Phóng sự - Ký sự

Đảm bảo quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng là hạt nhân trong khối đại đoàn kết dân tộc (bài 2)

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bài 2: Những chiêu trò lợi dụng tôn giáo để chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam


Đi ngược lại với cốt lõi văn hóa và giá trị đạo đức tốt đẹp của các tổ chức tôn giáo vốn luôn coi trọng đời sống “tốt đời, đẹp đạo”, hướng tới “Chân - Thiện - Mỹ”. Nhiều chức sắc, nhà tu hành đã kích động tín đồ, lợi dụng những bất cập trong các vấn đề chính trị, xã hội, các vấn đề dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo để chống phá lại đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, một quốc gia vốn luôn coi trọng hòa bình, dân chủ, lấy yếu tố nhân văn làm bản thể cho mọi đường hướng phát triển.

 

 Việc đưa Công an chính quy về xã đã giúp cho công tác phối hợp giữa Nhà nước và người có đạo hiểu biết hơn chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước được tốt hơn
Việc đưa Công an chính quy về xã đã giúp cho công tác phối hợp giữa Nhà nước và người có đạo hiểu biết hơn chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước được tốt hơn

Thời gian vừa qua, các đối tượng cực đoan trong và ngoài tôn giáo liên tục lợi dụng các vấn đề chính trị, xã hội phức tạp, nhạy cảm như: việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước; vấn đề thu phí BOT; ô nhiễm môi trường; việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật; việc thất thoát trong thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội ở trong nước; việc tiêu cực của một số cán bộ, đảng viên; các vụ khiếu kiện đất đai ...để tăng cường các hoạt động chống đối Đảng và Nhà nước ta.
 
Các đối tượng cực đoan cũng lợi dụng các vụ tranh chấp, khiếu kiện phức tạp về đất đai liên quan đến tôn giáo chậm được giải quyết để kích động các hoạt động chống đối, gây tâm lý bức xúc và phản ứng của tín đồ đối với chính quyền, gây chia rẽ giữa chính quyền và tôn giáo. Nghiêm trọng hơn, số thiếu thiện chí ở trong và ngoài nước đã khai thác lợi dụng chính trị hóa sự việc, xuyên tạc, vu cáo chính quyền “lấy đất đai của tôn giáo, bỏ quên quyền lợi nhân dân, bao che cho doanh nghiệp, tàn phá môi trường”, kích động tâm lý so bì, cho rằng nhà nước đối xử không bình đẳng giữa các tôn giáo. Trên đây là những chiêu trò cũ, tuy nhiên chúng luôn mang lại những hệ quả khó lường nếu chúng ta không tỉnh táo, lường trước để dập tắt nguồn cơn.
 
Phương thức hoạt động cũng không có gì mới, các đối tượng xấu luôn thành lập hoặc tích cực tham gia các hội, nhóm trái pháp luật mang danh nghĩa tôn giáo, như: Thành lập Văn phòng công lý và Hòa bình; thành lập Hội đồng Liên tôn gồm một số giáo sĩ cực đoan trong một số tôn giáo, tổ chức hỗ trợ người dân “đi khiếu kiện”; lợi dụng thương phế binh Việt Nam Cộng hòa kích động hận thù dân tộc; tham gia tổ chức Hội Nhà báo độc lập Việt Nam với ý đồ thành lập Mặt trận Cứu nước Việt Nam; tham gia “Liên đoàn dân chủ Công giáo Việt Nam”, “Hội đồng Nhân quyền Việt Nam”, “Hội đồng liên kết quốc nội và hải ngoại”. Công khai vi phạm pháp luật, thách thức chính quyền, chống người thi hành công vụ, gây ra nhiều vụ việc phức tạp. Hình thức của chúng là kêu gọi hiệp thông, cầu nguyện, tập trung đông người tuần hành, biểu tình gây phức tạp về an ninh, trật tự trên một số địa bàn, gây sức ép với chính quyền trong việc xử lý, giải quyết đối với những vụ việc phức tạp.

 

Đồng bào các tôn giáo là hạt nhân quan trọng trong khối đại đoàn kết dân tộc
Đồng bào các tôn giáo là hạt nhân quan trọng trong khối đại đoàn kết dân tộc


 Không những thế, chúng còn cấu kết với một số đối tượng chống đối nước ngoài tổ chức các buổi “hội luận”, “họp báo”, soạn thảo và tán phát các bài viết có nội dung xuyên tạc tình hình kinh tế - xã hội, chính trị về Việt Nam. Tuyên truyền các học thuyết về “xã hội dân sự”, “Học thuyết xã hội của Giáo hội Công giáo” để chỉ trích và đòi Việt Nam phải quản lý xã hội theo “mô hình 3 bàn tay” (Nhà nước, kinh tế thị trường và tổ chức xã hội dân sự). Thường xuyên trả lời phỏng vấn các đài, báo nước ngoài xuyên tạc về chủ trương của Việt Nam đối với Formorsa, về vấn đề Biển Đông; tuyên truyền xuyên tạc trong quan hệ Việt Nam – Trung Quốc nhằm kích động tín đồ và người dân thiếu hiểu biết trong và ngoài nước mất niềm tin vào Đảng và Nhà nước.
 
Các đối tượng trên cũng thường xuyên viết bài và phát tán trên mạng internet, các trang mạng xã hội, facebook các bài viết tuyên truyền, xuyên tạc về tình hình tự do tôn giáo trong nước, kích động tín đồ và người dân chống chính quyền. Bên cạnh mục tiêu chính trị, các đối tượng này còn nhận được sự trợ cấp về kinh tế, chỉ đạo xây dựng lực lượng đấu tranh trong nước và nhận được nhiều hứa hẹn về trợ cấp khác kể cả nhận tỵ nạn chính trị từ các phần tử, tổ chức chống đối ở nước ngoài.
 
Nổi cộm lên là hoạt động của một số tổ chức, cá nhân trong chính giới Mỹ và một số nước phương Tây (Canada, Úc, Đức và một số nước EU) lợi dụng về dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo để chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam. Ban hành các “báo cáo”, “phúc trình thường niên” về tình hình tự do tôn giáo thế giới, trong đó tiếp tục xuyên tạc về tình hình dân chủ, nhân quyền và “tự do tôn giáo ở Việt Nam, vu cáo Việt Nam “đàn áp tôn giáo” và tiếp tục kiến nghị đưa Việt Nam vào “danh sách các quốc gia cần đặc biệt quan tâm về tự do tôn giáo - CPC”.
 
Cũng cần nói thêm rằng, trong báo cáo thường niên về tình hình tự do tôn giáo quốc tế hàng năm, Bộ Ngoại giao, Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế Mỹ (USCIRF) và Tổ chức Ân xá quốc tế (tiếng Anh: Amnesty International, viết tắt AI) tiếp tục sử dụng thông tin, tình hình do các đối tượng cực đoan, chống đối trong các tôn giáo cung cấp để xuyên tạc về tình hình dân chủ, nhân quyền và “tự do tôn giáo” tại Việt Nam. Gia tăng các luận điệu vu cáo Việt Nam “đàn áp tôn giáo”; tiếp tục đề nghị đưa Việt Nam vào “danh sách các quốc gia cần đặc biệt quan tâm về tự do tôn giáo”.
 
Các đoàn lâm thời và thường trú của các cơ quan Ngoại giao một số nước tăng cường gặp gỡ, tiếp xúc với một số đối tượng cực đoan, chống đối các tôn giáo để khích lệ tinh thần, cổ vũ cho các hoạt động chống đối chính quyền và thu thập thông tin, tình hình làm tư liệu để tuyên truyền xuyên tạc, vu cáo Việt Nam “vi phạm dân chủ, nhân quyền”, “đàn áp tôn giáo” để hạ thấp uy tín Việt Nam trên trường quốc tế. Một số đài, báo nước ngoài (VOA, RFA, RFI, BBC) thường xuyên đăng tải các bài viết, phỏng vấn một số đối tượng cực đoan, chống đối trong các tôn giáo ở trong nước với nội dung hoàn toàn bịa đặt.
 
Các tổ chức, cá nhân phản động lưu vong tăng cường móc nối, liên kết với một số đối tượng cực đoan trong các tôn giáo để hoạt động chống đối; tích cực thu thập thông tin, tình hình về dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo phục vụ cho mục đích tuyên truyền, chống phá Việt Nam. Kêu gọi chính giới các nước can thiệp, gây sức ép với Việt Nam trong quan hệ ngoại giao và đề nghị Chính phủ Mỹ đưa Việt Nam trở lại “danh sách các nước cần đặc biệt quan tâm về tự do tôn giáo”.
 
Điển hình như Ủy ban cứu người vượt biển - BPSOS tích cực vận động Bộ Ngoại giao Mỹ áp dụng “Luật Frank Wolf - Luật tự do tôn giáo quốc tế” đối với “Hội cờ đỏ”; tổ chức các buổi họp báo, điều trần ở bên ngoài có mời một số chức sắc tôn giáo ở Việt Nam tham dự và phát biểu các nội dung xuyên tạc tình hình chính trị, xã hội trong nước, vu cáo chính quyền Việt Nam “đàn áp tôn giáo”. Các đối tượng tham gia “Việt Tân” ở bên ngoài thường xuyên liên lạc, tổ chức các buổi “hội luận” với số chức sắc, nhà tu hành để xuyên tạc tình hình trong nước, kích động các hoạt động chống chính quyền, đòi lật đổ Đảng Cộng sản Việt Nam.
 
Cũng chính tổ chức BPSOS đã tổ chức buổi “điều trần” trước Quốc hội Úc mời một số linh mục cực đoan trong Công giáo ở Giáo phận Vinh tham dự với nội dung xuyên tạc về tình hình chính trị trong nước; tổ chức họp báo tại CLB Báo chí Thụy Sĩ mời linh mục cực đoan Lê Quốc Thăng tham dự phát biểu về sự cố ô nhiễm môi trường biển tại các tỉnh miền Trung và vụ việc liên quan đến vườn rau Lộc Hưng.
 
Các đối tượng cực đoan cũng soạn thảo và phát tán hàng trăm bài viết có nội dung xuyên tạc tình hình chính trị, xã hội ở trong nước, nói xấu chế độ, phản đối việc triển khai các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội trong nước và kích động chức sắc, giáo dân tham gia vào các hoạt động đấu tranh “lật đổ chế độ cộng sản tại Việt Nam”; thường xuyên trả lời phỏng vấn các báo, đài nước ngoài để tuyên truyền, nói xấu chế độ và kích động các hoạt động chống đối đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Tích cực móc nối, liên kết với một số đối tượng chống đối khác tuyên truyền các học thuyết về “xã hội dân sự”, đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng.
 
Không khó để nhận thấy, mâu thuẫn nội bộ một số tổ chức tôn giáo đã và đang là vấn đề phức tạp nhất hiện nay, nhất là trước mỗi kỳ Đại hội hoặc các hoạt động tôn giáo lớn khác. Biểu hiện tranh giành lợi ích, quyền lực lãnh đạo, thạm chí đã xuất hiện tư tưởng ly khai ở một số tôn giáo. Một số cá nhân, tổ chức đã lợi dụng truyền thông để công kích chống phá bằng các bài viết nhân sự kiện tôn giáo lớn tổ chức tại Việt Nam như: Đại lễ VESAK 2019 dù rất thành công, nhưng các đối tượng cực đoan trong và ngoài nước đã viết bài xuyên tạc xem đại lễ là những vết đen, điểm nhục của Phật giáo quốc doanh; những điểm tương đồng giữa Phật giáo quốc doanh Việt Nam và Trung Quốc. Chia rẽ nội bộ Phật giáo khi gọi các chức sắc trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam là đồng chí (ám chỉ cộng sản), chỉ trích Thượng tọa Thích Thanh Quyết khi triển lãm bức tranh “đạo pháp và dân tộc” và cho rằng xúc phạm tới cộng đồng Phật giáo và dân tộc khi đặt Chủ tịch Hồ Chí Minh ngang hàng với Phật Thích Ca là “nông cạn và bệnh hoạn”. Nhiều bình luận ác ý, gây mất đoàn kết tôn giáo và dân tộc, mượn diễn đàn mạng để khơi dậy lịch sử, khích động ly khai, nói xấu chế độ, bêu xấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Vấn đề này, đã tạo cớ cho một một số đối tượng cực đoan ở Mỹ cũng có bài viết trên faecbook chỉ trích bức tranh là sự báng bổ Phật giáo cũng như hạ thấp tinh thần dân tộc và lịch sử Việt Nam.

 

Theo LAM ANH (LĐ online)

Có thể bạn quan tâm