Kinh tế

Nông nghiệp

Dân đổ xô trồng đinh lăng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nếu như hơn 3 năm trước, loại cây này còn xa lạ với người dân trên địa bàn tỉnh ta khi chỉ được trồng hạn chế để sử dụng, thì nay do nhu cầu sử dụng tăng nên khiến nhiều nông dân đổ xô trồng loại cây này. Người dân trồng khắp nơi, từ trồng xen trong vườn, sân nhà thậm chí phá cà phê để trồng đinh lăng. Việc người dân trên địa bàn ồ ạt trồng cây đinh lăng trong những năm trở lại đây tiềm ẩn nhiều rủi ro, bởi loại cây này còn mới, chưa được tỉnh quy hoạch phát triển, trong khi đầu ra vẫn còn là một ẩn số.

Đổ xô trồng đinh lăng

Theo Hội Đông y tỉnh Giai Lai, cây đinh lăng là loại cây này có tác dụng bổ khí, có thể dùng được cả rễ, thân và lá. Lá đinh lăng có thể ăn sống hoặc làm gối ngủ cho trẻ em ngon giấc hơn. Trước đây, cây đinh lăng chỉ được ít hộ dân trồng xen trong các hàng rào để làm cảnh, hoặc lấy củ ngâm rượu uống.

 

Vườn đinh lăng được trồng xen trong vườn chanh dây của chị Tuyến. Ảnh: Q.T
Vườn đinh lăng được trồng xen trong vườn chanh dây của chị Tuyến. Ảnh: Q.T

Trong những năm trở lại đây, nhận thấy lợi ích cũng như hiệu quả kinh tế của loại cây này, người dân trên địa bàn tỉnh bắt đầu trồng khá nhiều, ở khắp mọi nơi, thậm chí chuyển đổi từ những diện tích trồng rau màu, cà phê…

Vườn đinh lăng hơn một năm tuổi của chị Đỗ Thị Tuyết (thôn 4, xã Ia Krái, huyện Ia Grai) được chuyển đổi từ 5 sào cà phê đang sinh trưởng và phát triển khá tốt. Theo chị Tuyết, tổng mức đầu tư từ khi trồng đến nay mà chị bỏ ra là khoảng 40 triệu đồng, gồm 10 ngàn cây giống và phân bón, chưa tính công chăm sóc.  “Qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi thấy đây là loại cây có giá trị cao, lại đang khát hàng cộng với việc giá cà phê những năm trở lại đây khá bấp bênh nên tôi đánh liều trồng thử. Dự định sang năm gia đình tôi tiếp tục trồng thêm 3 ha đinh lăng (1,5 ha đất trống, 1,5 phá từ vườn cà phê)”-chị Tuyết nói.

Mặc dù, khá mạnh tay trong việc phá cà phê để chuyển sang trồng đinh lăng nhưng theo chị Tuyết cho biết thêm thì hiện tại chị chưa ký hợp đồng bán cho đơn vị thu mua nào. “Tôi không ký hợp đồng với đơn vị thu mua nào, đến thời điểm thu hoạch chỗ nào có giá cao hơn thì bán thôi”-chị Tuyết cho biết thêm.

Tương tự, anh Nguyễn Văn Sông (thôn 4, xã Ia Krái, huyện Ia Grai) cũng đã phá hơn 5 sào cà phê để chuyển sang trồng đinh lăng. Hiện gia đình anh Sông đang sở hữu khoảng hơn 11 ngàn cây đinh lăng (tương đương khoảng 8 sào) đã 2 năm tuổi. Anh Sông cho biết: “Hồi trước mình có đi buôn đinh lăng bán cho các thương lái. Dù mua giá cao từ hàng triệu đồng/một cây nhưng hàng trong dân không có. Thấy đinh lăng sốt hàng, mình mới mạnh dạn phá cà phê để trồng. Hiện mình chưa ký hợp đồng bán đinh lăng cho ai. Mình dự tính sau này thu hoạch thì 1 trong các thị trường mình nhắm suất bán là sang Trung Quốc”.

Không chỉ người dân ở xã Ia Krái, mà người dân các địa phương trên địa bàn huyện Ia Grai, huyện Chư Sê, TP. Pleiku… cũng đang đổ xô chặt cà phê để trồng đinh lăng, trồng xen canh hay trồng ở bất cứ khu đất trống nào của mình. Ông Đào Lân Hưng-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Grai, cho biết, tất cả các xã trên địa bàn đều trồng đinh lăng nhưng diện tích bao nhiêu thì Phòng chưa nắm rõ. Còn lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê cũng cho biết, hầu hết các xã đều có trồng nhưng không rõ diện tích trồng cụ thể.

 

Anh Sông phá 5 sào cà phê để trồng đinh lăng. Ảnh: Q.T
Anh Sông phá 5 sào cà phê để trồng đinh lăng. Ảnh: Q.T

Nhiều nỗi lo…

Cây đinh lăng là cây trồng mới. Nhiều vùng chưa có quy hoạch trồng. Vì thế, việc phát triển loại cây này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê, cho biết, địa phương chưa có chủ trương trồng cây đinh lăng. Chủ yếu do người dân họ trồng tự phát. Ở huyện cũng không thấy công ty hay doanh nghiệp này đăng ký thu mua loại cây này cả. Cùng với đầu ra, giá cả cũng là một ẩn số nếu nguồn cung loại cây này ngày một dồi dào. Điều này dẫn đến rủi ro rất cao cho người dân nếu tiếp tục ồ ạt trồng như hiện nay.

Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Grai-ông Đào Lân Hưng cũng thừa nhận, cây đinh lăng không nằm trong quy hoạch của địa phương. Người dân có bán thì phải nhập ra Bắc. Theo ông Hưng, những năm trước, cũng có 1 doanh nghiệp thuê đất trồng mấy ha đinh lăng ở xã Ia Drăng (huyện Ia Grai) nhưng cây đinh lăng phát triển kém, sau đó bỏ.

“Phòng chưa đi kiểm tra đánh giá về sự phát triển của cây đinh lăng. Tôi nghĩ rằng chưa nên mở rộng trồng cây đinh lăng mà cần có sự đánh giá về loại cây này. Nếu trồng đinh lăng rồi mà không phù hợp với vùng đất, làm chất lượng củ kém, lại không tìm được đầu ra thì dân mình chết. Do đó, người dân cần thận trọng, trồng ở mức độ vừa phải”-ông Đào Lân Hưng nói.

Tiến sĩ Trần Vinh-Phó Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên, cho biết, cây đinh lăng vốn là cây dược liệu. Mà cây dược liệu thì không phải vùng đất nào cũng trồng được. Có chỗ trồng được nhưng hoạt chất tốt hay không thì do vùng đất, khí hậu, nhiệt độ... quyết định, hình thành nên sản phẩm dược liệu đó. Chúng ta trồng không đúng hệ sinh thái thì nếu cơ sở thu mua họ mua theo chất lượng trên cơ sở phân tích hàm lượng hoạt chất của dược liệu mà sản phẩm của anh trồng không đạt chuẩn thì sẽ không mua.
    
“Tôi cho rằng người dân không nên đổ xô hay ồ ạt trồng đinh lăng. Càng không chặt các loại cây như cà phê để trồng đinh lăng... Trồng phải có mục đích, đầu ra, cũng như định hướng”-Tiến sĩ Trần Vinh nói thêm.

Quang Tấn

Có thể bạn quan tâm