Trong khi các bên liên quan còn tranh cãi về "thủ phạm" gây thiệt hại cho dân sau khi thủy điện xả lũ, thì đã mất gần 2 năm qua, người dân ở xã Đăk Psi, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum vẫn chưa nhận được đồng bồi thường thiệt hại nào. Việc tích xả nước không theo đúng quy trình đã đẩy nhiều người nông dân lâm vào cảnh khó khăn khi mất phương kế mưu sinh. Không thể để người dân "mắc kẹt" nhiều năm, chờ phân giải đúng - sai của các bên liên quan trong việc xả lũ thủy điện.
Chị Y Nao bên vườn cà phê khô héo do đất bị cát vùi lấp. Ảnh: T.T |
Dòng Đăk Psi giận dữ nhấn chìm “bờ xôi ruộng mật”
Căn nhà của chị Y Nao (26 tuổi, trú thôn 3, xã Đăk Psi) trống hoác, không có đồ vật gì lấy làm giá trị. Người chồng mới cưới của chị đã bỏ vào miền Nam làm thuê kể từ khi thủy điện liên tục xả lũ vào cuối năm ngoái. Hơn 1ha cà phê là nguồn sinh kế duy nhất của gia đình chị Y Nao bị đất vùi, cát lấp. “Vườn cà phê, vườn sắn bị nước lũ nhấn chìm, cát lấp cao mấy thước còn cây cối gì sống được. Người dân biết làm gì để sống, phải bỏ nhà đi Nam thôi” - chị Y Nao nghẹn ngào.
Nhiều năm trước, vùng đất dọc theo dòng sông Đăk Psi ở thượng nguồn Kon Tum trù phú, yên bình. Sau năm 1975, người dân ở khắp các tỉnh miền Trung, miền Bắc chọn Đăk Psi làm điểm dừng chân để sinh cơ lập nghiệp trong phong trào kinh tế mới ở miền núi. Nhưng bây giờ, khi hàng loạt thủy điện liên tục được xây dựng lên dọc theo dòng Đăk Psi thì sông gây xói lở, mở rộng và “ăn” dần vào đôi bờ, cuốn trôi đất đai.
Gắn bó với mảnh đất Đăk Psi hơn 20 năm, chị Nguyễn Thị Nam (57 tuổi, trú thôn 3, xã Đăk Psi) cho hay, chưa khi nào cảm thấy bất an như khi bước chân vào mùa mưa lũ. Bởi chỉ cần vài trận mưa lớn đã thấy dòng Đăk Psi nước đục ngầu cuồn cuộn đổ về xuôi, quét qua thôn làng, nương rẫy của dân. Trận mưa lũ năm 2020 cộng với thủy điện dồn dập xả lũ khiến một phần căn nhà của chị bị sập đổ, hoa màu ngả rạp, đổ nát. Cây cầu sắt duy nhất bắc qua sông cũng trôi.
Bây giờ, chị Nam cùng nhiều nông dân khác ở Đăk Psi đang đi trên một cồn cát nắng chói chang, mà chỉ 2 năm trước đó là mảnh đất màu mỡ thu hái cà phê. Trong lòng họ dâng lên nỗi buồn vì mất đất, mất đi nguồn thu nhập chính nuôi gia đình, con cái đi học đại học. “Cồn cát này vốn là đất trồng cà phê với hơn 1.200 cây của gia đình, tính ra mỗi năm cho thu hoạch cũng 70-80 triệu đồng. Mùa mưa, lũ về liên tục, mùa khô thì thiếu nước nên bồi lấp thành cồn cát, cát nóng cháy bỏng biết trồng cây gì sống được trên đó. Người dân ở đây có câu: “Đức Nhân, Đức Bảo, Đức Thành (tên ba công ty thủy điện), cả ba Đức ấy làm tan tành Đăk Psi” như là cách nói lên nỗi niềm bức xúc, phẫn uất trong lòng” - chị Nam than thở.
Đúng quy trình mà nhà cửa, ruộng vườn trôi về xuôi
Theo ông Phan Văn Học - Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Psi, huyện Đăk Hà - đời sống người dân xã Đăk Psi còn nhiều khó khăn, vì chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. Theo kiểm đếm của xã, có ít nhất 62 hộ dân bị ảnh hưởng do thủy điện tích xả nước gây ngập lụt.
Việc thủy điện tích xả nước gây thiệt hại cho nông nghiệp diễn ra trước đó, kể từ cơn bão số 9 năm 2020 và mùa mưa lũ gần cuối năm 2021. Hiện tại, thủy điện mới chỉ bồi thường cho 8 hộ dân sống dưới cao trình vùng lòng hồ, hàng chục hộ dân còn lại hiện vẫn chưa nhận được tiền bồi thường.
Ông Nguyễn Hữu Sơn - Trưởng thôn 3, xã Đăk Psi - cho biết: “Người dân kiến nghị, đơn thư nhiều lần rồi mà vẫn chưa giải quyết được gì khiến ai cũng thất vọng, có ý định bỏ cuộc. Mỗi lần họp dân tại nhà rông với sự có mặt của chính quyền địa phương, các chủ đầu tư thủy điện cứ đổ lỗi cho nhau và họ hứa, hứa hết lần này đến lần khác. Rồi không ông nào chịu chấp nhận mình làm sai, khăng khăng nói mình xả lũ theo đúng quy trình.
Đúng quy trình mà sập cầu cống, nhà cửa, ruộng vườn của dân trôi ra bể. Chúng tôi không cần biết ai đúng ai sai, mà chỉ cần các chủ thủy điện nằm trên hệ thống sông Đăk Psi, đang hằng ngày thu lợi nhuận từ nước Đăk Psi, phải có phần trách nhiệm trong việc bồi thường thiệt hại cho dân”.
Theo Thanh Tuấn (LĐO)