(GLO)- Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) chỉ rõ: “Sửa đổi bổ sung hoặc ban hành mới các quy định của Đảng và nhà nước theo hướng đề cao trách nhiệm và quyền hạn của người đứng đầu trong mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân, vừa phải tôn trọng nguyên tắc tập thể, vừa phải phát huy vai trò cá nhân người đứng đầu”.
Có thể nói đây là sự cụ thể hóa nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Nguyên tắc này chỉ thực sự phát huy tốt khi xử lý tốt mối quan hệ biện chứng giữa tập thể với người đứng đầu, cá nhân phụ trách. Hai mặt của nguyên tắc này tạo tiền đề cho nhau; tập thể lãnh đạo có trí tuệ, đoàn kết là giá đỡ cho người đứng đầu, cá nhân phụ trách phát huy vai trò của mình. Tập thể lãnh đạo là điều kiện để phát huy hết tài năng, hiến kế của các thành viên, ngăn chặn biểu hiện gia trưởng độc đoán, coi thường tập thể dẫn tới những lệch chuẩn trong chỉ đạo tổ chức thực hiện cũng như phẩm chất lối sống.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Lãnh đạo không tập thể, thì sẽ đi đến cái tệ bao biện, độc đoán, chủ quan. Kết quả là hỏng việc”. Cá nhân phụ trách để xác định quyền năng, tính trách nhiệm, quyết đoán của người đứng đầu “Phụ trách không do cá nhân, thì sẽ đi đến cái tệ bừa bãi, lộn xộn, vô chính phủ. Kết quả cũng là hỏng việc”. Đặc biệt ở những tổ chức đảng mà chất lượng cấp ủy hạn chế, thiếu tranh luận, phản biện, thiếu tính chứng kiến thì vai trò của người đứng đầu hết sức quan trọng khi ở họ thật sự tận tụy với công việc, luôn vì cái chung, dám quyết đoán chịu trách nhiệm trước tổ chức.
Nghị quyết Trung ương 4 cũng chỉ ra: Trên thực tế ở nhiều nơi rơi vào hình thức do không xác định rõ cơ chế trách nhiệm, mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân; khi sai sót, khuyết điểm không ai chịu trách nhiệm”. Đây là nguyên nhân làm cho tình trạng “cha cung không ai khóc”, mọi khuyết điểm, sai lầm cũng như các thất thoát, lãng phí về tài sản của Nhà nước đều vắng bóng chủ thể chịu trách nhiệm, đều là lỗi chung của tập thể. Bởi vậy phát huy vai trò của cá nhân phụ trách, người đứng đầu là hết sức cần thiết.
Để nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách phát huy hiệu quả trong lãnh đạo, quản lý, theo chúng tôi, cần nâng cao nhận thức cho tập thể cấp ủy, người đứng đầu về ý nghĩa, nội dung, bản chất của nguyên tắc tập thể lãnh đạo cá nhân phụ trách, tổ chức thực hiện không tốt sẽ dẫn tới những biến dạng, lệch chuẩn trong thực hiện các chủ trương, nghị quyết cũng như trong công tác xây dựng Đảng. Cả hai thành tố này đều chế ước lẫn nhau, tạo tiền đề cho nhau. Không chỉ dừng lại ở nhận thức mà điều quan trọng là tiếp tục hoàn thiện quy chế lãnh đạo của Đảng bộ, cấp ủy, làm rõ mối quan hệ giữa các chủ thể phối hợp trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện.
Bên cạnh đó, cần xác lập quy chế lãnh đạo, làm rõ chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác và phương thức xử lý giữa tập thể lãnh đạo và người đứng đầu. Quy chế cần xác định rõ loại công việc nào tập thể cấp ủy lãnh đạo cho ý kiến, loại công việc nào người đứng đầu quyết định rồi báo cáo sau. Không làm rõ khâu này sẽ dẫn tới tình trạng hội họp nhiều, chồng lấn công việc của nhau, làm giảm tính năng động sáng tạo, dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu. Về nguyên tắc cá nhân phải phục tùng tập thể, đặt mình trong tập thể.
Do đó trong quy chế cần xác định rõ những chủ trương, công việc phải có ý kiến của tập thể cấp ủy, người đứng đầu mới triển khai tổ chức thực hiện cũng như có quy định cụ thể để người đứng đầu đưa ra những chứng kiến, lập luận có căn cứ khoa học để tập thể thảo luận cũng như theo dõi trong quá trình thực hiện.
Nêu cao tính đảng, gương mẫu, nói đi đôi với làm ở người đứng đầu. Thực tiễn đã cho thấy các tiêu cực yếu kém ở một số tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị có nhiều nguyên nhân nhưng trong đó có nguyên nhân của người đứng đầu như gia trưởng, độc đoán, tham nhũng, tha hóa về nhân cách, thiếu gương mẫu về nhận thức và hành động. Vị thế và quyền uy của người đứng đầu quan trọng ở chỗ điều hành guồng máy hoạt động thông suốt, hiệu quả, có kỷ luật kỷ cương bởi sức lan tỏa từ phẩm chất, năng lực ở họ. Bởi vậy khi người đứng đầu “nhúng chàm” thì việc tổ chức thực hiện các quyết định gặp nhiều khó khăn, thiếu sự đồng thuận ủng hộ của nhân dân và cán bộ dưới quyền, thậm chí vô hình trung tạo điều kiện cho cán bộ dưới quyền vi phạm pháp luật.
Vấn đề không kém phần quan trọng là tổ chức đảng cấp trên phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát tổ chức đảng cấp dưới và người đứng đầu để nhắc nhở, cảnh báo những hành vi vi phạm kỷ luật Đảng, đạo đức lối sống ở cán bộ, đảng viên nhất là người đứng đầu. Chấn chỉnh, giáo dục khi các dấu hiệu còn manh nha là biện pháp tốt để ổn định tổ chức bộ máy, giữ vững các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng và bảo vệ cán bộ, đảng viên.
Nguyễn Thế Tư