Xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Đảm bảo tính nghiêm túc, tự giác, thẳng thắn, cầu thị và đoàn kết (*)

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- L.T.S: Theo kế hoạch, từ ngày 10 đến 16-9-2012, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiến hành việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 4 (khóa XI). Nhân dịp này, Báo Gia Lai đã có cuộc trao đổi với ông Hà Sơn Nhin-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy về một số vấn đề trọng tâm trong đợt sinh hoạt chính trị quan trọng này.
 

Ông Hà Sơn Nhin
Ông Hà Sơn Nhin

- P.V: Thưa Bí thư Tỉnh ủy, đợt kiểm điểm tự phê bình và phê bình đối với tập thể và cá nhân các đồng chí lãnh đạo các cấp ủy đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đã và đang được triển khai sâu rộng trong cả nước hiện nay được xem như là luồng sinh khí mới thổi vào cuộc sống xã hội. Đối với tỉnh Gia Lai, ông có thể cho biết ý nghĩa, vai trò và tầm quan trọng của đợt sinh hoạt chính trị này?

Ông Hà Sơn Nhin: Đảng ta từ khi thành lập đến nay đã luôn quan tâm đến công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Tuy nhiên, khác với các nghị quyết trước đây, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” có vị trí đặc biệt quan trọng-mang tính lịch sử-quyết định sự tồn vong của Đảng và chế độ. Do đó, sau khi Nghị quyết được ban hành đã được toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đánh giá, đón nhận rất hồ hởi, vui mừng và đặt niềm tin rất cao.

Dư luận cho rằng Nghị quyết Trung ương 4 lần này khác với các nghị quyết về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trước đó. Bởi lẽ, Nghị quyết Trung ương 4 đã xác định, lựa chọn đúng vấn đề, đánh giá đúng thực trạng những vấn đề bức xúc, nổi cộm, khuyết điểm, yếu kém trong Đảng ta hiện nay, được cán bộ, đảng viên và xã hội quan tâm. Nghị quyết tập trung vào 3 vấn đề cấp bách đó là: ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; về công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ; xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và mối quan hệ của tập thể và các cá nhân trong lãnh đạo, điều hành công việc.

 

Ông Hà Sơn Nhin-Bí thư Tỉnh ủy thăm cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng 723.
Ông Hà Sơn Nhin-Bí thư Tỉnh ủy thăm cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng 723.

Vừa qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã gương mẫu tổ chức kiểm điểm, theo kế hoạch rất nghiêm túc, kết quả sẽ được báo cáo Ban Chấp hành Trung ương phiên họp tới. Đối với Đảng bộ Gia Lai, chúng ta sẽ tổ chức đợt sinh hoạt chính trị, kiểm điểm tự phê bình và phê bình sâu sắc, nghiêm túc đúng theo chỉ đạo của Bộ Chính trị và tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, tập trung bám sát 3 nội dung cốt lõi đạt kết quả cao nhất.

- P.V: Xin ông cho biết công việc tiếp theo của Tỉnh ủy được triển khai thực hiện như thế nào?  

Ông Hà Sơn Nhin: Theo chỉ đạo của Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã và đang khẩn trương chuẩn bị các nội dung cần thiết để tổ chức kiểm điểm tập thể và các cá nhân các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo yêu cầu của chỉ thị, kế hoạch của Bộ Chính trị và hướng dẫn của các Ban đảng Trung ương, cụ thể:

Tổ chức lấy ý kiến góp ý của các cơ quan Trung ương, các đảng bộ trực thuộc, tổ chức, cá nhân đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo đúng nguyên tắc. Đã tổng hợp ý kiến góp ý một cách trung thực, khách quan để đưa vào báo cáo tự kiểm điểm của tập thể và cá nhân các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nghiêm túc bám sát 3 vấn đề cốt lõi theo nội dung Nghị quyết Trung ương 4 đã nêu.

Được sự đồng ý của Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ tổ chức kiểm điểm tập thể và cá nhân từ ngày 10 đến 16-9-2012. Trong đợt kiểm điểm tự phê bình và phê bình lần này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quán triệt tinh thần là một đợt sinh hoạt tự phê bình và phê bình nghiêm túc, tự giác, thành khẩn, cầu thị, thẳng thắn, cởi mở, đoàn kết và có tinh thần đấu tranh xây dựng rất cao. Ở đây muốn nói thêm trong đấu tranh, phê bình của thành viên của Ban Thường vụ Tỉnh ủy không nể nang, né tránh, dũng cảm, dám nhận khuyết điểm; tự giác sửa chữa khắc phục những vấn đề tồn tại của tập thể và cá nhân mắc phải. Đồng thời, cũng tránh lợi dụng kiểm điểm để nói xấu, soi mói, đấu đá, hạ uy tín đồng chí mình với động cơ không trong sáng, gây mất đoàn kết nội bộ, làm giảm lòng tin của nhân dân.

Sau khi hoàn thành kiểm điểm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ rút kinh nghiệm và chỉ đạo các đảng bộ trực thuộc tiến hành tổ chức kiểm điểm. Theo quy định kết quả kiểm điểm Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ báo cáo trước Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Những vấn đề còn nổi cộm tại cuộc kiểm điểm Thường vụ chưa có cơ sở kết luận thì sẽ tiếp tục giao Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy và các ngành chức năng xác minh làm rõ.

- P.V: Xin cảm ơn ông!

Gia Cư (thực hiện)
----------------------
(*) Đầu đề do Báo Gia Lai đặt.

Ông Ksor Keng-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy:

Sẽ tiến hành xem xét, xử lý đúng quy trình, quy định

 

Ông Ksor Keng. Ảnh: T.N
Ông Ksor Keng. Ảnh: T.N

Đến nay, các đảng bộ trực thuộc Đảng bộ tỉnh đã hoàn thành tốt việc phổ biến quán triệt, làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nắm vững, hiểu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng, quan điểm chỉ đạo và những nội dung cơ bản của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI). Việc tổ chức nghiên cứu, học tập đã tạo sự thống nhất về ý chí và hành động trong toàn Đảng bộ, toàn quân và toàn dân trong việc thực hiện Nghị quyết.
 

Theo kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thì “Tất cả các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị và mỗi cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ, từ tỉnh đến cơ sở đều phải tiến hành kiểm điểm, tự phê bình và phê bình” theo trình tự “cấp trên kiểm điểm trước để làm gương cho cấp dưới; tập thể kiểm điểm trước, cá nhân kiểm điểm sau”.  Khi kiểm điểm “cần liên hệ, gắn với việc xem xét, việc thực hiện các quy chế, quy định; việc giải quyết những vấn đề về tổ chức, cán bộ; về giải quyết những vấn đề bức xúc của ngành, cơ quan, hoặc địa phương” như Nghị quyết đã nhấn mạnh.
 

Ngoài những nội dung kiểm điểm nêu trong Nghị quyết, vừa qua, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy gợi ý nội dung kiểm điểm đối với 8 tập thể Ban Thường vụ cấp ủy trực thuộc Tỉnh ủy, 21 cá nhân là các đồng chí Tỉnh ủy viên, cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đang công tác tại các địa phương trong tỉnh, các sở, ban ngành cấp tỉnh, để các tổ chức đảng và đảng viên được gợi ý tập trung kiểm điểm sâu.
 

Căn cứ những nội dung kiểm điểm nêu trong Nghị quyết và ý kiến đóng góp của các tập thể, cá nhân và gợi ý kiểm điểm của cấp trên, các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy sẽ tiến hành kiểm điểm theo kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy...
 

Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đã khẳng định: “Qua kiểm điểm, nếu có vi phạm đến mức phải xử lý thì các cơ quan chức năng xem xét, xử lý theo quy định của Đảng và Nhà nước”. Do đó, trong quá trình kiểm điểm, nếu phát hiện bất kỳ tổ chức đảng, đảng viên nào có vi phạm rõ và đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật đảng thì cấp ủy, tổ chức đảng có thẩm quyền sẽ tiến hành xem xét, xử lý kỷ luật đúng quy trình, quy định.
 

Nếu phát hiện tổ chức đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm thì Ủy ban Kiểm tra các cấp sẽ tiến hành kiểm tra dấu hiệu vi phạm theo quy trình; qua kiểm tra, kết luận nếu tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật đảng thì căn cứ vào nội dung, tính chất, mức độ, tác hại, nguyên nhân vi phạm để xem xét, xử lý hoặc đề nghị cấp ủy xử lý kỷ luật bảo đảm “công minh, chính xác, kịp thời”.

G.C (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm