Dân làng Krun góp sức làm đường giao thông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- 5 năm qua, nhờ sự chung sức đồng lòng của người dân, nhiều tuyến đường giao thông ở thôn Krun (xã Hneng, huyện Đak Đoa, Gia Lai) đã được bê tông hóa. Những con đường này không chỉ mang đến diện mạo mới cho thôn mà còn giúp người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận tiện. 
Sau 4 cuộc họp, đầu tháng 10 này, người dân thôn Krun đã thống nhất được mức đóng góp của từng hộ để làm đường giao thông nội thôn. Ngay sau đó, già làng Hmơk tiếp tục phát động bà con phát quang cây cối, mở rộng mặt bằng để làm đường. Ông cùng với Trưởng thôn A Ngươi phân chia các hộ trong thôn thành 11 tổ, mỗi tổ 15-16 gia đình, chỉ trừ trẻ con, người già yếu sức, còn lại đều phải xắn tay áo vào làm mỗi người mỗi việc. Con đường đất dài 1.800 m vốn chỉ rộng chưa tới 3 m nhanh chóng được mở rộng ra gấp đôi, ổ voi, ổ gà được san lấp. Cây cối, trụ xi măng, tường rào cũng được tháo dỡ gọn gàng. Đặc biệt, gần 30 hộ dân dọc tuyến đường này đã tự nguyện hiến một phần đất để mở rộng tuyến đường.
Nhiều hộ dân ở thôn Krun tự nguyện hiến đất, đóng góp sức người, sức của làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: N.B
Già làng Hmơk cho biết, đây là con đường xương sống của thôn. Người dân đi làm, vận chuyển nông sản, trẻ em tới trường… đều qua con đường này. Nhưng trước đây, đường chỉ rộng chưa tới 3 m, mùa mưa thì lầy lội rất khó đi lại. Mặc dù thôn chỉ cách trung tâm huyện chưa tới 2 km nhưng do đường sá khó khăn nên vào được thôn cứ như về vùng sâu, vùng xa. “Chủ trương làm đường giao thông nông thôn từ lâu đã được chính quyền phổ biến, vận động người dân. Trước đó, năm 2004, thôn đã bê tông hóa được 2 con đường theo hình thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, một đường có chiều dài 1,6 km, một đường 600 m. Nhà nước hỗ trợ một phần nhưng dân vẫn phải đóng góp khá nhiều. Dù tốn kém sức người sức của nhưng thôn quyết tâm bê tông hóa toàn bộ đường nội bộ để tạo thuận lợi cho bà con đi lại, làm ăn. Năm nay, khi làm tiếp tuyến đường này, thôn được Nhà nước hỗ trợ xi măng và một phần kinh phí, nhưng người dân vẫn phải đóng góp trên 500 triệu đồng nữa. Mình tổ chức họp thôn nhiều lần mới đi đến thống nhất. Làm đường cho mình, rồi đến đời con cháu mình đi nên ai cũng phấn khởi cả”-già làng Hmơk cho hay.
Con đường đi qua nhiều vườn cây của các hộ gia đình, trong đó có gia đình anh Hưi. Không chỉ hiến hơn 100 m2 đất, anh Hưi còn phải chặt hạ 30 cây cao su đang kinh doanh để giúp mở rộng đường. Cùng với một số thanh niên trong thôn cưa hạ số cây cao su này, nhìn dòng nhựa trắng chảy trên nền đất đỏ, anh có chút tiếc nuối. Anh nói: “Cao su này đang kinh doanh, mỗi ngày cạo 30 cây cũng được hơn 10 kg mủ. Dù giá mủ đang giảm nhưng mỗi cây cao su cũng cho thu 200 ngàn đồng/mùa cạo. Dù vậy, mình không thể vì lợi ích trước mắt mà gây khó khăn trong việc làm đường đi lại cho hơn 100 hộ dân trong thôn. Nếu làm xong đường này thì việc vận chuyển nông sản của gia đình mình và nhiều hộ dân sẽ thuận lợi hơn nhiều”. Không chỉ chặt cây, hiến đất, gia đình anh Hưi còn đóng góp gần 12 triệu đồng để chung sức với cả thôn làm đường.
Trưởng thôn A Ngươi có lẽ là người vất vả nhiều hơn cả trong những lần làm đường bởi đủ thứ việc không tên. Anh chia sẻ: “Đời sống của bà con còn nhiều khó khăn nên việc đóng góp tiền làm đường cũng không thể nói là có ngay, phải thu làm nhiều đợt. Có những gia đình dựa trên số nhân khẩu phải đóng tới 18 triệu đồng. Thôn phải thu rải ra để bà con hoàn thành nghĩa vụ đóng góp. Điều mình tự hào là người dân ai cũng ủng hộ chủ trương chung, đoàn kết, cùng góp sức xây dựng nông thôn mới”.
 NGUYÊN BÌNH

Có thể bạn quan tâm