Kinh tế

Đầu tư tín dụng phát triển cao su tiểu điền

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Việc triển khai thực hiện dự án dài hạn phát triển cao su tiểu điền của Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Đak Đoa (Gia Lai) đầu tư trên địa bàn huyện đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ nét. Diện tích cao su nhiều vùng đã mở miệng khai thác. Vốn vay phát huy tác dụng, giúp bà con ổn định thu nhập, phát triển kinh tế.
Ảnh: K.N.B
Ảnh: K.N.B
Dự án trồng cao su tiểu điền của dự án đa dạng hóa nông nghiệp được Hiệp hội Phát triển Quốc tế và Cơ quan Phát triển Pháp tài trợ, ký kết với Bộ Tài chính năm 1998; có thời gian hoạt động 18 năm (1999-2018) nên vốn vay của ngân hàng chủ yếu là dài hạn, đã tạo điều kiện để các hộ dân mở rộng diện tích trồng cao su, hạn chế tình trạng phá rừng trồng cây ngắn ngày hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao, tạo công ăn việc làm, chuyển đổi cách thức sản xuất từ du canh phát nương làm rẫy sang sản xuất hàng hóa.
Quá trình cho vay kiến thiết vườn cây được ngân hàng đầu tư vốn rất lớn, chiếm đến 97,6% số diện tích cao su tiểu điền của dự án. Tổng số vốn đã giải ngân là 27,5 tỷ đồng với 1.637 hộ vay (chủ yếu là hộ đồng bào dân tộc thiểu số) tham gia trên diện tích 1.487 ha; hiện còn dư nợ 23 tỷ đồng. Thời điểm các năm 2005, 2006, ngân hàng giải ngân trồng mới trên diện tích hơn 1.000 ha và đến nay đã có 12 xã trên địa bàn huyện phát triển diện tích cao su tiểu điền. Với mục tiêu trồng mới và phục hồi cao su tiểu điền, từ lúc thực hiện đến nay Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Đak Đoa luôn cân đối nguồn vốn cho các hộ vay đầu tư chăm sóc vườn cây đúng quy trình kỹ thuật để mở miệng khai thác mủ đạt hiệu quả.
Ở làng Mrảh- xã Kdang, từ năm 2002, 44 hộ dân được vay vốn ngân hàng để trồng 88 ha cao su tiểu điền; đến cuối năm ngoái, các hộ đã trả gần hết nợ cho ngân hàng. Bình quân một ngày khai thác mủ bà con thu nhập từ 1,4 triệu đồng đến 2 triệu đồng/2 ha, vừa có tiền trả nợ cho ngân hàng, vừa có tiền tích luỹ vươn lên làm giàu. Sản phẩm mủ hiện đang có đầu ra ổn định, giá ở mức cao. Nếu tính giá trị kinh tế bình quân 300 triệu đồng/ha, trong tương lai không xa 100% hộ tham gia dự án sẽ có thu nhập trên 300 triệu đồng/năm.
Quá trình triển khai dự án phát triển cao su tiểu điền đã thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu sản xuất trên địa bàn, đẩy mạnh chương trình giải quyết đất sản xuất cho hộ đồng bào nghèo thiếu đất sản xuất, các chương trình khuyến nông, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật.
Bà Bùi Thị Kiệm- Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa cho biết: Giai đoạn từ năm 1999-2006 là kết thúc giải ngân vốn nhưng ngân hàng đã kiến nghị và được kéo dài thời gian ân hạn thêm trong khi chờ đợi nguồn vốn bổ sung của Ngân hàng Thế giới để tiếp tục đầu tư chăm sóc vườn cây. Ngân hàng đã cân đối nguồn vốn kinh doanh thông thường cho hộ nông dân vay duy trì chăm sóc vườn cây đúng quy trình kỹ thuật, nhất là đối với vườn cây sắp mở miệng khai thác.
Cây cao su được đánh giá là cây trồng chiến lược, có tiềm năng kinh tế bền vững, từng bước ổn định phát triển sản xuất. Những năm qua, tín dụng cho cây cao su tiểu điền góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng kịp thời, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế huyện, nhờ đó giảm đáng kể tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn.
Vũ Thảo

Có thể bạn quan tâm