(GLO)- Thời điểm này, người dân xã Chư A Thai (huyện Phú Thiện, Gia Lai) bắt đầu xuống giống khoai lang Nhật. Do chưa có đầu ra đảm bảo nên với nông dân nơi đây, trồng khoai lang Nhật giống như một canh bạc “được ăn cả ngã về không”.
Vừa làm xong lúa vụ 2, ông Đỗ Văn Lời-Trưởng thôn Kim Môn tất bật thuê người cày đất, lên luống để xuống giống khoai lang Nhật. Rút kinh nghiệm từ vụ “giải cứu” khoai lang năm ngoái, năm nay, gia đình ông chỉ trồng hơn 8 sào; hơn 1 ha còn lại cho người khác thuê trồng. Theo tính toán của ông Lời, chỉ riêng tiền giống, công làm đất, làm cỏ, phân bón trên phần diện tích này ngốn của gia đình hơn 50 triệu đồng (bình quân chi phí đầu tư khoảng 6,5 triệu đồng/sào). “Năm ngoái, tôi trồng 2 ha khoai lang Nhật nhưng thời điểm bán, giá khoai chỉ ở mức 3.000 đồng/kg, lỗ hơn 30 triệu đồng. Trong đó, 1 ha thu hoạch được 23 tấn, còn 1 ha bán đứng trên ruộng cho thương lái chỉ với giá 30 triệu đồng. Trồng khoai ngoài phụ thuộc vào giống, thời tiết, giá cả… còn lo về đầu ra. Hy vọng năm nay chính quyền đứng ra kêu gọi doanh nghiệp tiêu thụ khoai cho người dân bớt khổ”-ông Lời than thở.
Ông Đỗ Văn Lời (bìa trái) vừa xuống giống vừa thấp thỏm lo đầu ra cho sản phẩm khoai lang Nhật. Ảnh: N.S |
Cũng như ông Lời, năm nay, gia đình ông Nguyễn Văn Bội (cùng thôn) cũng giảm diện tích trồng khoai lang. Ông Bội cho hay, gia đình ông đang làm đất, dự kiến chỉ trồng khoảng 1,5 ha. Lý do là vì những vụ khoai ông quyết định “làm ăn lớn” trước đây đều thất bại. Năm ngoái, gia đình ông trồng 4,5 ha nhưng chỉ thu được 75 tấn khoai, bán với giá 3.000 đồng/kg, may mắn thu hồi được vốn đầu tư. Riêng năm 2017, ông trồng 4 ha tại xã Ia Tul (huyện Ia Pa) và bị lỗ trắng gần 300 triệu đồng. Theo ông Bội, năm đó, khoai đến thời điểm thu hoạch nhưng giá bán chỉ tầm 1.000 đồng/kg nên phải “bỏ của chạy lấy người” vì nếu cố thu hoạch thì càng thêm lỗ.
Trưởng thôn Kim Môn cho biết: Cả thôn có 130 hộ thì khoảng 90 hộ trồng khoai lang, hộ ít nhất 5 sào, hộ nhiều đến gần chục héc ta. Nhiều hộ chủ động được nước tưới đã trồng cách đây 2 tháng. Diện tích này có thương lái đến trả giá trước 12 triệu đồng/sào. Mặc dù liên tiếp thất bại nhưng nhiều hộ dân đều có cùng suy nghĩ “năm mất thì sẽ năm được” nên vẫn chọn trồng khoai lang. Theo tính toán của họ, 1 ha khoai sẽ cho thu nhập gấp 3 lần so với trồng lúa. Chỉ cần khoai lang nằm giá từ 7.000 đồng đến 10.000 đồng/kg, người dân sẽ có thu nhập 175-250 triệu đồng/ha. Do vậy, diện tích khoai lang trên địa bàn xã Chư A Thai luôn cao hơn các xã khác.
Ông Phùng Trung Toàn-Chủ tịch UBND xã Chư A Thai-cho biết: Hàng năm, diện tích khoai lang trên địa bàn xã dao động từ 180 ha đến 200 ha. Khoai lang phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng nên đạt năng suất bình quân 25 tấn/ha. Tuy nhiên, gần đây, tình trạng khoai lang rớt giá dẫn đến nhiều hộ bị thua lỗ. Để tránh tình trạng này, tại các cuộc họp giao ban, chính quyền xã đều yêu cầu các trưởng thôn tuyên truyền, cảnh báo người dân giữ ổn định diện tích hiện có, hạn chế mở rộng, nhất là những hộ trồng nhiều nên thu hẹp dần diện tích để tránh thiệt hại lớn khi khoai lang rớt giá. “Khoai lang chủ yếu tiêu thụ ở thị trường Trung Quốc. Khi thị trường này biến động, thương lái hạn chế thu mua dẫn đến lượng khoai ứ đọng, ế ẩm, không có đầu ra, hộ trồng nhiều càng bị thua lỗ nặng”-ông Toàn nhận định.
Trong khi đó, ông Bùi Trọng Thành-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Thiện thì cho hay: Thời điểm này mới chớm vụ, một số hộ chủ động nguồn nước đã xuống giống nên diện tích khoai lang trên địa bàn huyện chưa thống kê được cụ thể, chỉ áng chừng khoảng vài chục héc ta. Đầu tháng 12 tới, khi có nguồn nước thủy lợi, người dân mới xuống giống khoai lang nhiều, chủ yếu là ở xã Chư A Thai và Ia Sol. “Ngay từ đầu vụ, chúng tôi đã khuyến cáo người dân không nên mở rộng diện tích mà căn cứ vào khả năng thị trường, chủ động ký kết với các doanh nghiệp bao tiêu đầu ra để có cơ sở xuống giống phù hợp, tránh rủi ro gây thiệt hại như năm ngoái”-ông Thành thông tin thêm.
NGUYỄN SANG
- Google Play: http://bit.ly/2PcYBHy - App Store: https://apple.co/2W9SmGa |