(GLO)- Có lẽ không phải chờ đến lúc mái đầu ngả bạc thì ta mới hiểu được lòng mẹ. Khi muốn cất lên câu hát “Mẹ ơi, con đã già rồi” tức là lúc đó, tuổi của mẹ cũng đã lớp lớp mây ngàn. Trong tất cả những ngọt ngào, nồng ấm của cuộc đời mà ta may mắn nhận được, tuyệt nhất vẫn là trái tim của người mẹ, một trái tim dù chịu nhiều đau khổ vẫn muốn dâng hiến vẹn tròn cho con cháu.
Cuộc đời mẹ tựa rễ của một loài cây, chịu phần sần sùi, đen đúa, tối tăm trong lòng đất, miễn bắt được mạch nguồn để dưỡng nuôi ngọn lá. Mẹ đầu tắt mặt tối, dè sẻn, chắt chiu. “Những buổi chợ làng, chợ huyện gánh gồng/Quên lá trầu xanh, bánh cho con mẹ nhớ”. Dâu bể đổi thay nhưng tình mẹ dành cho con muôn đời vẫn thế. Thơ ấu thì ẵm bồng, tuổi đến trường thì lo cơm áo, tới lúc dựng vợ gả chồng, mẹ cũng đau đáu hạnh phúc cho con.
Một đứa trẻ luôn gần mẹ sẽ khó lòng hình dung niềm hạnh phúc tột cùng khi được gặp lại mẹ của chú bé Hồng trong cuốn hồi ký “Thời thơ ấu” của nhà văn Nguyên Hồng: “Phải bé lại và lăn vào lòng một người mẹ, áp mặt vào bầu sữa nóng của người mẹ, để bàn tay người mẹ vuốt ve từ trán xuống cằm, và gãi rôm ở sống lưng cho, mới thấy người mẹ có một êm dịu vô cùng”. Và những ai còn diễm phúc có mẹ trên đời sẽ khó lòng nhìn ra nỗi đau mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã thấu khi mẹ ông vĩnh biệt cõi trần: “Không có một bài hát nào có thể nói đủ về mẹ. Mất mẹ là mất đi một tài sản lớn nhất trong toàn bộ sự giàu có của một đời người. Khi cúi xuống hôn lần cuối trên vầng trán lạnh lẽo của mẹ, tôi biết rằng từ nay sự lạnh lẽo ấy sẽ dần dần tràn ngập trái tim tôi”.
Minh họa: Huyền Trang |
Ta trưởng thành rồi mới bắt đầu nghĩ về mẹ trong cái hạn hữu của thời gian. Ta đi xa, hiên nhà cứ bần thần dáng mẹ đứng ngồi. Dẫu đang cời than ấm thì bàn tay cũng muôn vàn lạnh nhớ. Mang gì về cho mẹ, ai trả lời được câu hỏi tưởng chừng quá giản đơn này. Mang tiền bạc, của cải hay những đắng đót từ cuộc sống mưu sinh trở về bên mẹ? Kỳ thực, ta hay đau đáu những điều mà mẹ không cần đến. Người mẹ nào cũng chỉ cần con mình trở về, lành lặn như đứa trẻ thơ ngày xưa ấy, dù bây giờ đã mang hình hài của một con người dạn dày mưa nắng. Phải đi đến tận cùng chân trời nào, qua bao chìm nổi nữa thì ta mới chịu về ngồi bên hiên, ủ mình trong tay áo mẹ. Người thích phiêu lưu nghĩ bốn bể là nhà; với người muốn quay về thì nơi nào có mẹ mới chính là mái nhà thân thương nhất.
Khi gọi tiếng “mẹ ơi”, ta nghe như có gì đó vừa thầm kín vừa thiêng liêng cất lên trong tâm tưởng. Không ai đếm được mình đã gọi bao nhiêu lần như thế. Chỉ biết, khi đứng trước “thác lũ của số phận”, mẹ là người cho ta sức mạnh. Ai cũng muốn sống sao cho xứng đáng với chuỗi ngày cơ cực của mẹ. Lễ lạt cũng có niềm vui riêng, nhưng chỉ cần ta còn biết nghĩ về ơn đức dưỡng dục, sinh thành bằng tất cả tình yêu thương và lòng thành kính thì ngày nào cũng là Ngày của mẹ. Có những người mẹ quen rồi với áo nâu, với mùi khói bếp nên hễ nhận bó hoa con cháu dành tặng là cứ cười ngượng nghịu. Biết làm sao được, đời mẹ đã như rễ của một loài cây...
Lời nào cho hết những mênh mông tình mẹ? Chúng ta nợ mẹ quá nhiều, dù biết “nước mắt chảy xuôi”…
LỮ HỒNG