Giáo dục

Tin tức

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với nhu cầu xã hội

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Các địa phương trong tỉnh Gia Lai đang chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hướng đổi mới và nâng cao chất lượng, gắn với nhu cầu xã hội nhằm cải thiện cuộc sống, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, xây dựng nông thôn mới.

Đổi mới công tác đào tạo nghề

Những năm qua, nhờ triển khai thường xuyên công tác tuyên truyền nên nhận thức của các cấp, các ngành và người lao động về đào tạo nghề đã có chuyển biến tích cực. Người dân đã ý thức được việc học nghề để tìm kiếm việc làm, cập nhật kiến thức khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất. Các cơ sở dạy nghề cũng đã chuyển từ đào tạo theo năng lực sẵn có sang đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp, địa phương.

Các địa phương trong tỉnh đang chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hướng đổi mới và nâng cao chất lượng, gắn với nhu cầu xã hội. Ảnh: Đức Thụy
Các địa phương trong tỉnh đang chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hướng đổi mới và nâng cao chất lượng, gắn với nhu cầu xã hội. Ảnh: Đức Thụy


Công tác dạy nghề cho lao động nông thôn từng bước được đổi mới. Phương pháp, hình thức dạy nghề chuyển dịch theo hướng lấy người học là trung tâm; tích hợp kiến thức, kỹ năng, tác phong làm việc chuyên nghiệp hình thành năng lực nghề nghiệp cho người học; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học. Việc đánh giá kỹ năng nghề được chú trọng, đảm bảo học viên sau khi hoàn thành chương trình đào tạo có khả năng thực hành nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu của đơn vị tuyển dụng và thị trường lao động. Nhiều hình thức dạy nghề được áp dụng như dạy tập trung, dạy tại cơ sở sản xuất kinh doanh, liên kết giảng dạy... nhằm đáp ứng nhu cầu người học, đa dạng hóa ngành nghề đào tạo. Đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt danh mục đào tạo cho 48 nghề, trong đó có 20 nghề phi nông nghiệp và 28 nghề nông nghiệp. Chương trình đào tạo nghề dưới 3 tháng được xây dựng sát với yêu cầu của thị trường lao động, đáp ứng được sự thay đổi của khoa học kỹ thuật và công nghệ mới ứng dụng trong sản xuất. Chương trình đào tạo nghề được quản lý thống nhất trên địa bàn tỉnh, góp phần đảm bảo chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Nguồn lực đầu tư cho công tác dạy nghề lao động nông thôn được các ngành, các cấp quan tâm. Giai đoạn 2010-2020, ngân sách trung ương đầu tư trên 141 tỷ đồng, ngân sách địa phương đầu tư gần 8,3 tỷ đồng cho công tác dạy nghề cho lao động nông thôn. Ngoài nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, việc xã hội hóa công tác dạy nghề được đẩy mạnh. Tỉnh đã chú trọng thực hiện liên kết các trình độ đào tạo; thực hiện phân luồng, khuyến khích học sinh tốt nghiệp THCS và THPT vào học nghề. Thông qua xã hội hóa đã huy động được nhiều nguồn lực tham gia dạy nghề, đặc biệt là quan tâm đến các đối tượng chính sách, người nghèo… Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư nhân, cơ sở sản xuất kinh doanh đã hỗ trợ người học bằng nhiều hình thức như: hỗ trợ một phần kinh phí đào tạo; địa điểm, trang-thiết bị thực hành; bố trí chỗ ăn, nghỉ trong quá trình thực hành, thực tập tại cơ sở... Các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn tỉnh đã mở các lớp, các khóa tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cà phê, cao su, cạo mủ cao su cho nông dân gắn với tiếp nhận người dân vào làm việc.

Giai đoạn 2011-2020, tỉnh đã tổ chức dạy nghề cho 46.113 nông dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn giúp cho hàng ngàn lao động, nhất là đối tượng chính sách, người dân tộc thiểu số, người nghèo... được chuyển giao kỹ thuật, kỹ năng nghề. Học viên tham gia các lớp đào tạo nghề được tiếp thu kiến thức theo chương trình đào tạo dưới 3 tháng và được hướng dẫn thực hành tại cơ sở sản xuất, trang trại, các mô hình tiêu biểu ở địa bàn nông thôn. Thông qua công tác đào tạo nghề, người lao động biết cách tiết kiệm chi phí sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; biết cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng, vật nuôi, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để tăng hiệu quả lao động, nâng cao thu nhập. Tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau khi học nghề đạt 74% năm 2015 và tăng lên 83% năm 2020, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, giảm nghèo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, trong 10 năm trở lại đây, toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho trên 1.600 thanh niên nông thôn. Sau khi học nghề, thanh niên nông thôn được tạo điều kiện thuận lợi tìm kiếm việc làm phù hợp, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống.

Đào tạo theo nhu cầu thị trường

Cùng với những kết quả đạt được, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Nhận thức của một bộ phận thanh niên và người dân đối với việc học nghề còn hạn chế. Việc thông tin tuyên truyền về học nghề và định hướng nghề nghiệp để phân luồng học sinh vào học nghề sau bậc THCS còn bất cập. Nhiều học sinh có tâm lý ngại đi học nghề. Nhiều sinh viên, nhất là người dân tộc thiểu số, sau khi học nghề không muốn xa gia đình nên việc chuyển dịch cơ cấu lao động gặp khó khăn. Một số địa phương điều tra, khảo sát nhu cầu dạy nghề thiếu chặt chẽ; kế hoạch đào tạo nghề chưa phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội. Các cơ sở dạy nghề chỉ tuyển sinh những nghề mà đơn vị mình có cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên nên mất cân đối về nghề đào tạo. Chất lượng đào tạo nghề lao động nông thôn chưa cao, còn nặng về lý thuyết, ít thực hành nên nhiều nghề sau đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

 Một tiết học nghề may ở Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện Đak Đoa. Ảnh: Đức Thụy
Một tiết học nghề may ở Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện Đak Đoa. Ảnh: Đức Thụy


Trong bối cảnh đất nước đang hội nhập sâu rộng với thế giới, để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, thời gian đến, tỉnh cần gắn đào tạo nghề với thị trường lao động và quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn phải gắn liền mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục tổ chức tuyên truyền các chính sách học nghề bằng nhiều hình thức phù hợp đến người lao động, nhất là người dân tộc thiểu số, đội ngũ thanh niên; làm tốt việc khảo sát, điều tra nhu cầu học nghề để từ đó thực hiện công tác đào tạo nghề mỗi năm đạt hiệu quả cao hơn.

Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ sở dạy nghề, gắn đào tạo nghề với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp và của người lao động. Quan tâm đầu tư tập trung nguồn lực tài chính cho các cơ sở đào tạo nghề, đảm bảo đủ điều kiện về cơ sở vật chất và thiết bị dạy nghề đáp ứng nhu cầu dạy nghề và học nghề của lao động nông thôn. Thường xuyên bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên dạy nghề để nâng cao trình độ, kỹ năng, chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Đổi mới phương thức đào tạo gắn lý thuyết với thực hành, đào tạo tại các cơ sở sản xuất; ứng dụng công nghệ thông tin đào tạo từ xa, áp dụng giáo cụ trực quan sinh động.

Ngoài ra, tỉnh cần đẩy mạnh xã hội hóa công tác đào tạo nghề. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư thành lập cơ sở dạy nghề, thu hút các cơ sở dạy nghề ngoài công lập tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn. Huy động sự tham gia của các doanh nghiệp từ khâu xây dựng nội dung, chương trình đào tạo, cử giáo viên tham gia giảng dạy cùng cơ sở dạy nghề; bố trí học viên thực tập thực tế tại doanh nghiệp và nhận học viên vào làm việc tại doanh nghiệp. Tăng cường gắn kết giữa cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp để nắm bắt nhu cầu lao động của doanh nghiệp. Đẩy mạnh liên kết giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp nhằm thu hút lao động tham gia học nghề gắn với giải quyết việc làm.

TỐNG THỚI MỐC
 

 

Có thể bạn quan tâm