Kinh tế

Nông nghiệp

"Đàn dê thoát nghèo" giúp nông dân vượt khó

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Dùng nguồn quỹ đóng góp 10 ngàn đồng/người/năm để mua dê tặng cho hội viên nghèo có hoàn cảnh khó khăn là một trong những cách làm hiệu quả được Hội Nông dân xã Ia Hlốp (huyện Chư Sê, Gia Lai) triển khai thời gian qua, giúp hội viên vươn lên thoát nghèo bền vững.
Gia đình chị Rơ Lan H'Chah (làng Plong) nhiều năm liền thuộc diện hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Do thiếu vốn sản xuất, phát triển kinh tế nên gia đình chị chỉ trồng mỗi năm 2 vụ lúa nước và một số cây hoa màu, vì vậy chuyện thiếu ăn vào mùa giáp hạt thường xuyên xảy ra. Năm 2018, nhằm giúp gia đình chị có cơ hội vươn lên thoát nghèo, từ nguồn kinh phí vận động hội viên toàn xã, Hội Nông dân xã Ia Hlốp mua 2 con dê sinh sản tặng cho gia đình chị. Từ lúc nhận dê nuôi đến nay, nhờ được cán bộ Hội Nông dân xã hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, cách làm chuồng trại, lựa chọn thức ăn nên đàn dê của chị luôn khỏe mạnh và đã sinh sản lứa đầu tiên được 3 con. “Gia đình muốn phát triển mô hình nuôi dê đã lâu nhưng không có điều kiện mua dê giống. Được Hội Nông dân xã hỗ trợ 2 con dê sinh sản, gia đình tôi mừng lắm. Tôi sẽ cố gắng chăm sóc đàn dê thật tốt để dê phát triển, từ đó có tiền trang trải cuộc sống gia đình”-chị H'Chah nói. 
 Chị Rơ Lan H'Chah chăm sóc đàn dê. Ảnh: P.N
Chị Rơ Lan H'Chah chăm sóc đàn dê. Ảnh: P.N
Nói về quá trình trao dê cho hộ nghèo trong làng chăm sóc, ông Nguyễn Văn Trinh-Chi hội trưởng chi hội Nông dân làng Plong cho biết: Được sự chỉ đạo từ Ban Chấp hành Hội Nông dân xã, chi hội đã tiến hành rà soát những gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn, lập danh sách đề xuất hỗ trợ dê. Sau đó, chúng tôi tổ chức bình xét công khai, trong đó hội viên nào có hoàn cảnh khó khăn hơn thì hỗ trợ trước. Đến nay, đã có 2 hộ đặc biệt khó khăn được hỗ trợ dê. Hiện đàn dê được các gia đình chăm sóc tốt và sinh sản được 2 lứa.
Tương tự, hộ anh Nguyễn Nhi Khoa (thôn 3) cũng được Hội Nông dân xã Ia Hlốp hỗ trợ 2 con dê sinh sản. Sau khi nhận dê, tận dụng chuồng trại có sẵn, anh mua thêm gỗ, tôn và tiến hành sửa sang lại cho rộng rãi thoáng mát để chăn nuôi. Từ số dê lúc đầu là 2 con thì nay qua một năm đàn dê đã sinh sản thêm được 3 con. “Qua tìm hiểu, tôi thấy dê là động vật ăn tạp, sức đề kháng cao, ít bị bệnh, thức ăn chủ yếu là cây cỏ, củ quả sản phẩm nông nghiệp sẵn có nên đầu tư ít tốn kém như các mô hình chăn nuôi khác. Ngoài ra, nguồn phân dê có thể dùng để bón cho cây trồng. Dê con sau 6 tháng có thể xuất chuồng. Thời gian tới, tôi sẽ nhân rộng mô hình để giúp gia đình có thêm nguồn thu nhập. Theo tôi, đây là mô hình hay cần nhân rộng ra toàn xã để giúp bà con phát triển kinh tế”-anh Khoa chia sẻ.
Đến nay, mô hình “Đàn dê thoát nghèo” đã được Hội Nông dân xã Ia Hlốp triển khai được 3 năm. Đây là chương trình xoay vòng, dê được trao cho hội viên, sau khi sinh lứa thứ 2 thì sẽ hoàn lại dê mẹ và 1 con dê đầu đàn cho Hội Nông dân để tiếp tục trao cho các hội viên có hoàn cảnh khó khăn khác. Từ những thành công ban đầu có thể thấy mô hình “Đàn dê thoát nghèo” của Hội Nông dân xã Ia Hlốp đã phát huy hiệu quả, giúp hội viên tăng thu nhập để thoát nghèo, đồng thời góp phần làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Ông Kpă Sức-Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Hlốp cho biết: “Thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo, Hội Nông dân xã đã tổ chức nhiều mô hình giúp hộ nông dân sản xuất như: trồng chanh dây, cánh đồng mẫu lớn…, trong đó có mô hình chăn nuôi dê. Hội đã vận động mỗi hội viên 10 ngàn đồng để góp tiền mua dê. Từ năm 2017 đến nay, Hội đã tặng được 4 đàn dê (mỗi đàn 2 con) cho các hộ hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Đến nay đã có 2 đàn sinh sản và xoay vòng, nâng tổng số lên 6 đàn. Đây là một trong những mô hình khá hiệu quả, giúp cho hội viên nghèo có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Thời gian tới, Hội tiếp tục vận động để giúp cho nhiều hội viên khác”.
 PHẠM NGỌC

Có thể bạn quan tâm