Đều là những người sinh ra ở biển, cùng chọn biển để gắn bó và mưu sinh, thế nhưng, trong khi có những người đã từng bước đổi đời từ những phiên biển bội thu, thì lại có những người, vì nghề biển mà đánh mất hơn nửa cuộc đời...
Đối với người dân làng chài ven biển xã Bình Châu, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi), nghề biển chính là cần câu cơm duy nhất của gia đình từ thế hệ này qua thế hệ khác. Song, rủi ro mà nghề biển mang lại không hề nhỏ. Đã có những người đi rồi không thể trở về, hoặc cay đắng hơn, là họ trở về trong tình trạng thương tích, tàn tật và trở thành gánh nặng cho gia đình. Phía sau những con sóng dữ ngoài khơi xa, là nỗi đau day dứt suốt phần đời còn lại của những người đàn ông miền biển.
Chồng chất nỗi đau
Đến thôn Phú Qúy (xã Bình Châu), hỏi thăm nhà của anh Trần Bưởi, không ai là không biết, bởi lẽ, câu chuyện và hoàn cảnh đáng thương của anh đã từng khiến người dân trong thôn xót xa suốt một thời gian dài.
Sau khi gặp nạn trên biển, anh Bưởi đành gác lại mọi giấc mơ khi vừa tròn 21 tuổi.
Bước vào ngôi nhà cấp 4 còn thơm mùi sơn mới, đập vào mắt chúng tôi là căn phòng khách trống hoác, không có gì ngoài chiếc bàn gỗ đặt ảnh thờ và chiếc giường xập xệ đã cũ. Bà Khương, mẹ của anh Bưởi chậm rãi lần theo mép tường ra chào khách. Bà phân trần, ngôi nhà này vừa được nhà nước hỗ trợ xây tặng vào cuối năm 2018, nhà chỉ có hai mẹ con, đồ đạc cũng chẳng có gì nên trong nhà lúc nào cũng trống trải.
Khi biết chúng tôi đến để hỏi thăm về anh Bưởi, vẻ mặt bà chùng xuống, đôi mắt nhăn nheo mờ đục bỗng rưng rưng “Hơn 20 năm rồi, vậy mà cứ mỗi lần nhìn nó, tui lại đau thắt ruột..”. Nói rồi, bà nhìn về phía người con trai đang ngồi thu mình ở một góc giường, ánh mắt gợn lên chút xót xa.
Bà kể, Bưởi là con út trong gia đình. Học hết lớp 9, Bưởi nghỉ học và xin theo các anh, các chú trong làng đi biển học nghề, với mong muốn kiếm tiền phụ giúp và đỡ đần mẹ. Thế nhưng, cách đây hơn 20 năm, trong một lần lặn biển, anh gặp sự cố áp suất khi đang lặn dưới mực nước sâu 30m. Vừa lên khỏi mặt nước, toàn thân anh tê liệt, mất cảm giác. Ngay sau đó, anh được chuyển vào bệnh viện cấp cứu, mặc dù thoát chết nhưng anh lại bị liệt hai chân và mất hoàn toàn khả năng lao động. Năm đó, anh tròn 23 tuổi.
Ở cái tuổi đang ấp ủ nhiều dự định và hoài bão, Bưởi đành bất lực khép lại những giấc mơ và chấp nhận phần đời còn lại của mình sẽ phải sống chung với cơ thể tàn tật, quằn qoại trong những cơn đau nhức mỗi khi trái gió trở trời.
Bà Khương vẫn còn nhớ như in ánh mắt tuyệt vọng của con trai khi biết tin mình sẽ mãi không thể trở lại như người bình thường, lúc đó, anh ôm chặt lấy mẹ và khóc “Con mất hết tương lai rồi mẹ ơi..!”. Giây phút ấy, tim bà thắt lại vì thương con...
Anh Bưởi, dù đã ngoài 40 nhưng lại khá rụt rè khi tiếp xúc với người lạ, nét cười ngây ngô giấu sau đôi mắt đượm buồn khiến người đối diện có cảm giác “thương thương”. Bà Khương kể, ngày xưa anh vốn là chàng trai hiền lành, có phần nhút nhát. Kể từ lúc bị nạn, Bưởi tự ti và sống khép mình hẳn. Suốt ngày anh chỉ quanh quẩn ở nhà với mẹ, chẳng mấy khi trò chuyện với ai. Cũng vì không ra ngoài, không tiếp xúc với nhiều người, nên anh không có sự từng trải, lanh lợi thường thấy ở một người đàn ông trạc tuổi 40.
Trò chuyện một lúc lâu, anh Bưởi mới bộc bạch “Mấy chục năm nay sống vậy cũng quen rồi. Giờ không buồn nữa, nhưng day dứt lắm. Mẹ thì ngày càng già yếu mà vẫn phải chăm lo từng chút cho mình như vậy, mình chỉ buồn khi thấy mẹ vất vả thôi”.
Ngày trước, mẹ anh phải hàng ngày gánh từng mớ rau ra chợ bán kiếm mấy chục ngàn mua gạo, rồi dành dụm chắt chiu từng đồng để thuốc men cho anh. Nhưng cả chục năm nay sức khỏe yếu dần, bà không làm gì để có thêm thu nhập được nữa, hai mẹ con nhờ vào tiền trợ cấp mỗi tháng mấy trăm ngàn của địa phương, rau cháo qua ngày.
Có lẽ đây cũng là lần đầu tiên bà Khương được nghe những lời tâm sự thật lòng từ con trai mình, siết chặt bàn tay gầy guộc của Bưởi, bà nói trong nước mắt “Tui lo lắm, đêm nào nằm ngủ tui cũng lo. Lỡ chẳng may sáng mai không dậy được nữa, thằng Bưởi biết sống thế nào...”.
Vượt lên số phận
Cách nhà anh Bưởi khoảng chừng 10 căn là hàng tạp hóa của gia đình anh Trần Ngọc Tuấn. Nói là hàng tạp hóa cho “sang”, chứ thật ra chỉ là một chiếc tủ gỗ nhỏ đặt trước cửa nhà, đựng nào là gia vị, nước mắm, bánh kẹo, mì tôm,... mỗi thứ một ít.
Rót nước mời khách, chị Dương Thị Cam (vợ anh Tuấn) bảo, dù chỉ bán được lai rai cho mấy người trong xóm thôi, nhưng cái tủ gỗ này cũng đã giúp nuôi sống gia đình chị trong suốt nhiều năm qua. Bởi cách đây mười mấy năm, anh Tuấn, lao động chính trong gia đình trong một lần đi biển thì gặp nạn, bị liệt nửa người.
Anh Tuấn nhớ lại, ngày trước anh cũng như các thanh niên trong làng, đến tuổi trưởng thành đều theo cha chú đi biển học nghề. Bởi thời ấy không có nhiều công ty và khu công nghiệp như bây giờ, người vùng biển nếu không làm nghề biển thì không biết làm gì để kiếm sống. Trong một lần đi biển đánh bắt ở vùng đảo Hoàng Sa, anh gặp sự cố khi đang lặn dưới biển sâu. Và rồi, nghiệp biển dừng lại khi anh vừa bước qua tuổi 34.
Anh Trần Ngọc Tuấn dù liệt nửa người nhưng vẫn luôn suy nghĩ tích cực về cuộc sống.
“Lúc tôi đang lặn dưới biển sâu hơn 30m thì bình thở báo sắp hết oxi. Tôi nhanh chóng tìm cách ngoi lên bờ. Nhưng điều tôi không lường trước được là trong lúc mất bình tĩnh tôi đã ngoi lên khỏi mặt nước quá nhanh, áp suất chưa kịp điều chỉnh khiến toàn thân tôi tê cứng. Sau khi được sơ cứu và điều trị, tôi may mắn được cứu sống nhưng lại bị liệt nửa người”, anh Tuấn hồi tưởng.
Không thể lao động để nuôi gia đình. Từ đó, chị Cam trở thành người gồng gánh tất cả mọi công việc. Để có tiền nuôi gia đình với người chồng bệnh tật và 3 đứa con thơ dại, ai thuê gì chị cũng làm. Đến tận bây giờ, chị vẫn không thể tin anh và chị có thể vượt qua được những tháng ngày vô cùng gian khó đó.
“Có lẽ tình yêu thương chồng con là động lực để cho tôi liên tục động viên mình phải cố gắng. Mỗi lần đi làm nghĩ anh ấy ở nhà cũng buồn nên tôi mới dành dụm tiền mua một cái tủ bán hàng tạp hóa để có người ra người vào nói chuyện với anh. Phải mất một thời gian khá dài thì sức khỏe của anh mới khá hơn, có thể phụ tôi làm một số công việc lặt vặt trong nhà”, chị Cam tâm sự.
Thấy vợ làm việc vất vả, anh Tuấn luôn suy nghĩ phải làm gì đó để phụ vợ kiếm thêm đồng ra đồng vào. Rồi cách đây 2 năm, anh nảy ra ý tưởng làm dớn bắt cá để bán cho ngư dân trong vùng. Dù công việc không phải có thường xuyên vì ai đặt anh mới làm nhưng cũng ít nhiều đem thêm niềm vui cho anh và đỡ đần cho người vợ chịu thương chịu khó.
“Tính ra làm xong mỗi cái tôi cũng kiếm được chừng 50 ngàn, đợt nào khách đặt nhiều, tôi làm mãi không hết việc. Với những người như tôi, có cái mà làm là vui lắm rồi chứ đòi hỏi gì thêm nữa. Số phận mình như vậy thì cũng đành mỉm cười chấp nhận thôi, có bi quan cũng không thay đổi được gì”, anh Tuấn chia sẻ.
Không riêng gì thôn Phú Qúy, mà những thôn khác ở xã biển Bình Châu cũng có không ít trường hợp người đi biển trở về với cơ thể thương tích, tàn tật. Thế nhưng, tất cả bọn họ khi được hỏi nếu quay lại ngày đó, có chọn nghề biển không. Họ đều trả lời là có. Bởi với họ, biển không chỉ là chốn mưu sinh, mà còn là quê hương. Mà đã là quê hương, thì dù có chuyện gì cũng không thể từ bỏ được. Chuyện “sinh nghề tử nghiệp” với họ là lẽ tự nhiên, một khi đã chọn biển để gắn bó, thì trong lòng mỗi người đều ngầm hiểu rằng, có thể trở về đã là may mắn rồi...
Lê Khánh (Nông nghiệp Việt Nam)