“Đây là phát hiện quan trọng nhất và tuyệt vời nhất mà tôi từng biết!” - TS A.Tsybankov, chuyên gia khảo cổ người Nga, vừa ôm hôn, nâng niu chiếc rìu tay trong sự xúc động nghẹn ngào...
Một chiếc rìu đá quý giá được phát hiện trong hố đào Rộc Tưng 4 trong ngày 28-3-2017 |
Đó là lần đầu tiên không chỉ ở VN mà còn tại Đông Nam Á, các chuyên gia tận mắt nhìn thấy chiếc rìu tay cổ xưa bậc nhất thế giới nằm trong tầng văn hóa vẹn nguyên...
"Di tích này có thể chứng minh được rằng con người có thể rải đất, đá để cải tạo mặt bằng cư trú. Những vết tích như thế này là rất hiếm, thế giới chưa tìm thấy!"-TS Nguyễn Gia Đối |
Những chiếc rìu tay “thần thánh”
Chiếc rìu tay đầu tiên được tìm thấy ở An Khê do công của Phan Thanh Toàn, khởi đầu cho sáu chiếc rìu đến thời điểm hiện nay.
Năm 2014, cùng với phát hiện nhiều hiện vật nằm trong bạt taluy làm đường, Toàn phát hiện chiếc rìu tay trong một cái ao do người dân vừa nạo vét ở Gò Đá.
Biết rằng trong khảo cổ học thời sơ kỳ đá cũ, việc phát hiện rìu tay là vô cùng quan trọng, chứng minh cho kỹ thuật chế tác công cụ lao động một cách ổn định, lâu dài của người tối cổ - còn gọi là người vượn đứng thẳng, một trong những tổ tiên trực tiếp của người hiện đại trên thế giới.
Lòng sướng khôn tả hơn bắt phải vàng, anh điện thoại và gửi ảnh về ngay cho TS Nguyễn Gia Đối và PGS.TS Nguyễn Khắc Sử.
Không thể tin ở mắt mình, ngay hôm sau PGS Sử lên đường vào An Khê để chứng thực khu vực có khả năng bảo lưu dấu ấn cổ xưa nhất của loài người.
Khi dấu tích An Khê xuất hiện trong sự bất ngờ, trưởng đoàn khảo cổ Việt - Nga lúc ấy là TS A.Tsybankov lập tức vào Gia Lai.
Qua đánh giá từng mẫu vật dựa trên kinh nghiệm làm khảo cổ nhiều nơi, các chuyên gia tin rằng những gì họ tìm thấy ở An Khê là cực kỳ có giá trị.
Chương trình hợp tác mới trong năm năm (2015-2019) giữa cơ quan khảo cổ hai nước được ký kết, trong sự tin tưởng An Khê đang chứa đựng một “kho báu” thật sự, là một nấc thang ghi nhận quá trình tiến hóa, nấc thang ấy có thể sẽ là mốc thời gian xa xưa nhất mà các nhà khảo cổ học tìm thấy sự xuất hiện của con người.
Tháng 11-2015, những nhát cuốc đầu tiên của các nhà khoa học chính thức chạm vào lòng đất An Khê tại một hố đào rộng 20m2 mở ở Gò Đá thuộc phường An Bình.
Giai đoạn này lạnh buốt và mưa dầm dề, song kết quả khá mỹ mãn với nhiều hiện vật nằm nguyên trong lòng đất.
Sang mùa khô năm 2016, di tích Gò Đá được tiếp tục mở thêm bốn hố rộng khảo cổ tổng cộng 74m2, người ta thu được 58 hiện vật và 21 mảnh thiên thạch nằm trong cùng tầng đất.
Cùng với đó, các nhà khoa học tiếp tục phát hiện ở vùng đồi Rộc Tưng, xã Xuân An 12 địa điểm có di tích.
Hai hố đào được mở là Rộc Tưng 1 rộng 48m2 và Rộc Tưng 4 rộng 20m2, được khai quật và thu được 123 hiện vật đá và 127 mảnh thiên thạch nằm nguyên vẹn trong địa tầng.
Cũng trong giai đoạn này, thông tin phát hiện được thêm địa điểm di tích liên tục được tăng thêm, nào là Rộc Hương, Rộc Gáo, Rộc Lớn, Rộc Nếp...
Và điều đặc biệt hơn cả là ở di tích Rộc Gáo và Rộc Lớn, người ta tìm thêm hai chiếc rìu tay vẹn nguyên và tuyệt đẹp.
Những ngày gần đây, trong một hố đào của Rộc Tưng 4, hai chiếc rìu đá “thần thánh” cũng được tìm thấy nằm trong lớp đất đá...
Những vết tích có khả năng là kiến trúc sơ khai của con người thời kỳ đầu |
Thế giới chưa từng thấy
Một buổi trưa cuối tháng 3-2017, khi những cơn gió lùa vạt bụi dưới cái nắng chát chúa, chúng tôi có mặt tại hố đào Rộc Tưng 1 (xã Xuân An), cũng là lúc TS Nguyễn Gia Đối, phó viện trưởng Viện Khảo cổ học, đến hiện trường để chứng kiến những dấu vết kỳ lạ.
Vừa thấy chúng tôi, Phan Thanh Toàn reo lên: “Dấu vết rõ ràng và đặc biệt lắm. Ở đây có khả năng là nơi ngồi tạo ra các mảnh tước, còn cả “hạch” (đá) và mấy công cụ.
Điều vô cùng thú vị và đặc biệt nhất chính là nơi đây có khả năng người xưa gia cố nền đá để ở. Trong tầng văn hóa này, nhiều mảnh thiên thạch cũng tiếp tục được tìm thấy!”.
Trước đó, các nhà khảo cổ Việt - Nga đã phát hiện những dấu vết rất kỳ lạ, và được đự đoán là bằng chứng việc cải tạo mặt bằng để cư trú, một dạng kiến trúc sơ khai đầu tiên của loài người.
Cũng chính vì sự đặc biệt và tầm quan trọng của di tích, mà các chuyên gia đi đến quyết định mở rộng hố đào Rộc Tưng 1 từ 28m2 lên 70m2 những mong tìm thấy, chứng thực điều gì đặc biệt hơn.
Cho dù tỏ ra hết sức thận trọng nhưng cả Phan Thanh Toàn lẫn TS Nguyễn Gia Đối đều không thể giấu nổi mình trước phát hiện có thể gây chấn động cả nền khảo cổ thế giới.
Sự thận trọng cũng là điều dễ hiểu vì từng có chuyện phát hiện đình đám trong giai đoạn 1981-2000, nhà khảo cổ học có biệt danh “bàn tay của thượng đế” Fujimura đã gây chấn động thông qua công bố phát hiện di tích sơ kỳ đá cũ trên dưới 500.000 năm ở tỉnh Mijagi, Nhật Bản.
Trong chuỗi sự kiện gây chú ý đặc biệt của Fujimura chính là tìm thấy kiến trúc sơ khai của loài người giai đoạn vừa thoát khỏi giai đoạn hồng hoang. Phát hiện này sau đó được phanh phui là giả tạo khiến giới khoa học hụt hẫng trong thời gian dài.
“Di tích này có thể chứng minh được rằng con người có thể rải đất, đá để cải tạo mặt bằng cư trú. Những vết tích như thế này là rất hiếm, thế giới chưa tìm thấy!” - TS Nguyễn Gia Đối không kìm nén được xúc động nói ngay bên hố đào khảo cổ ở An Khê.
Theo Thanhnien
"Giá như tôi có thể khóc!” Các thành viên đoàn khảo cổ học kể lại rằng khi ghi nhận các mẫu vật được đào lên trước đó, giáo sư, viện sĩ, nhà khảo cổ học danh tiếng Anatony Derevianko - Viện Khảo cổ học - dân tộc học Novosibirsk, Nga - đã trực tiếp ra các hố khai quật và nhận ra giá trị đặc biệt nằm sâu dưới lòng đất An Khê nên yêu cầu mở rộng việc kiếm tìm. Hàng trăm mẫu vật như mũi nhọn, hòn ghè, công cụ chặt nạo... - những dụng cụ chinh phục tự nhiên ở dạng sơ khai nhất của loài người xa xưa - đã được đưa lên khỏi lòng đất trong sự sung sướng của nhiều người. Quan trọng hơn, càng khai quật các chuyên gia còn phát hiện nằm xen giữa các mẫu vật ấy là các mảnh thiên thạch. Một thành viên đoàn khảo cổ kể say sưa: “Chứng kiến các mẫu vật được nhặt lên từ lòng đất, có những hình thù đặc trưng thể hiện sự can thiệp của con người như mũi nhọn, đặc biệt là rìu tay..., GS Anatony đã xúc động rồi reo lên rằng giá như ông có thể khóc khi mỗi lần được thấy các mẫu vật ấy. Với nhà khoa học suốt đời đi kiếm tìm dấu tích loài người, những mẫu vật đẹp đẽ và chứa đựng độ sâu của thời gian như vậy có sức hấp dẫn không thể diễn tả thành ngôn ngữ”. |