Xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Đảng viên phải thật sự dân chủ trong phê bình và tự phê bình

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
ông Bùi Khắc Quang- Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Krông Pa. Ảnh: Lê Hòa
Ông Bùi Khắc Quang- Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Krông Pa. Ảnh: Lê Hòa

(GLO)- Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI của Đảng đã thực sự đem lại luồng sinh khí mới, đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng của cán bộ, đảng viên cũng như quần chúng nhân dân, đặc biệt là trong tình hình hiện nay khi một bộ phận cán bộ, đảng viên đang có những biểu hiện tha hóa về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống. PV Gialaionline đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Khắc Quang- Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Krông Pa về một số vấn đề liên quan đến việc triển khai thực hiện Nghị quyết TƯ 4 tại địa phương.

PV: Xin ông cho biết, việc chỉnh đốn Đảng phải được bắt đầu từ đâu?

Ông Bùi Khắc Quang: Công tác chỉnh đốn Đảng không phải chỉ có trong NQ TƯ 4 mà trước đây cũng đã có rất nhiều Nghị quyết, sự chỉ đạo của Trung ương trong các nhiệm kỳ trước đề cập tới vấn đề này. Nghị quyết TƯ 4 lần này ban hành tương đối ngắn gọn nhưng hết sức cụ thể, khoa học, đề cập đến những cách làm dễ thực hiện, triển khai, không mơ hồ.

Việc thực hiện NQ TƯ 4 là vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay. Nghị quyết cũng chỉ rõ các nhóm giải pháp: Nhóm giải pháp cần phải làm ngay, nhóm giải pháp cần có thời gian chuẩn bị và có hướng dẫn cụ thể của Trung ương. Trong đó, bước đầu tiên là cần phải tổ chức quán triệt nghiêm túc tinh thần Nghị quyết. Bước này, đến nay Krông Pa đã triển khai thực hiện xong. Hiện nay, huyện đang tập trung chỉ đạo thực hiện bước tiếp theo, tức tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình. Theo tinh thần Nghị quyết, phương pháp để thực hiện việc phê bình và tự phê bình phải thông qua việc lấy ý kiến rộng rãi trong các tổ chức Đảng trực thuộc và các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội. Đồng thời, lấy ý kiến của cấp trên, sau đó từng cán bộ, đảng viên làm bản kiểm điểm phê bình và tự phê bình. Theo tôi, đây là việc cần phải làm ngay mà bản thân mỗi đảng viên đều phải tự giác thực hiện.

Việc kiểm điểm không chỉ dừng ở việc kiểm điểm trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao mà còn đánh giá, phê bình và tự phê bình về nguy cơ suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống. Thông qua việc kiểm điểm sẽ chấn chỉnh tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, từ đó thúc đẩy tinh thần làm việc của cán bộ, đảng viên được tốt hơn, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương trong việc phát triển kinh tế- xã hội, tăng cường an ninh quốc phòng và đảm bảo an ninh xã hội cũng như chăm lo đời sống nhân dân.

PV: Vậy mục tiêu và phương châm triển khai thực hiện Nghị quyết TƯ 4 của huyện ủy Krông Pa, thưa ông?

Ông Bùi Khắc Quang: Mục tiêu của huyện ủy là làm thế nào triển khai cho toàn thể cán bộ, đảng viên đều phải học tập NQ TƯ 4 một cách nghiêm túc, quyết liệt; nắm bắt đúng tinh thần Nghị quyết để triển khai cho hiệu quả theo tinh thần chỉ đạo của TƯ Đảng.
    
Ngoài ra, địa phương cũng sẽ phấn đấu làm thế nào để củng cố, xây dựng và tăng cường vai trò, vị trí của đảng viên trong quần chúng nhân dân, phải làm cho quần chúng tin tưởng vào đội ngũ cán bộ, đảng viên nhiều hơn nữa. Trong đó, công tác kiểm điểm, tự phê bình và phê bình đến từng cán bộ, đảng viên phải được thực hiện một cách nghiêm túc để tạo được sự chuyển biến thật sự, không qua loa, đại khái, đối phó. Phải làm sao để Nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống, phát huy được hiệu quả trong việc xây dựng Đảng bộ ngày càng trong sạch, vững mạnh.

PV: Để phát huy tốt nhất nguồn lực của quần chúng nhân dân tham gia vào công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị tại địa phương, chúng ta phải làm gì?

Ông Bùi Khắc Quang: Chúng ta đã biết, sự nghiệp cách mạng là của quần chúng. Bác Hồ cũng đã dạy như vậy.

Đảng vừa là tổ chức lãnh đạo, vừa là người đầy tớ trung thành của nhân dân. Do đó, việc muốn đảng viên tốt, Đảng bộ ngày càng phát triển thì sự tham gia giám sát, đóng góp ý kiến của toàn dân đối với từng đảng viên cũng như Đảng bộ là điều không thể thiếu. Muốn làm được điều đó phải phát huy được tính dân chủ ở cơ sở. Toàn bộ hoạt động của Đảng phải được dân biết, dân bàn, dân làm và dân kiểm tra. Qua đó, tính dân chủ và tiếng nói của người dân đối với việc triển khai các nhiệm vụ chính trị của địa phương được phát huy.

Đồng thời, từng đảng viên, tổ chức cơ sở đảng cũng phải biết lắng nghe để điều chỉnh việc làm của mình cho phù hợp. Như thế, chắc chắn các Nghị quyết của Đảng sẽ đi vào cuộc sống cũng như sự lãnh đạo của Đảng ngày càng được tăng cường hơn, dân tin Đảng nhiều hơn.

PV: Xin cảm ơn ông!

 

Lê Hòa (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm