Thay bằng trĩu nặng mặc cảm mất mát vì chiến tranh, vị doanh nhân này “lập trình” cuộc chiến khác- cuộc chiến không tiếng súng, thay đổi số phận dân tộc...
40 năm sau cuộc chiến, TP Cao Bằng ngày nay đã hồi sinh, hiện đại, khang trang, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày một nâng cao. Ảnh: Đoàn Bổng. |
Khắc ghi ngày lịch sử
Sau 40 năm, cuộc chiến chống thế lực bành trướng, bá quyền của nhà cầm quyền Trung Quốc trên toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam lần đầu tiên được kỷ niệm theo cách khá đàng hoàng và cởi mở.
Có thể, với mỗi người, lần KỶ NIỆM này vẫn chưa xứng tầm, khi còn nhiều điều cần nói, muốn nói, vẫn chưa thể nói; khi chúng ta mong muốn nhiều hơn những gì đã làm, đang làm, để chạm đến hai khái niệm công bằng và sòng phẳng với lịch sử; khi những gì chúng ta thực hiện trong tháng năm dài thời hậu chiến chưa thỏa lòng những người ngã xuống.
Đó đây, mặc cảm bị quên lãng, bỏ rơi vẫn đè nặng tâm trí những người từng tham gia cuộc chiến và người thân của họ.
Dù vậy, chắc hẳn từ đây, ngày 17 tháng 2 năm 1979, tức ngày 21 tháng giêng năm Kỷ Mùi, đã khắc ghi vào tâm trí người Việt Nam: Ngày nhà cầm quyền Trung Quốc đưa 60 vạn quân tấn công toàn tuyến biên giới phía Bắc, buộc quân và dân ta cầm súng chống trả, đánh đuổi họ về bên kia biên giới.
Đó là ngày lịch sử, ngày đáng nhớ, ngày nhắc nhớ rất nhiều bài học được viết bằng xương máu.
Lịch sử, trong từng giai đoạn, thói thường vẫn bị che mờ, khuất lấp bởi định kiến và sức ép thời cuộc, thế sự, nhưng không hề mai một, đứt đoạn.
Lịch sử, với mạch ngầm lòng dân vẫn tuôn chảy, hiển hiện, sống động. Rồi đây, khi càng có độ lùi thời gian cần thiết, định kiến dần được cởi bỏ, những thông tin đang bị phủ mờ tiếp tục được giải mật, sự kiện cuộc chiến 17 tháng 2 năm 1979 sẽ được chắp nối, tái hiện, sáng rõ như những gì đã diễn ra, cả trước, trong và sau đó.
Đừng oán trách lịch sử
40 năm trước, vị tướng một đời trận mạc- Tướng Hoàng Đan, vào thời điểm “tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới”, khi nghe mãi cái điệp khúc “một lần nữa, lịch sử lại chọn đất nước ta để thử thách” đã không kìm được cảm xúc: “Lịch sử là gì mà làm lính tôi khổ thế!”.
Lịch sử là cái kết từ những biến cố, sự kiện. Chính con người tạo nên những biến cố, sự kiện, tạo nên lịch sử, và không thể khác, con người phải gánh chịu trách nhiệm trước lịch sử.
Tướng Hoàng Đan và những người lính của ông không oán trách lịch sử, không nhìn nhận lịch sử như một gánh nặng đè lên số phận mỗi người.
Chính họ, cùng hàng triệu đồng bào, chiến sỹ xung trận, đem máu xương ngăn giặc thù, giành lại đất đai sông núi. Họ đã hoàn thành sứ mệnh, trách nhiệm, nghĩa vụ trước nhân dân, dân tộc.
Điều mà họ cần, ở thế hệ hiện tại và mai sau, không phải là lặp lại lịch sử hay phản bội lịch sử, mà là xoay chuyển tình thế, tiếp nối lịch sử dân tộc bằng một cách thức khác, tâm thế khác.
Thay bằng câu hỏi: “Lịch sử là gì mà làm lính tôi khổ thế”, để xốc súng xung trận, thế hệ hôm nay, mai sau thường trực câu hỏi: Chúng ta là gì mà để nước nghèo, dân khổ mãi thế? Để rồi vắt óc, xắn tay hành động.
Một cuộc chiến khác
Từ cuộc chiến 40 năm trước, rất nhiều bài học đắt giá được rút ra. Bài học nằm lòng, dài lâu là đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ quốc tế, thêm bạn bớt thù, ngăn ngừa chiến tranh, xung đột, chung sống hoà bình với láng giềng.
Mấy chục năm qua chúng ta gắng gỏi thấm nhuần và vận dụng bài học đắt giá này. Bài học thường trực là bài học cảnh giác, không để Tổ quốc bất ngờ trước mọi âm mưu, thủ đoạn của ngoại bang hòng xâm lăng, cưỡng chiếm lãnh thổ.
Một bài học thực tiễn, bài học của mọi bài học, ở mọi giai đoạn lịch sử, là tranh thủ hoà bình dựng xây đất nước, sớm đạt mục tiêu dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh.
Lịch sử từng nhiều lần lặp lại, khi đất nước lâm vào khó khăn, khủng hoảng, nội bộ bất hoà, lòng dân phân ly, thì bạn bè xa lánh, ngoại bang dòm ngó, động binh. “Trong ấm ngoài êm” không chỉ là phương châm xử thế của mỗi gia đình, mà còn là của mỗi quốc gia.
Đất nước độc lập, giàu mạnh; nhân dân tự do, hạnh phúc; xã hội hài hoà, giang sơn ắt “ngàn thuở vững âu vàng”, thì kẻ xấu, thế lực thù địch hay kẻ thù truyền kiếp, dù muốn, cũng chẳng thể giơ nanh giương vuốt.
40 năm, sau cuộc chiến chống thế lực bành trướng, bá quyền, chúng ta đã làm được gì để “giang sơn ngàn thuở vững âu vàng”?
Đất nước chưa thể giàu mạnh khi trong bộ máy công quyền còn không ít bầy, lũ sâu mọt; khi một phần nguồn tài nguyên, đất đai, ngân khố, công sản quốc gia bị nhóm lợi ích chia chác, cưỡng đoạt, tiêu tán.
Nguồn lực đất nước chưa được khai thác, phát huy vì mục tiêu đất nước hùng cường.
Khi thế giới tự tin bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, thì ở ta lại xuất hiện những loại hình kinh tế “không giống ai”- những “kinh tế ngầm”, “kinh tế đen”, “kinh tế đền chùa, lễ hội”... Không khi nào và không ở nơi đâu, loại hình kinh tế núp bóng văn hóa tâm linh buôn thần bán thánh để kiếm chác lợi lộc lại nở rộ như ở ta.
Khi một phần nguồn lực đất nước bao gồm trí tuệ, của cải đổ dồn vào loại hình kinh tế “không giống ai” này, thì tất yếu nó gây ra nhiều hệ lụy, làm thui chột tư duy, ý chí tự lực tự cường, làm méo mó bức tranh kinh tế xã hội của đất nước.
Nhưng, những biểu hiện đó không phải là mạch chính của dòng chảy vì Tổ quốc hôm nay.
Vào dịp tròn 40 năm cuộc chiến với người anh em phương Bắc thời hiện đại, có một câu chuyện liên quan đến tư duy thời hậu chiến, khá ấn tượng, được nhiều người quan tâm, chia sẻ. Đó là câu chuyện về ông Hoàng Nam Tiến, con trai Tướng Hoàng Đan.
“Suốt đời binh nghiệp của mình, Ba tôi đã mất 30.000 người lính”- Đó là con số khủng khiếp mang khuôn mặt chiến tranh ám ảnh doanh nhân thuộc tập đoàn FPT Software.
Thay bằng trĩu nặng mặc cảm mất mát vì chiến tranh, vị doanh nhân này “lập trình” một cuộc chiến khác, cuộc chiến không tiếng súng, thay đổi số phận dân tộc.
“Có rất nhiều người hỏi tôi về con số 30.000 đó, và tôi trả lời: Tôi muốn tự đặt cho mình một thứ vừa là trách nhiệm, vừa là sứ mệnh, vừa là thử thách.
Ba tôi đã mất đi 30.000 người lính suốt đời binh nghiệp của ông. Là con trai ông, tôi có nhiệm vụ đưa 30.000 bạn trẻ ra nước ngoài, cùng làm việc và cạnh tranh với những tập đoàn hàng đầu.
Đó thực chất cũng là một cuộc chiến khác: cuộc chiến góp phần thay đổi số phận của dân tộc này...30.000 nhân viên của tôi sẽ không phải cầm súng, không phải đổ máu và phải trả giá bằng sinh mạng của mình.
Vì tôi tin, bàn tay cầm đũa ăn cơm được thì cũng gõ bàn phím được. Bàn tay bóp cò súng được thì cũng bấm chuột được. Đất nước này không cần thêm bất kỳ cuộc chiến tranh nào nữa”.
Đất nước này không cần thêm bất kỳ cuộc chiến tranh nào nữa, trừ khi kẻ thù buộc ta phải cầm súng.
Đất nước này cần nhiều hơn những tư duy khác, “cuộc chiến khác” làm thay đổi số phận dân tộc.
Uông Ngọc Dậu (VIE)