(GLO)- Ở nước ta, Luật Giáo dục 2005 ghi rõ: “Phát triển giáo dục, xây dựng xã hội học tập là sự nghiệp của Nhà nước và của toàn dân; thực hiện đa dạng hóa các loại hình trường và các hình thức giáo dục; khuyến khích, huy động và tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân tham gia phát triển sự nghiệp giáo dục”. Sau thời kỳ đổi mới, công tác xã hội hóa giáo dục đã góp phần không nhỏ vào việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài cho đất nước, cùng với đội ngũ quản lý giáo dục và giáo chức thực hiện mục tiêu xây dựng môi trường giáo dục ngày một hoàn thiện hơn.
Là một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, Gia Lai đã tích cực vận động các tổ chức xã hội, các tầng lớp nhân dân quan tâm phát triển sự nghiệp giáo dục của địa phương, hình thành phong trào học tập sôi nổi, xây dựng xã hội học tập, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; thực hiện đa dạng các nguồn đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang-thiết bị dạy học... Do vậy, những năm qua, quy mô giáo dục tỉnh nhà phát triển nhanh cả về chiều rộng và chiều sâu. Bên cạnh hệ thống giáo dục công lập phát triển rộng rãi, hệ thống giáo dục tư thục cũng được khuyến khích đầu tư mở rộng, nhất là ở các đô thị, vùng thuận lợi, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế-xã hội còn thấp, nhận thức về công tác xã hội hóa giáo dục còn hạn chế nên một số địa phương còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước, chưa có những giải pháp hữu hiệu để huy động mọi nguồn lực của xã hội và nhân dân nhằm góp phần vào sự nghiệp giáo dục chung.
Ảnh nguồn internet |
Bài học kinh nghiệm về công tác xã hội hóa giáo dục nói chung là cần khơi dậy phong trào học tập và học tập suốt đời trong toàn xã hội; phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể, các tổ chức chính trị-xã hội tham gia vận động, tuyên truyền để mọi người có ý thức tham gia xây dựng sự nghiệp giáo dục ở địa phương bằng nhiều hình thức; khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong các lĩnh vực giáo dục, dạy nghề; có chính sách động viên, khen thưởng kịp thời những đơn vị, cá nhân thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa giáo dục.
Theo báo cáo của ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Chư Sê, nhiều năm qua, đơn vị đã tham mưu tốt cho cấp ủy và chính quyền địa phương về công tác xã hội hóa giáo dục. Cụ thể: ngành đã có kế hoạch và phương án cho từng thời kỳ để huy động mọi tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội tham gia phát triển giáo dục ở địa phương; tổ chức tập huấn, triển khai các văn bản, chủ trương của trung ương và địa phương liên quan đến công tác xã hội hóa giáo dục, đặc biệt là Thông tư 29/2012/BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và công tác xã hội hóa giáo dục. Qua đó, các đơn vị trường học trên địa bàn nắm chắc và triển khai rộng rãi cho cán bộ, giáo viên quán triệt chủ trương, chính sách này để phối hợp thực hiện đồng bộ.
Đồng thời, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện còn coi trọng công tác giám sát, kiểm tra, chấn chỉnh hoặc khen thưởng kịp thời mọi hoạt động xã hội hóa giáo dục nhằm tạo dựng niềm tin, đảm bảo sự minh bạch đối với các khoản đóng góp của cá nhân, đoàn thể… Ngành cũng đã tạo điều kiện thuận lợi cho các trường giao lưu, kết nghĩa với các đơn vị kinh tế, đoàn thể để có sự hỗ trợ, giúp đỡ về vật chất và tinh thần nhằm phục vụ yêu cầu giáo dục của nhà trường. Riêng năm học 2017-2018, các trường học ở huyện Chư Sê đã nhận được sự đóng góp tự nguyện từ các doanh nghiệp, các tổ chức cá nhân bằng nhiều hình thức với số tiền trên 2,2 tỷ đồng, 538 chiếc xe đạp cùng nhiều sách vở, dụng cụ học tập, hàng ngàn suất quà, phần thưởng cho học sinh vùng khó khăn.
Sự nghiệp giáo dục-đào tạo nước ta đang bước vào giai đoạn đổi mới toàn diện, đòi hỏi có sự chung sức chung lòng của các ngành, các cấp cùng các tổ chức xã hội và nhân dân. Vì vậy, việc đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa giáo dục nhằm huy động các tiềm lực trong mọi tầng lớp nhân dân là điều vô cùng cần thiết.
Bùi Quang Vinh