Từ chỗ khủng hoảng trầm trọng, giá lợn hơi xuất chuồng những ngày qua tăng chóng mặt, có thời điểm đã chạm ngưỡng 55.000-57.000 đồng/kg, được xếp vào mức cao nhất trong khu vực.
Điều đáng nói, mức tăng này không phải là tín hiệu lạc quan với ngành chăn nuôi khi chính Bộ NN&PTNT nhận định, giá thịt lợn hơi xuất chuồng hiện nay tăng quá cao và diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến chỉ số tiêu dùng (CPI). Đồng thời tiềm ẩn nguy cơ phá vỡ các cân đối của ngành hàng thịt lợn trong thời gian tới.
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn internet |
Suốt hơn một năm qua, ngành chăn nuôi lợn đối mặt với quá nhiều khó khăn, đặc biệt là cơn sốc khủng hoảng giá lợn hồi giữa năm 2017 khi mỗi cân thịt lợn hơi rớt thảm hại, chỉ bằng… 3 - 4 cốc trà đá. Các bộ, ngành, địa phương lúc bấy giờ phải hối hả vào cuộc kêu gọi toàn xã hội tham gia “giải cứu” thịt lợn. Với sự nỗ lực của các ngành, địa phương, hơn 3 tháng trở lại đây, giá lợn mới bước vào đà hồi phục. Tuy nhiên, mức tăng đột biến như hiện nay được nhận định là khá “bất thường”
Nói bất thường là bởi, thống kê cho thấy, nguồn cung lợn thịt sản xuất trong nước có giảm so với cùng kỳ năm 2017, nhưng số lượng không lớn. Cụ thể, sản lượng thịt lợn giảm khoảng 1,2% trong quý I/2018, sang đến quý II đã phục hồi tăng khoảng 0,4% và dự kiến tăng 1,5 - 2% vào quý III và quý IV. Đáng nói, trong khi giá thịt lợn trong nước ở mức cao thì giá thịt lợn nhập khẩu lại đang ở mức thấp. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, giá lợn nhập khẩu bình quân trong 6 tháng đầu năm 2018 chỉ khoảng 40.000 đồng/kg.
Nhận định về giá lợn hơi trong nước hiện đang thuộc nhóm cao trong khu vực, Bộ NN&PTNT cho rằng, nguyên nhân hoàn toàn do thị trường trong nước và người chăn nuôi chi phối. Theo đó, giá lợn hơi hiện tăng cao hơn ở các khu vực nông thôn, chợ cóc, khu vực giết mổ nhỏ lẻ. Nguyên nhân là do thợ mổ ở khu vực này không có điều kiện tiếp cận được những cơ sở chăn nuôi trong trại, DN lớn nên càng làm cho giá lợn thịt cục bộ ở nhiều nơi tăng cao. Từ đó gây lan toả tâm lý thị trường đang thiếu nguồn cung lợn thịt và kéo giá thịt lợn cả nước lên cao.
Còn nhớ, thời điểm tháng 4/2018, khi lợn hơi có dấu hiệu tăng trở lại, cán mốc 40.000 đồng/kg, Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) đã nhận định, đó là kết quả của giải pháp cân đối cung cầu mặt hàng thịt lợn mà Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo, khuyến cáo các địa phương kiểm soát giảm đàn lợn nái. Tuy nhiên, có những thời điểm tăng nhanh bất thường (mỗi ngày tăng 2.000 đồng/kg) là do người chăn nuôi găm hàng, tạo hiệu ứng “khan hiếm giả” nguồn cung. Những động thái này, nếu không có giải pháp điều tiết đúng sẽ gây thêm rủi ro cho ngành chăn nuôi.
Thế nhưng, sau 4 tháng, đến nay, điệp khúc tăng giá phi mã lại lặp lại. Rõ ràng, vai trò quản lý, điều tiết, định hướng của các bộ, ngành, cơ quan liên quan là rất yếu. Thậm chí, nhiều đơn vị quản lý chuyên ngành, địa phương không có được số liệu thống kê chính xác quy mô đàn lợn, sản lượng thịt lợn trong từng tháng. Do đó, không có biện pháp can thiệp kịp thời để bình ổn thị trường.
Rõ ràng, chỉ trong vòng hơn một năm, giá lợn từ chạm đáy đã lên đỉnh, cao nhất khu vực cho thấy sự bất ổn của ngành chăn nuôi Việt Nam. Dù mới đây, Bộ NN&PTNT đã kịp thời có công văn hỏa tốc đề nghị các địa phương vào cuộc ổn định sản xuất, bình ổn thị trường, song dư luận vẫn cho rằng như vậy vẫn chưa phải là đủ. Hơn bao giờ hết, cả ngành NN&PTNT và Công Thương cần phải làm tốt hơn vai trò điều tiết từ sản xuất đến thị trường, đặc biệt là thông tin minh bạch về tình hình thực tế, không chỉ riêng với sản phẩm thịt lợn mà nhiều nông sản, thực phẩm khác. Có như vậy, sản xuất nông nghiệp mới thực sự bền vững và hiệu quả.
Thắng Văn (Kinhtedothi)