Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Dấu ấn văn học nghệ thuật Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Song hành cùng sự phát triển của tỉnh trong suốt 85 năm qua, văn học nghệ thuật (VHNT) Gia Lai đã tiến một bước dài vững chắc, từ số lượng đến chất lượng, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của người dân, góp phần vào sự nghiệp nâng cao dân trí và giáo dục thị hiếu thẩm mỹ cho quần chúng nhân dân. Theo đó, hình ảnh mảnh đất, con người Gia Lai trong quá khứ, hiện tại và tương lai đã được các tác giả mô tả, gửi gắm vào tác phẩm của mình một cách trung thực, sinh động, đầy sức thuyết phục.

Phong phú, hấp dẫn

Làm phép liệt kê thông thường, bất cứ người yêu VHNT nào ở Gia Lai cũng có thể điểm danh không dưới 10 tác phẩm tiêu biểu, ví như: Địa danh và di tích Gia Lai dưới góc nhìn văn hóa, Tín ngưỡng và tôn giáo của cư dân bản địa tỉnh Gia Lai (Nguyễn Thị Kim Vân), Đêm không màu, Lục bát Văn Công Hùng (Văn Công Hùng), Sứ giả, Sương chưa tan làng trăng, Pơthi (Thu Loan), Nắng gió cao nguyên (Phạm Đức Long), Góc núi (Hương Đình), Mẹ quê (Chử Anh Đào), Mẹ và chiếc nón lá (Nguyễn Thiện Đức), Cọp lửa sông Ba (Quốc Thành)… 

Theo nhạc sĩ Lê Xuân Hoan-Chủ tịch Hội VHNT Gia Lai, những ấn phẩm này đã phần nào đáp ứng nhu cầu của bạn đọc, góp phần quan trọng vào việc giới thiệu và quảng bá hình ảnh đất và con người Gia Lai nói riêng, Tây Nguyên nói chung đến với bạn đọc trong và ngoài nước, đồng thời đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần ngày càng cao của mọi tầng lớp nhân dân. Đây cũng là món quà tri ân của anh chị em văn nghệ sĩ Gia Lai đối với cán bộ, nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
 

Bà Huỳnh Nữ Thu Hà-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh (thứ 6 từ phải sang) trao giải thưởng văn học nghệ thuật tỉnh lần III cho các tác giả đạt giải. Ảnh: P.L
Bà Huỳnh Nữ Thu Hà-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh (thứ 6 từ phải sang) trao giải thưởng văn học nghệ thuật tỉnh lần III cho các tác giả đạt giải. Ảnh: P.L

Thông qua các ấn phẩm này, người đọc Gia Lai và cả nước có thêm một kênh thông tin, một món ăn tinh thần góp phần bồi dưỡng thêm tâm hồn, khơi dậy sức mạnh, sự hướng thiện tiềm ẩn... trong mỗi con người, làm giàu có thêm hành trang trong cuộc sống hôm nay. Nếu tập sách Mỹ thuật, Nhiếp ảnh Gia Lai  (gồm 122 tranh, ảnh của 12 nghệ sĩ nhiếp ảnh và 17 họa sĩ) đem đến cho người xem những cảm nhận phong phú về mảnh đất và con người Gia Lai nói riêng, Tây Nguyên nói chung trong sinh hoạt, lao động, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thì tập sách Dân ca Bahnar là sự tôn vinh vẻ đẹp âm nhạc, nét văn hóa của đồng bào Bahnar được nhạc sĩ Lê Xuân Hoan sưu tầm trong suốt 30 năm hoạt động âm nhạc. Đặc biệt, tập sách Văn học Gia Lai (1945-2010) với 5 chương riêng biệt (gồm văn học Gia Lai trong thời kỳ chống thực dân Pháp (1945-1954); văn học Gia Lai trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ (1954-1975); văn học Gia Lai 10 năm sau giải phóng (1975-1986); văn học Gia Lai thời kỳ đất nước đổi mới, đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội (1986-2010); chương kết) đã đem đến cho bạn đọc một cái nhìn tổng thể, khái quát về diện mạo văn học tỉnh nhà qua các thời kỳ.

Đậm đà bản sắc văn hóa

Khai thác, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc nói chung, nét văn hóa Tây Nguyên trong đó có Gia Lai nói riêng vừa là khát khao vừa là mục đích của đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh nhà. Đặc biệt, kể từ khi Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” đi vào cuộc sống đã tạo nên một luồng sinh khí ấm áp, là động lực, là sức mạnh tác động đến mọi người, mọi ngành, mọi cấp trong suốt hơn 15 năm qua, trong đó có VHNT. Nhờ đó, có nhiều tác phẩm VHNT của anh chị em văn nghệ sĩ Gia Lai ra mắt công chúng đã mang đậm dấu ấn Gia Lai; nhiều tác phẩm đã trở nên quen thuộc trong đời sống văn nghệ của cả nước.

Những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc Jrai, Bahnar đã được nhiều tác giả sưu tầm, nghiên cứu và khai thác, đưa vào tác phẩm của mình một cách chủ tâm và khéo léo, tạo cho diện mạo VHNT Gia Lai có một bản sắc riêng, tiếng nói riêng nhưng vẫn mang trong mình hơi thở, tiếng nói chung của thời đại. Do đó, những tác phẩm ấy chẳng những có giá trị bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mà còn có ý nghĩa góp phần tôn vinh và đưa văn hóa Gia Lai nói riêng, Việt Nam nói chung hòa cùng dòng chảy với các nền văn hóa trong khu vực và quốc tế. Có thể kể ra ở đây một số tác phẩm tiêu biểu như: Một thời trăng (thơ, Thu Loan), Ngựa trắng bay về (trường ca, Văn Công Hùng), Thiếu nữ Tây Nguyên (tranh sơn mài, Hồ Thị Xuân Thu), Chị em (tranh sơn dầu, Lê Hùng), Nét cao nguyên (ảnh, Trần Phong), Hồn Tây Nguyên (ảnh, Phạm Dực),  Ánh lửa nhà rông (nhạc, Ngọc Tường), Bác Hồ của em (ca khúc, Lê Xuân Hoan), Hồn cồng (múa, Xuân La), Vào mùa (múa, Y Brơm)…

Thưởng thức các tác phẩm VHNT này, chúng ta luôn thấy được sự dụng công khai thác triệt để bản sắc văn hóa của vùng đất, những mạch ngầm văn hóa Jrai, Bahnar và rộng hơn là bản sắc văn hóa Việt của các văn nghệ sĩ Gia Lai.

Thái Bình

Có thể bạn quan tâm