Kinh tế

Giá cả thị trường

Đăng ký điện gió ngoài khơi gấp gần 26 lần dự thảo, ai sẽ được chọn?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bộ Công Thương đã nhận được đề nghị làm các dự án điện gió ngoài khơi công suất lên tới 129.000MW, cao gấp 26 lần dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới 2045.

 Lắp đặt cánh quạt trụ điện tại Dự án điện gió Đông Hải 1 (huyện Đông Hải). (Ảnh: Chanh Đa/TTXVN)
Lắp đặt cánh quạt trụ điện tại Dự án điện gió Đông Hải 1 (huyện Đông Hải). (Ảnh: Chanh Đa/TTXVN)



Mới đây, tại Hội thảo Phát triển điện gió ngoài khơi vì tương lai năng lượng sạch của Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết Việt Nam được đánh giá là có nhiều tiềm năng điện gió ngoài khơi, vận tốc gió ở độ cao 100m đạt khoảng 9-10m/s và khu vực tiềm năng nhất là miền nam Trung bộ.

Cũng bởi tiềm năng này, Bộ Công Thương đã nhận được đề nghị làm các dự án điện gió ngoài khơicông suất lên tới  129.000MW.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương đang hoàn thiện dự thảo Đề án Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch điện VIII); trong đó dự kiến sẽ phát triển 5.000 MW điện gió ngoài khơi vào năm 2030 và nâng lên 40.000 MW vào năm 2045. Nếu điều kiện cho phép thì có thể tăng trưởng sớm hơn.

Như vậy, trong số 129.000 MW, cao gần 26 lần so với dự thảo quy hoạch mà các đơn vị đăng ký làm điện gió ngoài khơi, sẽ chỉ có 5.000 MW được chọn theo như dự thảo. Cơ chế và tiêu chuẩn nào để lựa chọn nhà đầu tư cho “miếng bánh” nhỏ này?

Chiều 8/1, theo chia sẻ của Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương – ông Nguyễn Tuấn Anh, dự thảo Quy hoạch Điện VIII đang trong quá trình hiệu chỉnh để hoàn thiện, Bộ Công Thương cũng nghiên cứu song song cơ chế lựa chọn nhà đầu tư, để thực hiện các dự án điện gió ngoài khơi. Đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có cơ chế cụ thể để phân chia việc này.

 "Đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư hay lựa chọn thế nào cần phải nghiên cứu rất kỹ lưỡng. Bởi, điện gió ngoài khơi là vấn đề mới mẻ, cần phải xây dựng cơ chế phù hợp, chính sách hay hạ tầng phải đáp ứng được mục tiêu đủ điện cho người dân với chi phí hợp lý" - ông Tuấn Anh nêu.

Tại buổi trao đổi với báo chí với chủ đề Hệ thống truyền tải điện, Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia trong bối cảnh các cam kết của Việt Nam tại COP 26 do Hội đồng năng lượng gió toàn cầu (GWEC) tổ chức mới đây, ông Soren Ranneries - Giám đốc cấp cao, Kỹ sư trưởng, Tập đoàn COP cho hay, việc lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện các dự án điện gió ngoài khơi cần được xem xét dựa trên kinh nghiệm thực hiện các dự án tương tự của nhà đầu tư ở các thị trường khác; kế hoạch về chuỗi cung ứng cho dự án; chứng minh về năng lực tài chính của nhà đầu tư.


 

Lắp đặt trụ điện gió Dự án điện gió Đông Hải 1, Trà Vinh. (Ảnh: Phúc Sơn/TTXVN)
Lắp đặt trụ điện gió Dự án điện gió Đông Hải 1, Trà Vinh. (Ảnh: Phúc Sơn/TTXVN)


"Đây là những yếu tố quan trọng mà Việt Nam nên tham khảo,"- ông Soren Ranneries nói. Đồng thời ông cho biết, ở Anh, nhà phát triển nếu muốn thực hiện dự án cần đưa ra các cam kết về chi phí.

Ở Đan Mạch, nhà đầu tư cần đưa ra những cam kết nhất định về việc phát triển dự án và hoàn thành dự án đúng hạn. "Tôi không chắc 100% phương án nào thích hợp cho Việt Nam, nhưng có khá nhiều phương án trên thị trường," ông Soren Ranneries chia sẻ.

Theo ông Sean Huang - Quản lý Phát triển của Copenhagen Offshore Partners, đơn vị đang phát triển dự án điện gió La Gàn dẫn kinh nghiệm từ thị trường Đài Loan (Trung Quốc), nơi mà ông đã từng làm việc, thì quy trình lựa chọn nhà đầu tư được thực hiện theo các bước: Nhà đầu tư phải thực hiện việc khảo sát, đánh giá tác động môi trường, chứng minh năng lực và kinh nghiệm thực hiện dự án và đưa ra các cam kết cụ thể về dự án đó.

Ngoài ra, cần yêu cầu mở văn phòng đại diện, thực hiện các nghiên cứu ảnh hưởng của dự án đến hệ thống truyền tải, xin giấy phép từ nhiều cơ quan bộ, ban, ngành. Trong quá trình xin cấp phép cần chứng minh được năng lực tài chính và kinh nghiệm thực hiện dự án. Điều này được thể hiện bằng các hợp đồng hoặc biên bản ghi nhớ.

Còn theo ông Mark Hutchinson - Chủ tịch Nhóm công tác khu vực Đông Nam Á (Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu), Việt Nam là nước có tiềm năng năng lượng gió khi tốc độ gió trung bình hằng năm lớn hơn 6m/s ở độ cao 65m, tương đương công suất khoảng 512 GW.

"Theo tính toán của GWEC, Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển thị trường điện gió ngoài khơi với quy mô 5 - 10 GW vào năm 2030, giúp tạo ra tổng giá trị gia tăng hơn 60 tỷ USD cho nền kinh tế," ông Mark Hutchinson khẳng định.

Thêm vào đó, các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch thường có tuổi thọ từ 25-30 năm. Đến năm 2050, gần như tất cả các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch ở Việt Nam phải được thay thế. Vậy tại sao chúng ta không thay thế bằng năng lượng tái tạo?," ông Mark Hutchinson đặt vấn đề.

Chính phủ Việt Nam đã đưa ra cam kết giảm phát thải bằng 0 vào năm 2050. Việc thực hiện cam kết này là hoàn toàn khả thi nhưng cần sự nỗ lực đáng kể của các cấp, ngành và doanh nghiệp, xã hội.

Cụ thể, ông Mark Hutchinson cho rằng, ngoài việc có các cơ chế ưu đãi cho điện gió như cơ chế khuyến khích thông qua bù giá (FIT), tinh giản quy trình cấp phép, thì việc đánh giá tích hợp lưới điện và đưa ra giải pháp phù hợp là rất cần thiết. Có nhiều kinh nghiệm từ các cường quốc năng lượng tái tạo trên thế giới, nhiều cách thức tích hợp năng lượng tái tạo với tỷ lệ cao hơn mà Việt Nam có thể tham khảo.

Đây không phải vấn đề lớn và Việt Nam có thể làm tốt thông qua việc tăng cường linh hoạt lưới điện, cải thiện dự báo về gió và mặt trời, cải tiến pin, công nghệ khí linh hoạt và quản lý nhu cầu điện...,” ông Mark Hutchinson nói.

Theo Đức Dũng (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm