Du lịch

Dấu ấn nổi bật nhất của du lịch Việt Nam năm 2016

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Năm 2016, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt mốc kỷ lục 10 triệu lượt khách, tăng 2 triệu lượt so với cùng kỳ năm trước.

Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, năm 2016, các chỉ tiêu về lượng khách du lịch quốc tế, nội địa và tổng thu từ khách du lịch đạt những kỷ lục mới: đón 10 triệu lượt khách quốc tế (tăng 25% so với năm 2015), phục vụ 62 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch đạt 400.000 tỷ đồng.

 

Khách du lịch tại Nha Trang.
Khách du lịch tại Nha Trang.

Bức tranh tổng thể về thị trường khách quốc tế tới Việt Nam

Trong tổng số khách quốc tế tới Việt Nam, khách du lịch ở khu vực Đông Bắc Á chiếm thị phần lớn. Năm ngoái, khách du lịch Trung Quốc chiếm khoảng 22% thì năm nay tăng lên mạnh mẽ. Thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản tiếp tục dẫn đầu và cuối năm nay có tốc độ tăng trưởng cao. Cùng với làn sóng đầu tư từ Hàn Quốc và Nhật Bản, nhóm khách hàng như người thân, bạn bè, sinh viên đến Việt Nam tăng cao. Mức chi tiêu của khách ở khu vực Đông Nam Á cũng tăng lên tại những điểm đến cao cấp như Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc...

Đối với thị trường châu Âu, lượng khách từ 5 nước Tây Âu được miễn thị thực (Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Italy) đã tăng trưởng khoảng 635 ngàn lượt so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, thị trường Italy tăng 30%, Tây Ban Nha tăng 27%, Anh tăng 22%, Đức tăng 19%, Pháp tăng 13%.

Đối với thị trường lớn nhất của Việt Nam ở châu Âu là thị trường Nga cũng đạt mức tăng trưởng ấn tượng là 27%. Ngay cả những thị trường quy mô nhỏ hơn cũng đạt mức tăng trưởng cao đáng kể như Hà Lan tăng 24%, Thụy Điển tăng 22%.

Khách Trung Quốc sẽ là thị trường tiềm năng của du lịch Việt Nam

Năm 2014, lượng khách Trung Quốc ra nước ngoài đã vượt qua con số 100 triệu, năm 2015 đạt 120 triệu và con số này còn tiếp tục tăng. Dự đoán đến năm 2020, khách Trung Quốc ra nước ngoài sẽ đạt trên 220 triệu người, tăng 100 triệu so với 2015. Do vậy, thị trường khách Trung Quốc được xác định là một thị trường tiềm năng của du lịch Việt Nam.

Tổng cục du lịch cũng đã tiến hành quảng bá, xúc tiến du lịch tại 16 tỉnh thành ở Trung Quốc để thu hút khách du lịch từ đất nước này, đồng thời cũng xác định cần có các biện pháp quản lý chặt chẽ, linh hoạt để khai thác tối đa mặt tích cực, giảm thiểu mặt tiêu cực của thị trường này.

Công tác quảng bá và các chỉ tiêu cho du lịch Việt Nam

Du lịch Việt Nam đạt được những thành tựu nổi bật trong năm vừa qua một phần nhờ công tác quảng bá, xúc tiến du lịch được triển khai ngày càng chuyên nghiệp như sử dụng công nghệ mạng e-marketing, phối hợp với VTV triển khai thực hiện chương trình quảng bá du lịch (VTVtrip), hợp tác tốt với các cơ quan truyền thông...

Trong thời gian tới, Tổng cục Du lịch sẽ tiến hành công tác quảng bá bài bản hơn, xác định rõ trọng điểm là Đông Bắc Á, thứ hai là ASEAN, thứ ba là Tây Âu, còn lại là các thị trường mới nổi; có những thông điệp đối với từng thị trường để việc quảng bá dần đi vào chiều sâu.

Ngành Du lịch Việt Nam phấn đấu đến năm 2020 đón từ 18 - 20 triệu lượt khách quốc tế, 82 triệu lượt khách nội địa, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tổng thu từ du lịch đạt 33-35 tỷ USD và đóng góp cho nền kinh tế quốc dân từ 10-12%.

Theo ông Nguyễn Văn Tuấn- Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch: "Để nâng cao hình ảnh du lịch Việt Nam, cần chấn chỉnh các hoạt động du lịch, chất lượng dịch vụ du lịch. Đổi mới trước hết phải từ chính ngành du lịch".

Ông Vũ Thế Bình- Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam cho rằng:  "Việc miễn thị thực cho công dân 5 nước Tây Âu tạo ra cú hích cho sự tăng trưởng lượng khách quốc tế tới Việt Nam. Năm 2016, lượng khách từ thị trường Tây Âu tăng xấp xỉ 20%, lập tức các thị trường khác đều tăng và đặc biệt, chính sách cấp thị thực điện tử sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn cho du lịch Việt Nam".

Theo VOV

Có thể bạn quan tâm