Giáo dục

Tin tức

Đảm bảo quyền lợi học tập cho học sinh đang cách ly

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Lời Tòa soạn: Nhiều học sinh trong tỉnh đang phải cách ly y tế để phòng-chống dịch Covid-19. Trước tình hình đó, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo quyền lợi học tập cho các em. Phóng viên Báo Gia Lai có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Long-Phó Giám đốc Sở GD-ĐT xung quanh vấn đề này.
*P.V: Nhằm tạo điều kiện cho học sinh tham gia học tập trong thời gian thực hiện cách ly phòng-chống dịch Covid-19, ngành GD-ĐT đã thực hiện những giải pháp nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Long. Ảnh: Mộc Trà
Ông Nguyễn Văn Long. Ảnh: Mộc Trà
- Ông Nguyễn Văn Long: Toàn tỉnh hiện có 441 học sinh đang thực hiện cách ly y tế tập trung và 1.504 học sinh cách ly tại nhà để phòng-chống dịch Covid-19. Cụ thể: bậc tiểu học có 272 học sinh cách ly tập trung, 854 học sinh cách ly tại nhà; bậc THCS có 106 học sinh cách ly tập trung, 282 học sinh cách ly tại nhà; bậc THPT có 63 học sinh cách ly tập trung, 368 học sinh cách ly tại nhà. Số học sinh phải cách ly y tế tập trung nhiều nhất ở TP. Pleiku và các huyện: Chư Sê, Chư Prông, Ia Grai, Kbang.
Nhằm tạo điều kiện cho các học sinh này được tham gia học tập, Sở GD-ĐT đã có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục và đơn vị trực thuộc triển khai thực hiện hiệu quả một số giải pháp. Theo đó, các cơ sở giáo dục đã xây dựng kế hoạch và thực hiện đa dạng, linh hoạt các hình thức tổ chức dạy học phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, đơn vị. Đồng thời, chủ động chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để kịp thời chuyển trạng thái dạy học từ trực tiếp sang trực tuyến và ngược lại khi tình hình dịch thay đổi.
Đối với những học sinh đang cách ly để phòng-chống dịch, Sở yêu cầu các cơ sở giáo dục bố trí dạy học trực tuyến. Riêng học sinh vừa trở về từ vùng dịch, các trường rà soát, thu thập thông tin, nhu cầu của học sinh thuộc đơn vị đang thực hiện cách ly trên địa bàn tỉnh và tổ chức dạy học trực tuyến. Những đơn vị không đảm bảo điều kiện dạy học trực tuyến đã tiến hành lập danh sách, thông tin học sinh gửi về Sở để phân công các đơn vị khác có đủ điều kiện hỗ trợ kịp thời. 
Sau khi hết thời gian cách ly, các cơ sở giáo dục sẽ tổ chức ôn tập, củng cố, bổ sung kiến thức phù hợp với từng nhóm đối tượng học sinh để các em hoàn thành nội dung cốt lõi các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc. Sử dụng hiệu quả thời gian học sinh được đến trường để tiếp tục tổ chức dạy học trực tiếp các nội dung cơ bản theo các văn bản hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học của Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT phù hợp với điều kiện của nhà trường và đối tượng học sinh, tránh gây áp lực, quá tải. Ngoài thời gian học chính khóa, giáo viên sẽ dạy bù vào các buổi còn lại và ngoài giờ để giúp các em theo kịp chương trình, kế hoạch năm học.
*P.V: Ông có thể cho biết những thuận lợi và khó khăn mà ngành GD-ĐT đang gặp phải khi triển khai dạy và học cho học sinh đang cách ly y tế?
- Ông Nguyễn Văn Long: Dịch Covid-19 đã tác động, ảnh hưởng đáng kể đến ngành GD-ĐT. Tuy nhiên, các thầy-cô giáo đã nhạy bén tiếp cận công nghệ để phục vụ cho việc giảng dạy trong những hoàn cảnh đặc biệt. Căn cứ “Phương án tổ chức dạy và học năm học 2021-2022 ứng phó với tình huống dịch Covid-19” của Sở GD-ĐT, các cơ sở giáo dục cũng đã chủ động xây dựng, hoàn thiện kế hoạch giáo dục của nhà trường; chủ động rà soát, bố trí, phân công giáo viên hỗ trợ học sinh học tập trực tuyến trong thời gian thực hiện cách ly để phòng-chống dịch Covid-19. Hiện nay, đa số đơn vị trường học thực hiện khá tốt phương thức dạy học trực tuyến; dạy học trực tiếp kết nối với học trực tuyến (dành cho số học sinh chưa thể đến trường), nhất là các địa phương có nhiều học sinh phải cách ly tập trung và cách ly tại nhà.
Trong thời gian thực hiện cách ly, học sinh chỉ có thể tham gia học tập bằng hình thức trực tuyến. Tuy nhiên, quá trình triển khai gặp không ít khó khăn vì nhiều học sinh không đủ điều kiện để học tập (thiếu máy tính, điện thoại, đường truyền internet chưa đảm bảo); phụ huynh chưa thành thạo về công nghệ nên khó hỗ trợ cho con em mình, nhất là bậc tiểu học; giáo viên không thể trực tiếp quan sát được toàn bộ học sinh cùng một lúc nên việc hỗ trợ, kèm cặp hạn chế; học sinh lớp 1 và 2 chưa thể tự sử dụng thiết bị nên giáo viên phải chuyển đổi giờ dạy vào buổi tối để phụ huynh có thể hỗ trợ các em học tập. 
Các cơ sở giáo dục đã chủ động bố trí, phân công giáo viên hỗ trợ học sinh học tập trực tuyến trong thời gian cách ly để phòng-chống dịch Covid-19. Ảnh: Mộc Trà
Các cơ sở giáo dục đã chủ động bố trí, phân công giáo viên hỗ trợ học sinh học tập trực tuyến trong thời gian cách ly để phòng-chống dịch Covid-19. Ảnh: Mộc Trà
*P.V: Công tác kiểm tra, đánh giá kết quả học tập đối với những học sinh đang thực hiện cách ly y tế được triển khai như thế nào để đảm bảo công bằng và thực chất, thưa ông?
- Ông Nguyễn Văn Long: Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục chủ động rà soát, đánh giá, phân loại kết quả học tập trực tuyến; đồng thời, tổ chức ôn tập, củng cố, bổ sung nội dung kiến thức phù hợp với các nhóm đối tượng học sinh, nhất là những học sinh không thể học trực tuyến, học sinh chuyển trường do phải di chuyển nơi cư trú để phòng-chống dịch bệnh. Riêng đối với học sinh lớp 1 và 2, các trường thực hiện theo văn bản hướng dẫn của Bộ GD-ĐT là không thực hiện kiểm tra, đánh giá định kỳ trong khoảng thời gian này. Khi các em đi học trở lại phải tổ chức ôn tập trước khi kiểm tra, đánh giá định kỳ. Việc kiểm tra, đánh giá định kỳ theo hình thức trực tiếp tại trường chỉ thực hiện sau một thời gian học sinh đã được ôn tập, củng cố, bổ sung nội dung kiến thức.
*P.V: Xin cảm ơn ông!
MỘC TRÀ (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm