Chẳng có lời biện hộ nào thỏa đáng khi truyện ngắn của Kai Hoàng như bản copy về nội dung và ý tưởng truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.
“Giới cầm bút xôn xao về “tai nạn” của một cây bút trẻ khá có tài. Tôi biết anh nhưng chưa từng gặp. Đọc thơ văn của anh thấy rất được. Hiz… buồn. Đây là bài học cay đắng và mong anh sẽ vượt qua được”. Đó là dòng trạng thái trên facebook của nhà văn Bùi Anh Tấn sau khi biết tin nhà văn trẻ Kai Hoàng đạo truyện ngắn của nhà văn xứ đước Nguyễn Ngọc Tư.
Chuyện gì xảy ra đã xảy ra. Chẳng có lời biện hộ nào thỏa đáng khi truyện ngắn “Biến mất” của Kai Hoàng như bản copy về nội dung và ý tưởng truyện ngắn “Những biển” của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. “Những biển” đã in trong tập “Cố định một đám mây” xuất bản năm 2018, còn “Biến mất” thì đang tham dự cuộc thi truyện ngắn báo Người lao động, mà một trong những vị giám khảo của cuộc thi này là nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.
Tập truyện ngắn “Cố định một đám mây” có in truyện ngắn “Những biển” của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. |
Kai Hoàng là tác giả trẻ thế hệ cuối 8X, viết đều cả thơ, truyện ngắn, tản văn, với giọng điệu mềm mại, trữ tình, trong sáng. So với nhiều cây bút phải mệt nhoài cùng áo cơm và những trang bản thảo dở dang, anh có độc giả của mình, lại được nhiều bậc đàn anh trong văn giới quan tâm giúp đỡ, giới thiệu. Ở tuổi 30, Kai Hoàng sở hữu 10 đầu sách, một số giải thưởng văn học. Đó là một gia tài, một khởi đầu vô cùng thuận lợi. Song đáng tiếc, tự anh đã phá hủy những gì mình gây dựng được. Giờ đây, mười đầu sách ấy ít nhiều sẽ bị suy xét, lật lại từng trang. Còn ở chặng đường trước mắt thì nhà xuất bản nào, tờ báo nào sẽ đón nhận bản thảo của anh một cách hào phóng tin cậy như trước? Đó là chưa kể đến ánh nhìn của bạn đọc!
Đạo văn tuy không phải là câu chuyện mới trong đời sống văn chương ở nước ta và cả nước ngoài, song mỗi lần câu chuyện ấy được xới lên thì dư luận đều bức xúc. Dĩ nhiên, không phải tất cả các vụ đạo văn đều được phát hiện, và mức độ “đạo” cũng khác nhau. Có khi “copy and paste” nguyên xi, chỉ đổi tên tác giả. Có khi “thuổng” về ý tưởng. Có khi giữ nội dung chính, chỉ thay đổi ngôn từ. Có khi “copy” trong nước. Có khi “copy” từ nước ngoài. Dù “đạo’ ở mức độ nào, bị phát hiện hay chưa, thì đều là hành vi không thể chấp nhận được.
Nữ văn sĩ nổi tiếng Hàn Quốc Shin Kyung-Sook từng phải lên tiếng xin lỗi độc giả vì hành vi đạo văn. |
Bản chất của văn học nghệ thuật là sáng tạo, là hướng về Chân – Thiện – Mỹ. Mỗi cá thể là một thế giới riêng. Hà cớ gì văn anh lại giống hoặc giông giống với văn người? Thành công trong mọi lĩnh vực đều khó khăn. Với văn chương, thành công lại càng khó khăn hơn, khắc nghiệt hơn. Nếu đã xác định đi trên con đường ấy thì không thể vì một vài cám dỗ về giải thưởng hay sự nổi tiếng mà biến mình thành kẻ đốt đền. Đạo văn – suy cho cùng đó là hành vi của kẻ nông nổi và tham lam.
Một phần nội dung lá thư của nhà văn Tống Ngọc Hân gửi Trung tâm quyền tác giả Văn học Việt Nam bảo vệ tác phẩm của mình trước vấn nạn “đạo văn”. |
Chúng ta đang sống trong thế giới mở, chỉ cần lên mạng gõ từ khóa “đạo văn” là sẽ cho ra nhiều kết quả, những vụ án đạo văn nổi tiếng thế giới, những tranh luận lại qua có khi mất mặn mất nhạt. Nhưng cuộc đời như dòng sông luôn hướng về phía trước. Lòng người cũng vậy, cần phải tha thứ, để sống, để làm việc và đón nhận những điều mới mẻ kỳ diệu từ cuộc đời này. Đạo một cái bánh mỳ trong cơn đói khát có nguy cơ vào tù. Nhưng đạo văn, từ trước đến nay ở nước ta chưa có ai phải đối diện với luật pháp. Dư luận bùng lên rồi cũng quên đi. Song về phía người viết có tự trọng thì phải cảm nhận sâu sắc vị đắng chát mà tự mình gây ra.
Người yêu văn chương luôn rộng lượng với ai từng vấp ngã biết đứng lên, nhưng xin đừng lợi dụng lòng tốt ấy đến lần thứ hai. Ngay cả dư luận không biết, không lên án, thì vẫn còn đó con người lương tâm bên trong mình. Con người ấy sẽ luôn thao thức, sẽ không tha thứ cho ta. Và trong tình huống xấu nhất, nếu không còn con người ấy, thì chắn chắn cuộc sống không còn tồn tại văn chương, không còn tồn tại cái "Đẹp".
Anh Thư/VOV.VN