Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

"Nâng tầm" khoai lang Lệ Cần

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Khoai lang Lệ Cần (xã Tân Bình) là một trong 4 sản phẩm được huyện Đak Đoa, Gia Lai chọn thực hiện trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018-2020. Chính quyền địa phương đang triển khai nhiều giải pháp xây dựng sản phẩm khoai lang Lệ Cần theo chuỗi giá trị, góp phần phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân.
Sản vật địa phương
Trong ký ức của những người cao tuổi sinh sống tại xã Tân Bình, cây khoai lang có mặt trên vùng đất này từ năm 1957. Thời điểm đó, những người dân từ Quảng Nam đi dinh điền đã mang theo giống khoai lang đặc trưng của quê hương lên đây để trồng. Qua thời gian, đến nay, diện tích khoai lang ở xã Tân Bình dao động khoảng vài chục héc ta, được người dân trồng trên những diện tích đất trống, xen canh với các loại cây ngắn ngày hoặc đất vườn cây cà phê, cao su tái canh.
  Người dân thu hoạch khoai lang Lệ Cần. Ảnh: N.D
Người dân thu hoạch khoai lang Lệ Cần. Ảnh: N.D
Cũng như các loại cây ngắn ngày khác, khoai lang trồng 3 tháng là thu hoạch. Đặc trưng của khoai lang trồng trên vùng đất Lệ Cần là ruột vàng, vị bùi và có mùi thơm đặc trưng. Cũng giống khoai lang này nhưng trồng ở vùng đất khác chỉ cách khoảng 4-5 km thì chất lượng lại khác biệt, không thể bằng khoai lang trồng ở Lệ Cần. Vì vậy, trong các lễ hội của huyện và tỉnh, sản phẩm khoai lang Lệ Cần luôn được nhiều người tìm mua. Đặc biệt, khi thu hoạch khoai lang, người dân không lo đầu ra của sản phẩm bởi thương lái thu mua tại chỗ với giá ổn định 8.000-10.000 đồng/kg, cá biệt có thời điểm lên đến 11.000 đồng/kg. Khi Chương trình OCOP được triển khai, xã Tân Bình và huyện Đak Đoa đã chọn khoai lang Lệ Cần để thực hiện nhằm nâng cao giá trị và chất lượng cũng như xây dựng thương hiệu sản phẩm trong những năm tới.
Là một trong những người trồng khoai lang Lệ Cần từ nhiều năm nay, ông Nguyễn Trình (thôn 3, xã Tân Bình) cho biết: Trước đây, gia đình ông năm nào cũng trồng khoai lang nhưng chỉ với diện tích nhỏ. Khoảng vài năm trở lại đây, gia đình ông đã thuê thêm đất để mở rộng diện tích trồng khoai lang lên 30 ha. Trong 3 năm (2016-2018), bình quân mỗi năm, gia đình ông thu được trên 200 tấn khoai lang (năng suất khoảng 8 tấn/ha), sau khi trừ chi phí đầu tư còn lãi khoảng 1 tỷ đồng. Cũng theo ông Trình, hiện nay, việc trồng khoai lang Nhật Bản có thể cho hiệu quả kinh tế rất cao. Tuy nhiên về lâu dài, ông chỉ tập trung trồng khoai lang Lệ Cần theo hướng hữu cơ để tạo ra sản phẩm sạch đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng cũng như xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Đầu tư chế biến thành nhiều sản phẩm
Khoai lang Lệ Cần đã khẳng định được giá trị, chất lượng với người tiêu dùng từ nhiều năm nay. Hiện nay, hầu hết nông dân trồng khoai lang nơi đây đã cơ giới hóa từ khâu làm đất, trồng và thu hoạch… nên giảm được nhiều công đoạn thủ công. Đặc biệt, Chương trình OCOP được triển khai đã tạo động lực mới để khoai lang Lệ Cần trở thành sản phẩm đặc trưng của xã Tân Bình và huyện Đak Đoa.
Ông Trương Minh Thắng-Phó Chủ tịch UBND xã Tân Bình-cho hay: “Thực hiện Đề án OCOP giai đoạn 2018-2020 và định hướng đến năm 2030, xã đã chọn khoai lang Lệ Cần làm sản phẩm đặc trưng của địa phương. Xã đang tập trung tuyên truyền cho người dân cùng tham gia xây dựng, triển khai thành lập hợp tác xã chế biến rau củ quả, trong đó tập trung chủ yếu vào chế biến khoai lang Lệ Cần thành nhiều sản phẩm khác nhau. Khó khăn hiện nay là quỹ đất mở rộng diện tích không còn bởi các loại cây công nghiệp dài ngày như cà phê, cao su và hồ tiêu đã phủ kín. Đây cũng là vấn đề trăn trở của địa phương. Vì vậy, xã mong muốn được giao lại một phần diện tích đất cao su để quản lý, sử dụng trồng khoai lang nhằm xây dựng thương hiệu phát triển ổn định, đảm bảo nguồn sản phẩm cung cấp thường xuyên cho thị trường”.
Còn ông Trình thì bộc bạch: “Hiện nay, khoai lang Lệ Cần chủ yếu bán củ tươi, còn sản phẩm qua chế biến (sấy, chiên chân không, bánh tráng khoai lang...) vẫn còn ít. Vì vậy, nếu có sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, sản phẩm sẽ vươn xa”. Cũng theo ông Trình, thời gian tới, gia đình ông sẽ đầu tư xây dựng cơ sở chế biến khoai lang Lệ Cần để cung cấp sản phẩm quanh năm cho thị trường.
 NGUYỄN DIỆP

Có thể bạn quan tâm