Bám cơ sở
Lần đầu tiên chúng tôi gặp chị Đinh Thị Bem-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Ia Dơk (huyện Đức Cơ) là khi chị đi trao đồ dùng học tập cho một em học sinh mồ côi. Căn nhà nằm sâu trong rừng cao su, không điện đóm, phải qua đoạn đường đất trơn như mỡ mới tới nơi. Vậy mà, chị Bem vẫn thuộc như về nhà mình. Dựng chân chống xe, chị khệ nệ bê thùng sách giáo khoa với mấy chiếc cặp sách trao tận tay cho em học sinh.
Chị Đinh Thị Bem-Chủ tịch Hội LHPN xã Ia Dơk (huyện Đức Cơ) tặng sách giáo khoa cho trẻ mồ côi tại làng Dơk Lah. Ảnh: Minh Châu |
Trên chiếc xe máy, lúc nào chị Bem cũng chở theo khi thì bao đồ cũ, khi là thùng sách cũ. Ngay cả phòng làm việc dù diện tích khá khiêm tốn nhưng chiếm một góc là đồ cũ được phân loại, xếp gọn ghẽ. Chị nói: “Đồ cũ do mình trực tiếp xin về, cũng có khi người dân trong xã mang tới cho hoặc từ các nguồn vận động, kết nối từ bên ngoài. Khi về làng, mình thường mang theo, thấy ai thiếu gì mình cho nấy. Tuy giá trị vật chất không lớn nhưng các làng quanh đây còn nhiều người khó khăn, quà gì cũng thiết thực nên họ rất vui”.
Bởi sự gần gũi, bám cơ sở mà chị nắm rõ từng hoàn cảnh khốn khó ở địa phương. Làng nào có phụ nữ khuyết tật, làng nào có trẻ mồ côi cần được hỗ trợ đến trường chị đều biết rõ. Mới đây, từ sự hỗ trợ, động viên của chị, xã Ia Dơk có 1 phụ nữ khuyết tật có ý tưởng lọt vào vòng thi cấp vùng cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp toàn quốc.
Là “thủ lĩnh” phụ nữ ở vùng đất đa số hội viên là người Bahnar, chị Nguyễn Thị Đào-Chủ tịch Hội LHPN xã Sró (huyện Kông Chro) không ngại hòa mình, thích ứng với đời sống hội viên. 10 năm làm công tác phụ nữ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã cho chị Đào kinh nghiệm đổi mới sáng tạo trong việc triển khai thực hiện nghị quyết đại hội phụ nữ các cấp, cụ thể hóa phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Xã có 7 làng Bahnar và 1 thôn người Kinh. Vì vậy, kinh nghiệm đầu tiên là phải học tiếng Bahnar để hiểu văn hóa, lối sống tới thói quen sinh hoạt của chị em. Các mô hình chị thành lập đều dựa trên sự “hiểu” này. Chị đã vận động các chi hội gây quỹ thông qua hình thức mượn đất công trồng mì, nhận khoán thu hoạch nông sản, làm rẫy tập thể… với số tiền trên 105 triệu đồng. Các chi hội nhận đỡ đầu 7 trẻ mồ côi trong chương trình “Mẹ đỡ đầu”. Ngoài ra, toàn xã hình thành 4 đội cồng chiêng nữ, các thôn làng đều có tổ dệt thổ cẩm.
Ở địa bàn vùng sâu, vùng xa như Sró, tập hợp được hội viên phụ nữ tham gia các mô hình nói trên là chuyện không dễ, cần sự nhiệt tình, năng nổ, dấn thân của cán bộ Hội. Người Bahnar ở đây vẫn giữ thói quen ngủ rẫy. Vì vậy, các hoạt động cần tập hợp đông đủ hội viên phụ nữ rất khó khăn.
Chị Đào cho hay: “Khi triển khai các phong trào, mô hình câu lạc bộ đúng với nhu cầu thực tế, chị em sinh hoạt thấy vui, ý nghĩa, đúng với nguyện vọng, khi đó việc thu hút chị em cũng dễ dàng hơn. Nhờ vậy mà các hoạt động như xây dựng nông thôn mới, bảo tồn văn hóa, xóa bỏ tập tục lạc hậu… có sự chung tay đóng góp rất lớn của hội viên phụ nữ”.
“Ngôi nhà xanh”
Để phong trào trở nên thiết thực, phù hợp với điều kiện sống của hội viên, nhiều cán bộ Hội cơ sở đã có những sáng kiến hiệu quả, các mô hình phù hợp tại cộng đồng. Hội LHPN thị trấn Phú Hòa (huyện Chư Păh) có nhiều hoạt động sôi nổi, đưa nghị quyết đại hội phụ nữ vào cuộc sống, nhưng thành công nhất phải kể đến mô hình “Ngôi nhà xanh tiết kiệm-đồng hành cùng phụ nữ và trẻ em nghèo”.
Chị Vũ Thị Thắm-Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Phú Hòa-cho biết: Đây là mô hình “2 trong 1” khi vừa vận động hội viên phân loại rác tại nguồn, hạn chế tác động xấu đến môi trường, vừa có thêm nguồn kinh phí để hỗ trợ phụ nữ, trẻ em khó khăn. Hội viên thu gom rác thải nhựa, chai lọ, vỏ lon, phế liệu…, khi họp chi hội thì mang theo, gom lại bán gây quỹ. Số tiền thu được đến nay trên 11 triệu đồng, hỗ trợ 3 trẻ em mồ côi, 11 hội viên phụ nữ khó khăn.
Hội LHPN tỉnh biểu dương các Chủ tịch Hội cơ sở giỏi. Ảnh: Minh Châu |
Tại hội nghị biểu dương, khen thưởng chủ tịch Hội cơ sở giỏi, bà Rơ Chăm H'Hồng-Chủ tịch Hội LHPN tỉnh-ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của đội ngũ cán bộ Hội có tinh thần đổi mới, sáng tạo trong việc tập hợp và thu hút hội viên. Chủ tịch Hội LHPN tỉnh thông tin thêm, Hội Phụ nữ cơ sở đăng ký và thực hiện 457 công trình/phần việc xây dựng nông thôn mới, đồng thời tuyên truyền, vận động hộ gia đình hội viên tham gia.
Nhiều phong trào của Hội như hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch góp phần vun đắp giá trị gia đình Việt Nam”… được đội ngũ cán bộ cụ thể hóa, triển khai tại cơ sở với sự đổi mới, sáng tạo, thu hút đông đảo chị em tham gia. Nhờ đó, phong trào phụ nữ không ngừng phát triển về chất và lượng.