Kinh tế

Giá cả thị trường

Đầu năm đi chợ… cầu may

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Không có cảnh kỳ kèo, trả giá, buổi chợ đầu năm thường diễn ra trong không khí nhẹ nhàng, ấm áp. Đi chợ đầu năm, không đơn thuần là bán-mua những hàng hóa thường ngày mà còn bao hàm ý nghĩa cầu may. Mùng 2 Tết, các khu chợ bắt đầu mở hàng khai xuân.

Trái cau phải xanh và tươi thì người mua sẽ hài lòng và người bán cũng sẽ suôn sẻ cả năm. Ảnh: Trần Dung
Trái cau phải xanh và tươi thì người mua sẽ hài lòng và người bán cũng sẽ suôn sẻ cả năm. Ảnh: Trần Dung

Ngay từ sáng sớm, các khu chợ lớn, nhỏ trên địa bàn thành phố Pleiku đã họp mặt đầu xuân với nhiều mặt hàng phong phú. Ngoài việc lựa chọn trái cây, hoa, rau củ thì nhiều người cũng đã chọn mua muối, cau trầu cho ngày đầu năm mới. Với nhiều người, đến chợ không chỉ để mua hàng mà còn là mua lộc cầu may cho năm mới. “Những trái cau, lá trầu được xem như món lộc đầu năm để cho những ai thành tâm sẽ gặp duyên may, phước lành. Vậy nên năm nào cũng thế, tôi thường ra chợ vào ngày Mùng 2 để tìm mua trầu cau. Cảm giác đi buổi chợ đầu tiên trong năm mới rạo rực khó tả lắm”-chị Tô Thị Hương Trà (phường Yên Thế- TP. Pleiku) chia sẻ.

Ngày đầu năm, việc mua bán ở các chợ không mang nặng tính kinh doanh. Điều quan trọng, mọi người đến chợ để mua chút lộc đầu xuân, chúc phúc cho mọi người, mọi nhà năm mới an lành, gia đình thuận hòa, phát tài phát lộc. Bà Nguyễn  Thị Út (phường Diên Hồng-TP. Pleiku) vui vẻ cho biết: “Đi chợ đầu năm luôn đông vui nhưng rất dễ chịu. Ông bà ta thường nói “đầu năm mua muối” nên hầu như năm nào tôi cũng mua để cầu may mắn cho bản thân và gia đình trong năm. Người xưa quan niệm muối đem lại nhiều may mắn trong gia đình. Mua muối đầu năm cũng có ý nghĩa trong văn hóa ẩm thực, văn hóa tình cảm, nó mang lại sự đậm đà cho các mối quan hệ gia đình, sự hòa thuận giữa vợ chồng, con cái”.

 

Sạp hàng trái cây “đón” khách đầu năm. Ảnh: Trần Dung
Sạp hàng trái cây “đón” khách đầu năm. Ảnh: Trần Dung

Hầu hết chợ đầu Xuân đều diễn ra đơn giản, nhanh gọn và kết thúc khá sớm trong không khí ấm áp, nhẹ nhàng từ những lời chúc, những trao đổi mua bán thân tình. Ngoài việc tìm mua “lộc” đầu năm thì nhiều người cũng ra chợ để tìm mua rau quả tươi về phục vụ cho gia đình mình trong những ngày Tết tiếp theo.

Các quầy hàng đầu năm cũng không cần phải quá cầu kỳ, chỉ vài ba cái rổ, vài miếng ni-lon hay một kệ hàng nhỏ, người bán có thể bày bán những mặt hàng thiết yếu. Ngoài cây trái của các sạp hàng lớn thì nhiều người dân mang những mớ rau tươi ngon trồng trong vườn nhà ra chợ bán lấy may ngày đầu năm. “Tôi bán những buổi chợ đầu năm như thế này cũng được gần 10 năm nay. Năm nào cũng thế, như một thói quen, sáng mùng 2 Tết hàng năm tôi bày bán lá trầu, quả cau tươi. Mà phải là lá trầu còn nguyên cuốn, lá phẳng phiu, không bị dập nát. Cau thì phải trái xanh, tươi. Có như vậy người mua sẽ rất hài lòng và mình buôn bán cũng sẽ suôn sẻ cả năm”-bà Trần Thị Lượng (bán hàng tại Trung tâm Thương mại Pleiku) cho hay.

 

 Khách hàng chọn mua những trái bắp sú từ vườn tươi ngon. Ảnh: Trần Dung
  Khách hàng chọn mua những trái bắp sú từ vườn tươi ngon. Ảnh: Trần Dung

Là chợ đầu năm nên cũng không có thách-trả, tranh cãi như thường ngày. Chợ có đủ thức hàng. Từ quả bầu, trái dưa leo, bắp sú đến hành ngò… Chợ khác hẳn ngày thường, khách mua và người bán có thể hỏi han, trò chuyện thoải mái, còn bán được nhiều hay ít không quan trọng lắm. Chị Minh (xã Biển Hồ- TP.Pleiku) kể: “Năm  nào cũng vậy, cứ sáng mùng 2 Tết, lại đem ít bắp sú và rau cải trong vườn ra chợ bán. Dù chỉ bán cho một vài khách hàng đầu tiên trong năm nhưng cũng thấy vui lắm vì mình lấy được lộc buôn bán đầu năm. Hy vọng cả năm sẽ buôn may, bán đắt”.

Không chỉ ở các trung tâm chợ, một số hàng rau quả còn được bày bán ven đường trong ngày đầu năm mới. Không chèo kéo, rao hàng dẫn tới mất trật tự, cảnh trao đổi mua bán ở đây cũng khiến người chứng kiến cảm thấy vui vẻ và yên lành.

Trần Dung

Có thể bạn quan tâm