Bạn đọc

Đằng sau họp lớp, hội khóa...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Họp lớp, hội khóa là dịp để các thế hệ học trò ôn lại những kỷ niệm đẹp tuổi hoa niên, cùng chia sẻ cuộc sống hiện tại, tạo sự kết nối, gắn bó sau nhiều năm xa cách. Mỗi dịp hè về, Tết đến, các diễn đàn, hội nhóm trên mạng xã hội lại đăng tải các status kêu gọi, hẹn gặp nhau trong các buổi hội khóa, họp lớp.

Gọi họp lớp, hội khóa là ngày hội cũng không sai bởi đời người được bao nhiêu lần 10 năm, 20 năm, thậm chí 30 năm. Trở về mái trường xưa, tạm gác lại gánh nặng cuộc sống thường nhật để được là những cô cậu học trò trong vòng tay thầy cô, bạn bè một thuở trong rộn ràng niềm vui chính là lúc mọi người được nhìn lại chính mình với những hoài bão, ước mơ tuổi thanh xuân. Ngày hội giúp chúng ta trân quý những kỷ niệm, trân trọng hơn cuộc sống hiện tại và nỗ lực hơn nữa cho tương lai. Với ý nghĩa đó, nhiều buổi họp lớp, hội khóa được tổ chức ấm cúng, để lại những cảm xúc đẹp trong lòng những người tham dự. Ở đó, những câu chuyện xúc động với thầy cô được nhắc nhớ, tình cảm bạn bè được bồi đắp. Ánh mắt những “người đưa đò” lấp lánh niềm tự hào khi thấy lứa học trò năm xưa nay đã trưởng thành. Những cô cậu học trò cũng không giấu được niềm rưng rưng xúc động khi thấy tóc cô thầy đã điểm bạc, khuôn mặt hằn vết chân chim… Những cái nắm tay rất chặt, lời thăm hỏi ân cần, sự sẻ chia chân thành sau nhiều năm xa cách của bạn bè, thầy cô sẽ là hình ảnh đẹp của một buổi hội khóa hay họp lớp.

Dù vậy, việc hội khóa, họp lớp đôi khi cũng gây ra những phiền phức không đáng có. Trước tiên phải kể đến khâu tập hợp các thành viên, thu quỹ, lên chương trình. Đây là một quá trình mất khá nhiều thời gian và công sức của những người trong ban tổ chức mà nếu không khéo léo cũng dễ khiến buổi gặp mặt thất bại. Đáng nói, sau nhiều năm chia xa, mỗi người mỗi ngả nên việc liên kết, tìm được thời gian phù hợp để tất cả cùng tập trung đông đủ là vấn đề khá nan giải. Vì thế, có những buổi họp lớp dù được lên kế hoạch kỹ lưỡng, đến ngày đi cũng chỉ có vài người, còn lại báo vắng. Cuối cùng, buổi họp lớp lại trở thành buổi họp nhóm, không để lại nhiều ấn tượng cho người tham dự. Thậm chí, tham gia hay không tham gia họp lớp cũng dẫn đến sự việc đau lòng. Đơn cử như vào tháng 2-2022, lớp cũ của anh Phan Xuân Hảo (SN 1994) và Bùi Thái Hà (SN 1995, cùng trú tại phường Tây Sơn, thị xã An Khê) tổ chức họp nhưng anh Hảo không tham gia. Thấy vậy, anh Hà nhắn tin trách mắng dẫn đến hai bên xảy ra mâu thuẫn, hẹn nhau tại khu vực đường Hoàng Văn Thụ (đoạn thuộc tổ 6, phường Tây Sơn, thị xã An Khê) để đánh nhau. Hà kể lại sự việc cho anh họ là Bùi Đức Phương (SN 1994). Phương gọi điện cho Hảo và 2 người tiếp tục thách thức đánh nhau. Ngay sau đó, Hảo cầm 1 con dao, 1 ống tuýp sắt đến điểm hẹn. Trên đường đi, Hảo rủ thêm Nguyễn Chí Bình và Phạm Thái Sơn đi cùng. Cuộc ẩu đả khiến Phương bị tổn hại 17% sức khỏe. Vừa qua, Tòa án nhân dân tỉnh đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên phạt Hảo 12 năm tù, Bình 9 năm tù và Sơn 6 năm tù cùng về tội “Giết người”.

Hiện nay, hầu hết chúng ta đều trải qua các bậc học từ tiểu học, THCS, THPT đến đại học, cao học, đại học tại chức, văn bằng 2... Sau khi đi làm, nhất là ở các cơ quan nhà nước, mọi người được tạo điều kiện học thêm các lớp trung cấp, cao cấp lý luận chính trị, lớp quản lý nhà nước, chuyên viên, chuyên viên cao cấp… Và bao nhiêu lớp học cũng là từng ấy lần họp lớp, hội khóa. “Bội thực” họp lớp là tình trạng thực tế đang diễn ra. Lớp này vừa xong thì lớp khác lại gọi. Đáng nói, tổ chức ồ ạt, tham dự liên tục khiến chính người trong cuộc không còn thấy hứng thú, không cảm nhận được ý nghĩa vốn có của buổi họp lớp. Ngoài ra, việc tổ chức rập khuôn theo kiểu tập trung ăn uống, nhậu nhẹt rồi kéo nhau vào quán hát karaoke, sau đó ai về nhà nấy cũng gây nhàm chán. Cùng với đó, không ít trường hợp “tan cửa nát nhà” sau mỗi buổi họp lớp vì gặp và “rung động” với “người cũ”. Thói khoe khoang, thể hiện mức độ giàu có của một bộ phận cựu học sinh, sinh viên cũng khiến nhiều người khác mặc cảm, tự ti khiến họ dần e dè, ngại ngùng tới các buổi họp lớp, hội khóa.

Việc họp lớp, hội khóa không nên bị “lạm dụng” mà cần được tổ chức bài bản, nghiêm túc. Hãy để các buổi gặp mặt trở thành những ngày hội chung thực sự, khi danh vọng, tiền tài, chức tước cũng như những nỗi lo “cơm áo” được bỏ lại phía ngoài cổng trường để bên trong chỉ còn lại vẹn nguyên “tình thầy, nghĩa bạn”.

Có thể bạn quan tâm