lê Nam
Người dân xã Ia Sao (huyện Ia Grai) chuẩn bị máy bơm để tưới nước cho cây cà phê. Ảnh: Lê Nam
Những năm trước, vào thời điểm này, nhiều công trình thủy lợi, sông suối, ao hồ trên địa bàn tỉnh khô kiệt, người dân phải loay hoay tìm nguồn nước tưới cho cây trồng. Tuy nhiên năm nay, thời tiết diễn biến tương đối thuận lợi nên chưa xảy ra hạn hán. Đến thời điểm này, nguồn nước vẫn đảm bảo cho các loại cây trồng. Theo ông Phan Đình Thắm-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Grai: Hiện nay, người trồng cà phê trên địa bàn huyện đang tưới đợt 2 và đợt 3. Năm nay, các hồ, đập đảm bảo nước tưới cho các loại cây trồng. Huyện yêu cầu chính quyền các địa phương và đơn vị liên quan cần tăng cường quản lý nguồn nước, tránh tình trạng tưới đồng loạt dẫn đến thiếu nước cục bộ. Ngoài ra, các địa phương cũng cần điều tiết, phân lịch tưới nước hợp lý giữa cây ngắn ngày và cây dài ngày để tránh tranh chấp nguồn nước.
Tương tự, ông Nguyễn Kim Anh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa-thông tin: Toàn huyện có 61 công trình thủy lợi phục vụ nước tưới cho hơn 4.200 ha cây trồng. Để đảm bảo phòng-chống hạn cho cây trồng, UBND huyện chỉ đạo các địa phương, đơn vị nghiêm túc triển khai thực hiện các giải pháp như: rà soát diện tích sản xuất, đánh giá tình hình nguồn nước; tuyên truyền, khuyến cáo người dân không gieo trồng trên các chân ruộng thường xuyên bị hạn hoặc chuyển đổi cây trồng để tránh thiệt hại; huy động người dân nạo vét kênh mương, khắc phục sửa chữa hư hỏng nhỏ…   
Người dân huyện Đak Pơ sử dụng biện pháp tưới phun mưa để tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Lê Nam
Người dân huyện Đak Pơ áp dụng biện pháp tưới phun mưa để tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Lê Nam
Trong khi đó, ông Nguyễn Hiệp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Pơ thì cho hay: Toàn huyện có 2 trạm bơm điện và 18 ao bàu, đập đảm bảo tưới cho hơn 316 ha cây trồng. Hiện toàn bộ diện tích rau, hoa và cây ăn quả đều chủ động được nguồn nước tưới, trong đó phần lớn diện tích được người dân áp dụng tưới tiết kiệm nước. Đến thời điểm hiện tại, nguồn nước vẫn đảm bảo cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Thanh Bình-Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi-cho biết: Toàn tỉnh có 119 hồ chứa, 191 đập dâng, 42 trạm bơm với tổng năng lực thiết kế tưới cho 67.411 ha cây trồng. Hiện thời tiết các khu vực trên địa bàn tỉnh diễn biến tương đối thuận lợi, dự báo lượng mưa phổ biến ở mức xấp xỉ và cao hơn so với nhiều năm và có thể xuất hiện các đợt mưa trái mùa nên tình hình hạn hán trong mùa khô 2021-2022 ít có khả năng xảy ra gay gắt. Việc đánh giá cụ thể nguồn nước và lên kế hoạch tưới luân phiên tiết kiệm nước luôn được các ngành, địa phương quan tâm; ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến tiết kiệm nước tiếp tục được triển khai. Nhờ đó, các loại cây trồng được đảm bảo nước tưới nên sinh trưởng và phát triển tốt.
LÊ NAM

Có thể bạn quan tâm